Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017

Bình luận: Ép chín non



 Ép chín non

Ngày nay nhờ công nghệ và hóa chất người ta có thể cho nhiều loại trái cây chín bất kì lúc nào theo ý muốn, kể cả khi còn non. Tuy nhiên người tiêu dùng rất lo sự độc hại và luôn tẩy chay những sản phẩm này khi biết nguồn gốc.
Thế nhưng có việc ép "chín non" lại được một số phương tiện truyền thông và nhiều người cổ súy - đó là những cuộc thi tài năng nhí!
Chương trình "thi thố" của trẻ nhỏ ngày càng được nhiều đài truyền hình khai thác để thu hút khán giả. Có thể điểm một số cuộc thi như “Tìm kiếm tài năng Việt" (VTV 2016); “Nhí tài năng” (VTC11); "Siêu sao tài năng nhí 2017 " (VTVcab); "Biệt tài tí hon", "Giọng hát Việt nhí 2017”, “Gương mặt thân quen nhí” (VTV)…

Một cuộc thi do VTC11 tổ chức

Phải thừa nhận qua các cuộc thi mới biết nhiều em nhỏ có tiềm năng, năng khiếu (ca nhạc, biểu diễn…). Tuy vậy, những khả năng vượt trội của trẻ nhỏ đều có sự tu luyện kiểu "gà nòi" chứ không chỉ là bẩm sinh. Nội dung các em thi tài rất ít thấy nói về tuổi nhỏ. Các em cũng ca những bài tình yêu lãng mạn, biểu diễn những bài hùng biện như triết gia, khả năng nói nhiều ngôn ngữ, trí nhớ siêu phàm hay những bài thể thao nặng, mạo hiểm v.v. khi chưa đến 10 tuổi! Mục tiêu của các cuộc thi tài này với các em chỉ là một giá trị nhất định (vật chất, tiền bạc) cùng cái danh được nhiều người biết đến. Có tài năng nhí ca hát sau khi giành giải, với chút tiếng tăm lập tức được gia đình khai thác triệt để nhằm kiếm tiền. Nếu phát hiện tài năng trẻ nhỏ chỉ với mục tiêu như vậy thì thật đáng buồn và đáng lo!
Sinh thời, Bác Hồ từng khuyên: "Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan". Người lớn không nên và không thể đòi hỏi những gì quá lớn lao với trẻ em. "Chiếc búp non" cần được nâng niu, chăm bẵm đúng cách thì mới có hoa tươi, trái ngọt ở tương lai. Nếu bón thúc, kích thích bằng mọi giá để cho ra trái thì cây non sẽ sớm cằn cỗi. Con người cũng không tránh khỏi quy luật phát triển đó của tự nhiên.

Một tiết mục trong cuộc thi "Bước nhảy hoàn vũ nhí" trên một chương trình truyền hình.
 
Lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên cần được nuôi dưỡng và dạy giỗ trong môi trường phù hợp với tâm sinh lí trẻ thơ. Đó là nơi "học mà chơi, chơi mà học" với những nội dung bổ ích giúp hình thành nhân cách và tâm hồn để sau này lớn lên các em trở thành những người tốt, những công dân có ích. Khi đã ép trẻ tu luyện để "biệt tài" ở một lĩnh vực nào đó sẽ làm mất đi cơ hội phát triển cân đối, toàn diện về thể chất, trí tuệ và tâm hồn trẻ nhỏ. 
Nhiều thiên tài khoa học, nhà lãnh đạo, tỉ phú kinh tế nổi tiếng thế giới có tuổi thơ rất đỗi bình thường. Chưa thấy thần đồng nào thực sự trở thành thiên tài. Ngay như nhà bác học Albert Einstein năm 4 tuổi mới bắt đầu biết nói…
Trái chín ép sẽ không tốt cho sức khỏe người sử dụng. Cố ép cho ra những tài năng nhí sẽ không tốt cho tương lai của chính các em. Cái được qua các cuộc thi này chỉ là: Truyền thông “bán hàng” chạy; khán giả mua được vui; gia đình trông chờ chiến thắng. Còn các em được gì ngoài tuổi thơ bị “đánh cắp”? Liệu có nên cổ súy những cuộc thi tài năng nhí?
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 01/11/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét