Câu chuyện minh bạch
Minh bạch là nền tảng căn bản của mọi thể
chế dân chủ.
Minh bạch bảo đảm cho sự giám sát rộng
rãi, để công bằng, chân lí được phơi bày. Một khi sự minh bạch bị phớt lờ thì
đằng sau nó sẽ tồn tại sự khuất tất.
Vừa qua, dư luận bất ngờ và bức xúc khi
trong kì công bố giá xăng dầu, cơ quan quản lí “lờ đi” giá xăng RON 95 dù nó
được tăng tới 810 đồng/lít, khi mà giá thế giới biến động không nhiều. Liên
ngành Công Thương-Tài chính cho rằng chỉ công bố giá các loại xăng dầu phổ biến,
cũng có nghĩa là xăng RON 95 không phải là phổ biến? Chẳng rõ hai bộ này đã
thống kê, nghiên cứu tỉ lệ người dùng từng loại xăng dầu hay chưa mà đã có
khẳng định trên trong khi thực tế do chưa thật tin xăng E5, nhiều người đổ xô
sang dùng xăng RON 95? Sự biện minh này chưa đủ sức thuyết phục dư luận.
Do minh bạch, công khai trong cổ phần
hóa, thoái vốn tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa
qua đã mang lại hàng tỉ đô la cho Nhà nước. Nếu không minh bạch về giá trị
doanh nghiệp, thương hiệu, tình hình kinh doanh, tiềm năng phát triển… của
Sabeco thì doanh nghiệp nước ngoài không thể bỏ ra số tiền lớn như vậy đầu tư
vào doanh nghiệp này.
Minh bạch cổ phần hóa Sabeco mang lại cho Nhà nước hàng tỉ đô la
Chuyện thoái vốn tại Công ty cổ phần bóng
đèn Điện Quang trước đây, cũng do sự minh bạch bị bỏ qua mà tiến trình thực
hiện bị chìm trong khuất tất. Người lao động không thể biết doanh nghiệp lãi
thật hay lỗ giả, giá trị thương hiệu là bao... Năm 2014 có 3,9 triệu cổ phiếu
Điện Quang được thoái theo hình thức thỏa thuận, không tổ chức bán đấu giá
công khai. Một doanh nghiệp làm ăn bình thường nhưng vẫn bị thua lỗ và giá
trị doanh nghiệp tụt thấp. Số cổ phiếu trên đã được em trai của một lãnh đạo
doanh nghiệp này mua. Thế rồi sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp như được “tiêm
chất kích thích”, tăng trưởng “như gió”. Chỉ có điều, giá trị tăng lên lúc
này đã rơi vào túi của một số người trong đó có lãnh đạo công ty và người
thân chứ không phải đa số người lao động. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra khi cổ
phần hóa, những người trong cuộc nắm rõ thông tin, có thể thao túng để mua cổ
phần với giá thấp.
Quản lí kinh doanh xăng dầu còn nhiều điều chưa minh bạch
Năm 2018 Chính phủ sẽ tiếp tục tiến trình
cổ phần hóa tại nhiều doanh nghiệp. Để việc thoái vốn mang lại hiệu quả,
không làm thất thoát tài sản Nhà nước đòi hỏi công khai, minh bạch phải là tiêu
chí hàng đầu.
Hiện nay tồn tại
sự bất cập là một số bộ ngành quản lí nhà nước đồng thời sở hữu doanh nghiệp.
Đã có nhiều ý kiến đề xuất tách doanh nghiệp khỏi cơ quan quản lí bởi ta đang
nỗ lực xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Với mục tiêu,
chức năng kiến tạo thì cơ quan quản lí nhà nước cần sự vô tư, công bằng trong
điều hành và tham mưu đề ra chính sách. Nếu vì lợi ích cụ bộ thì môi trường
kinh doanh sẽ méo mó, triệt tiêu sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Chuyện “lờ đi” thông
tin giá xăng RON 95 đợt tăng giá vừa qua, rồi chuyện “tù mù” Quỹ bình ổn giá
xăng dầu, phải chăng thấp thoáng đâu đó vẫn tồn tại lợi ích cục bộ?
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 18 tháng 01 năm 2018
|
Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét