"Con đâu theo"
Không phải là người đầu tư bất động sản
(BĐS) nhưng lâu nay nghe quảng cáo nhiều về hình thức đầu tư BĐS du lịch
condotel nên tôi cũng tò mò tìm hiểu xem nó là cái gì.
Coldotel, một từ chẳng rõ tiếng nước nào
nhưng nghe như âm “con đâu theo” của tiếng Việt. Theo thông tin tìm hiểu được
thì đây là loại hình căn hộ khách sạn được “bán đứt” cho nhà đầu tư thứ cấp.
Chủ đầu tư kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp mua căn hộ với hứa hẹn hấp dẫn như
sẽ có sổ đỏ sở hữu vĩnh viễn, hằng năm hưởng lãi suất cao (dao động 9-15% tùy
từng dự án), khi cần có thể đến nghỉ như ngôi nhà của mình.
Căn hộ condotel nở rộ ở Nha Trang
Dù hằng ngày vẫn thấy quảng cáo khá nhiều
trên đài truyền hình nhưng tại Nha Trang đã xảy ra tranh chấp về việc kinh
doanh và sở hữu căn hộ condotel. Tại một số dự án chủ đầu tư đã không thực
hiện như cam kết về trả lãi, người mua nhà có muốn cũng không thể đến ở căn
hộ của mình và đành phản ứng bằng khóa trái căn hộ…
Từ những gì đang diễn ra, có vẻ người đầu
tư vào condotel còn rủi ro hơn cho vay nặng lãi dù lãi chẳng nặng. Với căn hộ
trị giá hàng tỉ đồng nếu số tiền đó gửi tiết kiệm ngân hàng ngay lập tức đã
có lãi suất (hiện khoảng từ 6-8% năm tùy ngân hàng và thời hạn). Đầu tư
condotel nộp tiền từ khi dự án bắt đầu đến khi xong căn hộ bắt đầu kinh doanh
mới được tính lãi suất (nhanh cũng vài ba năm hoặc lâu hơn nếu bị vướng về
thủ tục xây dựng). Nói là lãi suất 9-15% nhưng nếu trừ lạm phát chừng 4-5%/
năm thì chỉ còn 5-10%. Hơn nữa khi đã đầu tư mua căn hộ thì đồng tiền đã bị
“chôn chặt”, không thể muốn rút ra lúc nào tùy ý như gửi ngân hàng.
Đó là mới nói về chuyện thiệt hơn lãi
suất. Về mặt pháp lí, hiện nay luật pháp chưa có quy định cụ thể về loại hình
BĐS này. Vậy mà đã có địa phương cấp sổ đỏ cho nhà đầu tư thứ cấp. Theo các
chuyên gia, việc cấp sổ đỏ cho cá nhân loại BĐS này là không đúng quy định
của pháp luật. Sở hữu căn hộ phải theo Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà
ở, trong khi khách sạn không phải là nhà chung cư, không có ban quản lí và
người mua nhà cũng không được cư trú lâu dài. Nhà đầu tư khó có thể bán căn
hộ khi mà về pháp lí chưa rõ ràng hoặc đang tranh chấp… Vậy là nhà đầu tư
muốn cũng không thể “thoái vốn” dễ dàng như gửi tiền tại ngân hàng.
Khi mời gọi, chủ đầu tư thường đưa ra cam
kết nghe rất “ngon ăn” nhưng nếu thực tiễn kinh doanh không được như kì vọng
sẽ khó bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư thứ cấp. Đó là chưa nói đến việc chủ
đầu tư thế chấp toàn bộ dự án để vay tiền ngân hàng dùng vốn kinh doanh dự án
khác. Chuyện này, theo nhiều chuyên gia kinh tế là khá phổ biến trong kinh
doanh BĐS hiện nay. Một nhà môi giới BĐS tại Nha Trang cho rằng có hơn 60% dự
án condotel của tỉnh này đang thế chấp vay ngân hàng nhưng không công khai
rộng rãi. Khi dự án được mang thế chấp vay vốn, căn hộ condotel lúc đó thuộc
về ngân hàng.
Nếu xảy ra tình thế như vậy thì lúc này
nhà đầu tư thứ cấp condotel… còn gì đâu mà theo?
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 25 tháng 1 năm 2018
|
Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét