Bằng cấp và năng lực
Nay đã rời khỏi quân ngũ nhưng tôi vẫn có
cảm giác nhớ và tiếc một trường hợp cán bộ dưới quyền phải rời quân đội khi
mà năng lực, sức khỏe của anh rất tốt. Lí do đơn giản vì anh chỉ tốt nghiệp
lớp 7/10 hệ phổ thông và mới qua đào tạo sĩ quan ngắn hạn. Theo quy định của
Luật Sĩ quan thì cứ đến độ tuổi tương ứng cấp hàm sẽ được nghỉ chế độ. Nếu có
tấm bằng cấp 3 (10/10) thì anh còn phục vụ được thêm 5 năm hoặc có bằng đại
học thì có thêm 10 năm cống hiến cho quân đội. Trong khi đó có người bằng cấp
“xịn” năng lực lại yếu nhưng đơn vị cũng không thể cho nghỉ hưu sớm khi họ
chưa có nguyện vọng.
Tuy chỉ với bằng
cấp, học hành hạn hẹp như vậy nhưng anh này lại có năng lực công tác hơn hẳn
một số sĩ quan đào tạo cơ bản khác. Lí do đơn giản là quá trình công tác anh
luôn tự tìm tòi học hỏi từ sách báo và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Tuy
không có bằng cấp nhưng anh thực sự là một kĩ sư thực hành loại giỏi, đáp ứng
tốt mọi yêu cầu nhiệm vụ đơn vị.
Nói câu chuyện trên vì hiện Bộ Giáo dục
& Đào tạo đang lấy ý kiến vào dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, theo
đó hình thức đào tạo sẽ không được ghi lên văn bằng như quy định hiện tại
trên cơ sở cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên và chuẩn đầu ra của 2
hình thức đào tạo tập trung và không tập trung. Dự thảo đã gây dư luận với 2
luồng ý kiến trái chiều. Một số người có bằng đào tạo tập trung thì cho như
vậy là đánh đồng giữa các loại bằng đại học chính quy và không chính quy.
Nhưng đa số các chuyên gia đều cho rằng khi đã bảo đảm chuẩn chương trình,
giáo viên và đầu ra một cách nghiêm túc, minh bạch thì hình thức, nội dung
ghi trên tấm bằng không mấy quan trọng.
Có lẽ cách tuyển dụng coi trọng bằng cấp
ở khu vực công vẫn còn nặng nề trong tư duy của không ít lãnh đạo. Tại khu
vực tư, các doanh nghiệp tuyển dụng thì lại khác, họ coi trọng năng lực thực
tiễn cùng tư chất của ứng viên. Trong cuộc phỏng vấn tuyển dụng có khi họ còn
chẳng để ý tới ứng viên có bằng cấp gì, “vẻ đẹp” tấm bằng cũng là thừa. Chính
vì vậy mà nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá giỏi vẫn không qua được
vòng tuyển dụng. Trong số khoảng 200 nghìn cử nhân, kĩ sư đang thất nghiệp
hiện nay không ít trong số đó xuất phát từ lí do năng lực thực tiễn và kĩ
năng nghề chưa đáp ứng nhu cầu.
Cách sắp xếp, sử dụng con người trên cơ
sở tiêu chuẩn bằng cấp luôn có tính 2 mặt. Bằng cấp là nền tảng ban đầu nhưng
không phải là tất cả. Trong các cơ quan hành chính nhà nước tại nhiều địa
phương hiện có không ít những người bằng cấp “hoành tráng” nhưng năng lực lại
nhạt nhòa, công việc hằng ngày chủ yếu “sáng cắp ô đi, chiều cấp ô về”.
Đã đến lúc cần xem lại tiêu chí bằng cấp
trong tuyển dụng công chức, viên chức. Bằng cấp chỉ nên xem là yếu tố cần chứ
không phải đủ. Vấn đề quan trọng là sự năng động, sáng tạo vận dụng kiến thức
vào thực tiễn của mỗi cá nhân. Phẩm chất nỗ lực tự học hỏi, tư duy sáng tạo
mới là những nhân lực tiềm năng trong tương lai./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 04
tháng 01 năm 2018
|
Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét