Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Của lo, có ai biết… lo?

“Của biếu là của lo…”, lời tiền nhân trong truyện cổ tích cho đến nay vẫn luôn nóng hổi tính thời sự mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Cứ đến tháng cận Tết âm lịch, mọi ngả đường như cùng hướng về Thủ đô khiến Hà thành vốn đã đông đúc càng thêm ngột ngạt vì giao thông ách tắc.
          Trong dòng người, xe hối hả việc mua sắm chuẩn bị Tết không ít người mang những “của lo” để gửi gắm tới những địa chỉ có thể… lo giùm.

Từ chối quà tặng "khủng" cần có dũng khí

          Dân gian thật tinh khi gắn 2 từ “biếu” với “xén” thành cụm động từ “biếu xén”. Đã biếu thì phải xén, không xén thì sao có để biếu. Với mỗi cán bộ, công chức chỉ trông vào nguồn thu nhập chân chính, muốn tặng quà người thân, họ hàng thì biếu chỗ nọ cũng phải xén chỗ kia. Nếu muốn biếu cấp trên một món quà giá trị liệu chỉ xén từ đồng lương ít ỏi là đủ?  
          Cha mẹ khi được con cháu có biếu chút quà mọn, nhận rồi cũng không khỏi tâm lí cần làm cái gì đó đáp lại với suy nghĩ “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Vậy thì khi một người có chức, có quyền nhận món quà từ cấp dưới, người chịu sự ảnh hưởng bởi những quyết định của mình liệu có thoát khỏi tâm lí phải làm điều gì đó cho “toại lòng”, nhất là với món quà giá trị rất… không bình thường? “Quà biếu” như trong vụ án Trịnh Xuân Thanh với chiếc va li chứa hàng chục tỉ đồng thì không thể coi là món quà mà đó chính là đồng tiền tham ô dùng để hối lộ!
          Của biếu không bình thường khó có được từ nguồn thu nhập bình thường và rất dễ là những thứ “không sạch”. Người nhận món quà không sạch thì bàn tay khó giữ được sạch sẽ mà hệ quả trước tiên là dễ chấp nhận sự sai phạm rồi đến trực tiếp vi phạm. Phát biểu tại hội nghị T.Ư 6 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc: “Đề nghị từng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ…”.
Trong hàng loạt cán bộ cao cấp vi phạm pháp luật, bị truy tố đã và đang được xét xử hiện nay thì một số đã vi phạm từ khá lâu, trong thời gian dài nhưng vẫn bình an và thăng tiến. Phải chăng sự sai trái đã được dung túng bởi cấp trên của họ cũng có những bàn tay “dính chàm”?
Để bàn tay không “dính chàm”, mỗi cán bộ, công chức cần có dũng khí vượt qua cám giỗ vật chất và biết trọng nhân cách hơn tiền bạc. Trong cuộc đời một con người, thứ để lại quý giá nhất là danh thơm, tệ nhất là tai tiếng lưu truyền và tiền của cũng chẳng thể mang theo./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 11 tháng 01 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét