Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

 Bài toán vỉa hè

Chuyện trật tự vỉa hè đô thị cứ ngỡ đơn giản hóa ra lại là bài toán hóc búa, ít địa phương có lời giải hữu hiệu.
Tại Quận 1 TP Hồ Chí Minh, dù một vị phó chủ tịch rất nỗ lực nhưng dường như đang bất lực trong việc lập lại trật tự vỉa hè. Với khát vọng xây dựng một thành phố văn minh, thanh lịch và đáng sống, lấy lại cái tên “Hòn ngọc Viễn Đông” trong quá khứ nhưng với cương vị phó chủ tịch quận, ông phải đối diện với lực cản như “rừng” quyền lợi. Nhiều bãi xe nằm ở các khu “đất vàng” Quận 1 được người dân gọi là bãi xe “vua” vì có bóng dáng công quyền. Có thể phương pháp làm của cá nhân lãnh đạo còn có chỗ chưa thật hoàn thiện, cứng nhắc và chính trong nội bộ chưa thật đồng bộ, nhịp nhàng nên dù xử lí quyết liệt vẫn chưa mang lại hiệu quả. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cần nghiêm túc nhìn nhận toàn diện trong xử lí việc này và có hướng giải quyết bài toán trật tự đô thị trong toàn thành phố.
Cũng bài toán trên nhưng Hà Nội lại có cách giải khác, đó là tăng giá “bán vỉa hè”!
Hưởng ứng với Quận 1 TP Hồ Chí Minh, sau thời gian ra quân “trống giong cờ mở” với tinh thần quyết liệt “gỡ, dỡ, đập, dẹp”… nay có vẻ “phong trào” đã lắng, hè phố trở lại nhịp bình thường quen thuộc từ xưa.

Kết quả hình ảnh cho lấn chiếm vỉa hè tại Hà Nội
Vỉa hè Hà Nội

Với mục tiêu kết hợp giảm ùn tắc với tăng thu ngân sách, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề xuất tăng mức phí thuê lòng đường, vỉa hè, nơi cao nhất (một số quận trọng điểm) tới 300% so với hiện tại. Ngay từ khi dự thảo chủ trương đã có nhiều ý kiến phản biện về tính hiệu quả giảm ùn tắc giao thông, tăng thu ngân sách và nguy cơ “té nước theo mưa”... nhưng chủ trương vẫn được quyết định.
Điều 36 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nêu: “Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông... Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông”.

Kết quả hình ảnh cho chiến dịch dẹp  vỉa hè tại Hà Nội
Hà Nội ra quân "quyết liệt"
Câu “trường hợp đặc biệt… tạm thời” giống như một “khe hẹp” của pháp luật đã được triệt để lợi dụng. Hiện nay, những trường hợp đặc biệt đã trở nên phổ biến và “tạm thời” không quy định là bao nhiêu giờ, ngày, tháng… nên trở thành vô hạn. Cách đây gần 1 năm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng nói “Trong 180 quán bia vỉa hè thì hơn 150 quán có công an đứng sau”. Vậy là vỉa hè Thủ đô đang tồn tại khá nhiều quyền lợi của một số cán bộ, công chức. Có lẽ biết việc dẹp vỉa hè như Quận 1 TP Hồ Chí minh là bất khả thi nên Hà Nội có chủ trương trên. Đúng như lo ngại của dư luận, phí trông giữ xe tư nhân, tự phát không phép tại các quận huyện đã “té nước theo mưa”. Kết quả trước tiên người dân chịu thiệt, không rõ ngân sách tăng được bao nhiêu, khi mà việc quản lí còn lỏng lẻo?
Xem ra “bài toán vỉa hè” ở 2 thành phố lớn nhất nước vẫn khó tìm ra lời giải khi mà yếu tố lợi ích nhóm chưa được gỡ bỏ!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 6 tháng 3 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét