Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Phụ bạc thầy già?

      Các cụ ta xưa có câu “thầy già, con hát trẻ” ngụ ý những người làm thầy thì càng lâu năm kinh nghiệm càng đúc kết tài năng và đức độ, là vốn quý của xã hội cần được trọng vọng.
      
Một giáo viên huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) bật khóc khi nói về việc bị chấm dứt hợp đồng. Ảnh: Minh Quý.


       Tuy nhiên, nay ở nhiều nơi như đang đi ngược lại lời khuyên của người xưa, họ sẵn sàng phế bỏ hàng trăm giáo viên đã có nhiều năm kinh nghiệm một cách không chính đáng rồi lại dễ dàng tuyển dụng… thầy trẻ.
Cách đây chừng hơn 3 năm tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh các lãnh đạo địa phương và ngành giáo dục ở đây đã có “tư duy mới”, trái ngược với kinh nghiệm người xưa. Họ đã “thẳng tay” loại đi nhiều giáo viên đã gắn bó với giảng đường và học trò, người ít thì 5-6 năm, người nhiều tới 13 năm ròng đứng trên bục giảng, trong đó có nhiều giáo viên giỏi. Thay vào những người thầy đã tâm huyết bao năm cho sự nghiệp trồng người huyện nhà là những tân giáo viên - những thầy trẻ. Cuộc “tỉ thí” thi công chức để thay máu cho ngành giáo dục tại đây đưa đến kết cục đáng buồn: Các thầy già đã bị “đo ván” trước thầy trẻ! Lí do bởi đề thi đã được kết cấu trọng tâm vào các luật lệ, quy định hiện hành được cập nhật chứ không phải những kinh nghiệm và kĩ năng cốt yếu của người thầy. Có lẽ các lãnh đạo ở đây cũng đoán trước được kết cục này.
      Tưởng đó cũng là bài học chung cho ngành giáo dục các địa phương không đi vào “vết xe cũ”. Vậy mà vừa qua tại huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) lại xảy ra chuyện đột ngột chấm dứt hợp đồng hàng loạt với đội ngũ giáo viên. Trong 600 giáo viên hiện tại sẽ chỉ có hơn 80 người được xét tuyển để kí hợp đồng tiếp tục công việc. Vì sao lại có cơ sự này với những người thầy? Trước tiên có thể khẳng định đây hoàn toàn không phải lỗi của các giáo viên. Phải chăng là “lỗi hệ thống”? Sự việc đang được các cấp chính quyền tìm hướng tháo gỡ nhưng hàng trăm thầy, cô giáo có thể phần nào sụt giảm niềm tin vào nghề trân quý mà họ đã chọn.
Đã có quy định từ lâu việc thi công chức, nhưng có lẽ lãnh đạo nhiều địa phương vì quá bận công to việc lớn khác nên chưa làm được. Chỉ tiêu về số lượng biên chế cùng chất lượng có lẽ chẳng địa phương nào không có. Tuy nhiên, những năm qua ngành giáo dục tại nhiều nơi đã tuyển dụng không qua thi công chức, thoải mái xét tuyển và kí hợp đồng lao động với giáo viên. Ai cũng biết, việc tổ chức thi tuyển sẽ có sự công bằng, minh bạch và tạo nền tảng pháp lí cao cho việc tuyển dụng. Mặt khác, việc xét tuyển có ai bảo đảm rằng không có tiêu cực hoặc theo ý chí chủ quan của người tuyển dụng?
      Trong những năm gần đây đã xuất hiện dư luận nghi ngại việc chạy chọt, tiêu cực, trục lợi trong tuyển dụng giáo viên. Việc tuyển dụng dễ dãi rồi lại sa thải một cách vô cảm liệu có ai được lợi? Riêng đối với những người thầy, đó là thảm họa, là một “đòn” đánh vào tâm huyết, lòng yêu nghề của họ. Mong từ nay không còn nơi nào nỡ phụ bạc thầy già!  
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi và Báo điện tử Ngaymoionline 
ngày 20 tháng 3 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét