Trung dung
Trong hình học, góc 45 độ tạo một đường
chia đôi góc 90 độ, nằm giữa đường thẳng đứng và đường nằm ngang. Có thể hiểu
đây là một đường trung dung giữa hai phương ngang và đứng.
Tôi chưa
hiểu dựa vào đâu mà cơ quan xây dựng dự án Luật Phòng, chống, tham nhũng (sửa
đổi) lại đưa ra con số 45% để đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với tài sản
của cán bộ, công chức không chứng minh được nguồn gốc. Phải chăng họ cũng
chọn con số trung dung, nó nằm giữa cái đúng (ví như cạnh thẳng đứng) và cái
sai (cạnh nằm ngang)?
Ngay khi đề xuất này đưa ra
đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận trái chiều mà phần lớn không đồng tình. Một
số ý kiến cho rằng làm như vậy chẳng khác nào hợp thức hóa tài sản tham
nhũng, nó không có tính răn đe mà thậm chí khuyến khích tội phạm này. Sẽ có
người sẵn sàng tham nhũng 100 tỉ, trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn còn 55
tỉ! Như vậy chưa chắc đã phải “hi sinh đời bố” mới có thể “củng cố đời con”.
Mức thuế TNCN cao nhất hiện chỉ tới 35%
Một điều luật được đưa ra
phải có căn cứ lí luận và thực tiễn xác đáng, hợp lí, hợp tình, không trái
với các điều luật hiện hành. Trong 10 khoản thu nhập chịu thuế tại Điều 3 của
Luật Thuế TNCN năm 2007 (sửa đổi bổ sung năm 2012) không có nội dung nào đề
cập thu thuế với tài sản không rõ nguồn gốc! Và mức thuế suất cao nhất cũng
chỉ đến 35%, không có con số 45%. Nếu Luật Phòng, chống, tham nhũng đưa vào
nội dung này thì sẽ phải sửa đổi Luật Thuế TNCN và thậm chí nó góp phần vô
hiệu hóa một số nguyên tắc, nội dung và mục tiêu của Luật Phòng, chống rửa
tiền năm 2012.
Có biện luận đưa ra thoạt
nghe cũng có lí: “Nếu Nhà nước không chứng minh được đó là tài sản tham nhũng
thì không thể thu hồi”, và “công dân có quyền tài sản không thể xâm phạm”.
Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với những công dân bình thường. Cán bộ, công
chức không phải là công dân bình thường. Họ có những quyền mà công dân khác
không có được, ví như quyền quản lí, sử dụng tài sản nhà nước vào việc công
và họ chịu hạn chế một số quyền công dân. Chính vì vậy mới có quy định cán
bộ, công chức phải kê khai tài sản để tổ chức và người dân giám sát thu nhập,
bảo đảm mọi tài sản có được của họ là minh bạch, đúng pháp luật.
Đúng là tài sản của cán bộ,
công chức không chứng minh được nguồn gốc nhưng Nhà nước cũng không thể thu
hồi vì chưa có căn cứ để thu hồi. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn có quyền và trách
nhiệm xác minh nguồn gốc tài sản không rõ nguồn gốc đó. Việc này vừa để thể
minh oan cho cán bộ khỏi sự nghi ngờ nếu họ thực sự trong sáng; hoặc làm sáng
tỏ những vi phạm của họ (nếu có) liên quan đến tài sản bất minh.
Điều luật đưa ra là để điều
chỉnh hành vi của con người, nó phải rõ ràng giữa đúng - sai, có tính răn đe
và phòng ngừa. Pháp luật không cho phép sự trung dung, cảm tính!
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Ngày mới onlne ngày 22 tháng 3 năm 2018
|
Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét