Bao
giờ hết “vật đổi hàng”?
Nền
văn minh thương mại sơ khai là vật đổi vật, hàng đổi vật trên cơ sở ngang
giá. Khi con người phát minh ra đồng tiền thì hình thức thương mại này dần
mất đi. Đã qua hàng nghìn năm phát triển, vậy nhưng đến nay xem ra vẫn còn
không ít người “thích” giao dịch kiểu “hàng đổi vật”. Hình thức đầu tư kiểu
“đổi đất lấy hạ tầng” chính là quay lại hình thức thương mại sơ khai của loài
người.
Nghe
thông tin Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội công bố về Dự án xây dựng tuyến đường
từ phố Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân với 2,85km phải dùng quỹ đất
39,8ha tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm để thanh toán cho nhà đầu tư mà
thấy buồn cho văn minh thương mại thời nay! Cứ cái đà “đổi chác” như thế
này thì chẳng mấy nữa Thủ đô sẽ “hết sạch đất vàng” ven nội thành.
Dù có nhiều tồn tại trong các dự án BT nhưng Hà Nội vẫn muốn triển khai các dự án
theo hình thức này. (Ảnh minh họa).
Hình thức xây dựng - chuyển giao (BT)
đang bộc lộ những bất cập. Trong các kì họp Quốc hội từ năm trước cho đến kì
họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vừa qua liên tục có ý kiến cho rằng cần khẩn
trương khắc phục những bất cập của quy định luật pháp khiến Nhà nước “thua
thiệt” trong đầu tư công tư. Đã có chủ trương xây dựng bộ luật về đầu tư công
tư song có vẻ đây vẫn là câu chuyện của tương lai. Dù Nghị định số
63/2018/NĐ-CP (thay thế cho Nghị định 15/2015/NĐ-CP) về đầu tư theo hình thức
đối tác công tư đã được ban hành, nhưng vấn đề cốt yếu đấu thầu vẫn chưa có
thay đổi quan trọng. Đấu thầu chỉ là “trường hợp cần thiết”. Người ta chẳng
ai muốn làm “phức tạp hóa" nên “trường hợp cần thiết” sẽ rất ít xảy ra.
Khánh Hòa đổi 7000m2 đất "vàng” để xây trường Chính trị tỉnh theo hình thức hợp đồng BT. (Khu "đất vàng tại số 1 Trần Hưng Đạo, Nha Trang)
Nhà nước không đủ nguồn lực nên cần có
hình thức đối tác công tư dạng BOT, BT và PPP. Tuy nhiên, với quy định nhà
đầu tư chỉ cần vốn tối thiểu 10-20% dự án, công trình đầu tư thì Nhà nước vẫn
phải bỏ ra 80-90% nguồn lực hoặc chấp nhận nhà đầu tư vay ngân hàng lãi suất
cao hơn huy động trái phiếu Chính phủ và tính vào giá công trình nên hiệu quả
chưa hẳn đã cao. Bên cạnh dù quy định tỉ lệ trên, song kiểm soát nguồn vốn
của nhà đầu tư được bao nhiêu phần trăm chẳng phải chuyện dễ. Vì vậy câu
chuyện “tay không bắt giặc” hay “lấy mỡ nó rán nó” là hoàn toàn có thể.
Tai sao Nhà nước không “đứng ngoài”, tổ
chức đấu thầu cho nhiều nhà đầu tư cùng tham gia dự án để bảo đảm nguồn vốn
hoàn toàn của tư nhân? Nguồn vốn là đất đai đối ứng cho dự án cũng vậy, sao
không lên quy hoạch, xác định rõ mục đích sử dụng đất rồi tổ chức đấu giá?
Sự công khai minh bạch trong đấu giá công
trình, đấu giá đất đai sẽ giúp Nhà nước không “thua thiệt” trong những hoạt
động “đổi chác” như thời cổ đại!
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới
online ngày 28 tháng 6 năm 2018
|
Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018
Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018
Biểu tình bạo động - Câu
chuyện từ phía trời Âu
Đầu năm
2014 cả thế giới nhìn đến điểm nóng Ukraine lo ngại trước sự căng thẳng bởi
cuộc biểu tình của phe đối lập chống chính phủ do ông Victor Yanukovych đứng
đầu.
Biểu tình trở thành bạo động đổ máu ở Ukraine năm 2014
Khi đó, lãnh
đạo một vài nước phương Tây tới đây như con thoi để cổ súy, chỉ dẫn và hứa
hẹn với lực lượng biểu tình về một tương lai sáng lạn. Hành động đó được coi
là “hỗ trợ nền dân chủ”! Nga đã vạch rõ thực chất hành động này là đang “đổ
dầu vào lửa” và nhiều lần yêu cầu các nước không được can thiệp vào tình hình
nội bộ Ukraine. Hoạt động “dân chủ” được cụ thể hóa bằng gạch đá, gậy gộc,
bom xăng.
Các thủ
lĩnh đối lập biết rằng, biểu tình hòa bình rất mất thời gian và chưa chắc đã
đi đến đâu. Muốn kích động cao độ lòng hận thù thì phải có đổ máu! Và kịch
bản này đã xảy ra. Được kích động, những phần tử phát xít mới trong lực lượng
biểu tình tổ chức bắn tỉa vào chính những người biểu tình. Khi máu đã đổ thì
sự phẫn nộ sẽ tăng lên cực điểm. Trước mối an nguy tính mạng, Tổng thống
Yanukovych buộc phải ra đi và phe đối lập đã thành công nhờ bạo động. Đất
nước Ukraine chìm trong bất ổn, nguy cơ tan rã khi chính quyền bán đảo Krưm
quyết định trưng cầu dân ý tách khỏi Ukraine…
Biểu tình -
Bạo động - Lật đổ thể chế hợp hiến được gọi hoa mĩ là “cách mạng màu” từng
diễn ra ở một số quốc gia châu Âu có tình trạng nội bộ bất ổn. Nhận ra sự lợi
hại của kịch bản này nên một số nhóm thù địch với nhà nước ta đang gắng sức
tạo cơ hội với mục tiêu đen tối. Họ biết rằng lòng yêu nước là điểm mạnh của
người Việt nhưng cũng sẽ là “huyệt đạo” của thể chế khi nó bị lợi dụng thành
công. Tuy nhiên, Nhà nước CHXHCN Việt Nam là thành quả hai cuộc kháng chiến
trường kì, gian khổ của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng với bao máu
xương đổ xuống đâu dễ phá bỏ.
Một số kẻ quá khích xông vào đập phá, đốt phương tiện của lực lượng cảnh sát ở Bình Thuận vừa qua
Biểu tình,
hiểu nôm na là sự biểu lộ tình cảm của người dân (đồng tình hoặc phản đối)
trước vấn đề cụ thể của đất nước. Mọi người đã biết đến hình ảnh biểu tình
ngồi của người dân một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản luôn diễn ra trong hòa
bình. Người biểu tình trật tự với tấm băng nhỏ vấn trên đầu hoặc tay cầm lá
cờ nhỏ, động tác phản đối là nắm tay đưa lên xuống trên đầu một đoạn ngắn vừa
đủ dứt khoát.
Việc một số
kẻ quá khích trong đám đông tụ tập xông vào trụ sở cơ quan, đập phá tài sản
công, dùng gạch đá tấn công lực lượng giữ gìn trật tự tại Bình Thuận và một
vài địa phương vừa qua thực sự là hành vi bạo động. Đây không thể coi là một
cuộc biểu tình xây dựng theo đúng ý nghĩa. Nếu lực lượng chức năng không kiềm
chế và để xảy ra đổ máu với một vài người trong đám đông thì tình hình rất dễ
rơi vào hỗn loạn, mất kiểm soát.
Khi tình
cảm yêu nước chính đáng của người dân bị điều khiển chệch hướng, chuyển thành
sự hận thù, tình hình mất kiểm soát thì đó chính là điều mong đợi nhất của lực
lượng thù địch./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 27 tháng
6 năm 2018
|
Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018
Không dám, không thể và… không muốn
Đó có thể là tóm lược mục
tiêu tổng quát trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta hiện nay.
Làm thế nào để công chức
không dám tham nhũng? Người ta chỉ không dám khi biết việc mình làm chắc chắn
sẽ bị phát giác và sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Nhiều quan chức có tài sản khủng nhưng vẫn không thể phát hiện tham nhũng
Tham nhũng tràn lan từ “vặt”
đến “khủng” hiện nay trước tiên có thể do không được phát giác kịp thời. Tuy
có hệ thống chính trị tương đối “đồ sộ” từ cơ sở đến trung ương nhưng sự tự
phát giác tham nhũng lại chiếm tỉ lệ rất thấp. Có khi cộng đồng dân cư biết
ông cán bộ A, ông đảng viên B giàu nhanh chóng chẳng qua do tham nhũng nhưng
các tổ chức trong hệ thống thì hầu như… không biết, kể cả tổ chức Đảng. Rất
hiếm có những vụ tham nhũng do chi bộ, đảng bộ tại cơ sở phát hiện được, thậm
chí có nơi còn bao che, dung túng. Sự yếu kém trong đấu tranh phê bình là
nguyên nhân trước tiên để người ta cứ… tham nhũng.
Một thời gian dài việc xử lí
tham nhũng chưa thực sự nghiêm minh. Nhiều vụ tham nhũng gây bức xúc dư luận
nhưng khi xử lí lại “nhẹ hều” khiến người dân thất vọng, mất niềm tin. Khi
cán bộ tham nhũng chỉ bị khiển trách (hình thức thấp nhất của kỉ luật) thì
sao người ta sợ pháp luật? Đó là chưa kể không ít trường hợp cán bộ tham nhũng
hoặc có dấu hiệu tham nhũng vẫn được bổ nhiệm sang vị trí khác, cất nhắc lên
cương vị cao hơn!
Tài sản quyền lực đang bị tham nhũng là tha hóa
Để người có chức, quyền không
thể tham nhũng thì cần có một cơ chế quản lí chặt chẽ, đồng bộ cả với con
người và tài sản công (gồm cả "tài sản" quyền lực). Cơ chế quản lí
của Nhà nước ta đang ngày càng hoàn thiện bằng hệ thống pháp quy từ thượng
tầng đến cơ sở. Văn bản quy phạm pháp luật đã khá đồng bộ, đầy đủ nhưng quan
trọng nhất là việc thực hiện. Pháp luật dù đầy đủ, chi tiết đến đâu khi người
ta muốn lợi dụng cho mục đích riêng thì vẫn tìm được những khe hở dù rất nhỏ,
như thể con mọt luôn tìm được khe kẽ để phá đổ một cây gỗ lớn.
Nhiều người cho rằng do lòng
tham, do thiếu thốn khiến con người khi có điều kiện là muốn tham nhũng. Đó
có thể là một nguyên nhân, nhưng không chính xác. Cách đây mấy chục năm khi
đời sống của cán bộ, công chức rất khó khăn (hầu hết phải làm thêm mới đủ
sống), vậy sao lại rất ít tham nhũng? Một anh cán bộ quản lí vật chất, tài
chính chỉ cần bỗng có tài sản, cuộc sống khá giả hơn người khác là đã nhận
được những cái nhìn nghi ngờ của dư luận. Người ta rất hổ thẹn khi bị nghi ngờ
là tham ô, “tư túi” bởi phẩm giá, nhân cách mới là tài sản lớn nhất, niềm tự
hào của mỗi người. Ngày nay, thật đáng lo khi nhiều người nhìn cán bộ, đảng
viên giàu nhanh không chính đáng như một chuyện bình thường, chưa kể đôi khi
còn có sự ngưỡng mộ.
“Cuộc chiến” chống tham nhũng chỉ có thể
đi đến thắng lợi khi thực hiện được cả 3 mục tiêu để cán bộ, công chức “không
dám, không thể, không muốn” tham nhũng với sự vận hành của cả hệ thống chính
trị và hưởng ứng của toàn xã hội./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới
online ngày 26 tháng 6 năm 2018
|
Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018
Hình chóp ngược
Kim tự tháp Ai Cập có hình chóp
tồn tại vững chãi hàng nghìn năm vì đây là thế chịu lực khỏe nhất của vật
chất. Lật ngược lại hình thế này sẽ là sự chông chênh, mất an toàn. Ví như
tòa nhà Bảo tàng Hà Nội có hình chóp lộn ngược, nhìn có vẻ hay hay nhưng người
ta vẫn cảm thấy “ghê ghê” về sự an toàn!
Tháp ngược Bảo tàng Hà Nội
Liên hệ đến các hình thể trong
kinh tế, xã hội thì cũng có những “hình chóp” cần bàn. Trong xã hội, tầng
thấp là bình dân, sau đến trung lưu, trên cao nhất là tầng lớp tinh hoa, số
lượng từ nhiều đến ít dần. Con người có chí hướng vươn lên tầng lớp tinh hoa
nhưng quy luật phát triển luôn là hình chóp thuận. Có thể điểm vài loại hình
“chóp ngược” có thể gây bất ổn.
Đa số học sinh THPT đăng kí thi vào đại học
Hệ thống giáo dục và việc làm của
ta có thể ví như một loại hình chóp. Thông thường, trong một lớp học có
50-60% học sinh học lực trung bình, 35-40% mức khá và chỉ chừng 5-10% loại
giỏi và xuất sắc (không kể các trường chuyên, lớp chọn). Trên thị trường lao
động, tỉ lệ lao động phổ thông, công nhân chiếm số đông, lực lượng kĩ sư, cử
nhân và trình độ cao hơn sẽ giảm dần. Theo tỉ lệ thì chỉ chừng 35%-40% số học
sinh tốt nghiệp PTTH vào đại học, cao đẳng là hợp lí. Còn lại phải dành cho
trung cấp, thợ nghề mới phù hợp năng lực và cung cầu thị trường lao động. Tuy
nhiên hầu hết học sinh tốt nghiệp đều đăng kí dự thi đại học, cao đẳng, rất
ít em chịu vào trường nghề dù học lực trung bình. Đáp ứng nhu cầu này, các
trường cao đẳng, đại học cũng “nở rộ” nhằm “hút sạch” học sinh để rồi rất
nhiều cử nhân, kĩ sư ra trường đành cất tấm bằng đại học làm kỉ niệm, “đầu quân”
vào lực lượng công nhân. Công việc của những người “bằng cao, trình thấp” này
thường đơn giản, đứng sau những thợ được đào tạo dù chỉ tốt nghiệp THPT. Thực
tiễn này đang gây lãng phí không nhỏ nguồn lực của xã hội và sự bất ổn trong
thị trường lao động.
Một loại hình chóp rất đáng lo
xuất hiện những năm qua là mô hình “nuôi trồng” dự án. Một dự án được để xuất
ban đầu chỉ “nhỏ như con thỏ”, qua nhiều lần điều chỉnh với những lí do
“thuyết phục”, cuối cùng là lừng lững một “con voi”. Điển hình gần đây phải
kể đến dự án nạo vét sông Sào Khê của tỉnh Ninh Bình. Ban đầu dự án chỉ 72 tỉ
đồng nhưng hiện đã lên đến 2.595 tỉ đồng mà vẫn chưa phải là con số cuối
cùng. Còn nhiều dự án “nở” hàng nghìn tỉ đồng vừa được Kiểm toán Nhà
nước chỉ ra sau kiểm toán...
Sông Sào Khê
Trong tổ chức biên chế cũng có
những nơi đã và đang tồn tại thực trạng “hình chóp ngược”. Không ít sở, ngành
ở các địa phương có số lãnh đạo gấp nhiều lần nhân viên đã được dư luận biết
đến. Đây chính là sự biến dị đáng lo ngại.
Với những loại hình chóp lộn ngược
của dự án kinh tế chỉ có 2 phương án: “Dỡ xuống” để làm lại hoặc dùng tiền
ngân sách “đắp bù” chống đỡ, chấp nhận tiếp tục lỗ lớn! Hình chóp trong tổ
chức bộ máy thì cần mạnh tay lật ngược trở lại cho đúng quy luật.
Hãy tôn trọng những “hình chóp thuận” để triệt tiêu
thất thoát và bảo đảm sự phát triển bền vững./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 20 tháng 6 năm 2018
|
Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018
Lòng dân - Vận
nước
Người Việt Nam ai
cũng biết đến sự kiện Hội nghị Diên Hồng dưới thời nhà Trần. Năm 1284 khi quân
Nguyên Mông lăm le sang xâm lược nước ta lần thứ 2, Thượng hoàng Trần Thánh
Tông đã rất sáng suốt, triệu họp các bô lão trong cả nước về điện Diên Hồng để
trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay đánh. Trí tuệ, kinh nghiệm và quyết
tâm của các bô lão như hội tụ của lòng dân đã tỏa sáng giúp triều đình đưa ra
quyết sách cuối cùng đúng đắn và dẫn dắt dân tộc vượt qua nguy nan, thắng giặc
ngoại xâm, giữ vững giang sơn.
Khi lòng dân đồng tâm lo lắng cho việc nước chính là
lúc vận nước đang vững bền. Không gì đáng lo hơn khi lòng người phân tâm, nội
lực phân tán.
Tuổi trẻ luôn có lòng yêu nước tràn đầy.
Chủ trương của Đảng
ta hình thành đặc khu kinh tế nhằm thiết kế được những đầu tàu dẫn kéo, tăng
tốc cho nền kinh tế là hoàn toàn đúng đắn. Công cuộc công nghiệp hóa nền kinh
tế đất nước cách đây hơn 30 năm với sự hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất
như những đầu tàu đưa nền kinh tế nước ta liên tục tăng tốc, dành được thành
tựu đáng tự hào. Từ một nước nghèo trở thành quốc gia có thu nhập trung bình là
bước tiến dài. Tuy nhiên sự nghiệp công nghiệp hóa phát triển theo chiều rộng
đã đến giai đoạn cần chuyển đổi, lấy hiệu quả từ chiều sâu một cách bền vững
trên nền tảng khoa học công nghệ hiện đại. Vì vậy, xây dựng một mô hình kinh tế
đặc thù tạo động lực mới lúc này là hết sức cần thiết.
Đặc khu kinh tế là mô hình đã được nhiều nước trên
thế giới thực hiện từ hàng chục năm trước. Năm 1980 đặc khu kinh tế Thâm Quyến
của Trung Quốc được thành lập đã biến một “con lạch sâu” trở thành hình mẫu
trong việc thu hút vốn đầu tư và nhân lực trong nước lẫn ngoài nước, tạo hiệu
ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.
Cảnh hoang tàn tại cơ sở sửa chữa tàu thuyền lớn ở Đặc Khu kinh tế Duqm của Oman.
Ảnh: REUTERS
Mỗi mô hình kinh tế đều có tính lịch sử, nó sẽ phát huy tốt khi đáp
ứng được đòi hỏi của thực tiễn đương đại. Lịch sử phát triển chưa bao giờ là sự
bất biến, ngưng nghỉ, do vậy nếu lấy mô hình thành công của hàng chục năm trước
để vận hành cho ngày hôm nay sẽ không có sự sáng tạo và rất khó thành công. Ưu
đãi thuế, đất đai là thế mạnh của đặc khu những giai đoạn trước có lẽ không còn
phù hợp. Rất nhiều đặc khu kinh tế của các nước châu Phi dù ưu đãi cao cũng
không thành công. Ấn Độ hiện có hàng trăm đặc khu kinh tế thất bại (chiếm tỉ lệ
66%). Hiện nước này có trên 60 đặc khu kinh tế thực sự đang "lụi
tàn". Ngay tại Trung Quốc, trong 5 đặc khu kinh tế gồm Thâm Quyến, Hạ Môn,
Chu Hải, Sán Đầu, Hải Nam thì có lẽ thành công nhất vẫn là Thâm Quyến.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi và Báo điện tử
Ngày mới online ngày 13 tháng 6 năm 2018
|
Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018
Trái tim “đặt”
ở đâu?
Đã là người Việt Nam yêu nước, bất
kì ai cũng giành trái tim của mình cho tình yêu đất nước, yêu dân tộc với hàng
nghìn năm lịch sử hào hùng. Đất nước hùng cường vì có hàng triệu trái tim yêu
nước “đặt” đúng chỗ.
Năm trước giữa lúc các nước thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế
châu Á - Thái Bình Dương (APEC) phấn khởi, trân trọng lời mời của nước
chủ nhà Việt Nam đến dự và làm nên thành công rực rỡ của Hội nghị tại Đà Nẵng
thì có một trang mạng thù địch đưa bài bình luận cho rằng nhiều nước đã tẩy
chay hội nghị, điển hình là Thủ tướng Đức “không thèm” đến Việt Nam vì bất
đồng ngoại giao!? Điều nực cười họ không biết điều sơ đẳng rằng nước Đức đâu
có là thành viên khối APEC?
Thông tin trên mạng xã hội thường bị nhiễu loạn, không được kiểm chứng
Hôm 10/6 cũng có trang mạng nước
ngoài đưa tin Thủ tướng nước chủ nhà Hội nghị G7 Canada đã hủy bỏ cuộc gặp
song phương theo kế hoạch với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng, như mọi
người đã biết, ngày 10/6 tại thành phố Québec, Thủ tướng hai nhà nước Việt
Nam và Canada đã tổ chức hội đàm về nhiều vấn đề song phương quan trọng.
Hiện không ít trang mạng có máy
chủ đặt ở nước ngoài thường thu thập thông tin trong nước rồi đăng lại. Cũng
có những nội dung đúng sự thật song phần lớn bị họ nhào nặn gây nhiễu loạn
thông tin với người đọc. Những trường hợp xuyên tạc trắng trợn như trên không
hiếm trên môi trường mạng thời gian qua.
Phòng làm việc, phòng nghỉ của chiến sĩ cảnh sát (tỉnh Bình Thuận)
bị người quá khích tràn vào đập phá, xới tung vật dụng. Ảnh Dân Việt
Trong 2 ngày cuối tuần vừa qua,
lợi dụng sự lo lắng và lòng yêu nước của người dân Việt Nam về việc Quốc hội
chuẩn bị thông qua Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt (ĐVHCKTĐB), nhiều
cá nhân và một số trang mạng đã công khai kêu gọi biểu tình phản kháng chính
quyền. Đã xảy ra việc người dân bị kích động, xông vào đập phá trụ sở chính
quyền, đốt phương tiện giao thông của người dân ở một vài nơi gây mất an ninh,
trật tự. Có kẻ còn lợi dụng trương biểu ngữ chống lại Đảng, Nhà nước…
Phương tiện tại trụ sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh Bình Thuận (PCCC) ở thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong) bị đập phá
Việc người dân tiếp cận thông tin
chưa đầy đủ về dự án luật trên là một thực tiễn. Khi tôi về một vùng quê chỉ
cách Hà Nội trên 30km mà vẫn có người hỏi: “Đặc khu kinh tế giống như Trung
Quốc cho nước Anh thuê Hồng Công 99 năm phải không?”. Tìm hiểu mới thấy rất
nhiều người nhận thức sai lệch nghiêm trọng về luật này, nghĩ rằng Vân Đồn,
Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ là 3 nơi cho thuê “trọn gói” như Ma Cao, Hồng
Kông... của Trung Quốc trước đây. Có rất nhiều người nghe theo kẻ xấu hô hào
biểu tình chỉ với những nhận thức như thế và họ chưa được đọc dòng nào trong
Luật ĐVHCKTĐB đã được công khai trên Cổng TTĐT của Bộ KH & Đầu tư. Thực
trạng này không thể thiếu trách nhiệm trong công tác tuyên truyền thời gian
qua. Khi người dân thực sự hiểu rõ nội dung, ý nghĩa chủ trương sẽ đóng góp ý
kiến và đi tới đồng thuận với chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Xưa nàng Mỵ Châu vì tình yêu mù
quáng đã đặt trái tim vào tay kẻ thù dẫn đến nước mất, nhà tan. Nay nếu tình
yêu nước của ta “đặt” nhầm và những kẻ xấu thì hậu họa cũng khôn lường chẳng
kém!
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi và Báo điện tử Ngày mới online
ngày 12 tháng 6 năm 2018
|
Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018
Đừng
thêm “cú đánh bồi”
Câu chuyện tăng thuế bảo vệ môi trường
(BVMT) lên mặt hàng xăng dầu đã được đề xuất từ năm trước. Do chưa có sự đồng
thuận của người dân, doanh nghiệp nên được gác lại.
Thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan
theo các cam kết quốc tế khiến ngân sách nhà nước ngày một khó khăn, nhất là
khi biên chế bộ máy cồng kềnh “hô giảm” mãi mà chưa thấy giảm. Xem ra cơ quan
lo “gạo tiền” của Chính phủ đang rất nỗ lực để tìm nguồn thu cho ngân sách.
Dù có nhiều cách nhưng xem ra ngành thuế vẫn chỉ chú trọng cách làm dễ hơn cả
là tìm sắc thuế mới và tăng mức thuế hiện có lên… kịch trần! Trong nhiều loại
thuế thì thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu xem ra vẫn là phương án “đẹp” hơn cả
vì có thể giúp tăng thu ngay hàng chục nghìn tỉ mỗi năm.
Giá xăng trong nước và thế giới tăng liên tục vừa qua.
Tuy nhiên, lần này khi đề xuất tăng thuế
BVMT đưa ra chẳng những dư luận xã hội không đồng tình mà có đến 6 Bộ cũng
chưa đồng thuận gồm Công an, Công Thương, Giao thông Vận tải, Văn hóa, Thể thao
và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư. Có chuyên gia
kinh tế khẳng định “không chỉ 6 Bộ phản ứng mà tất cả người dân và các
doanh nghiệp trên cả nước đều phản đối đề xuất này”.
Thời gian gần đây
do biến động địa chính trị thế giới, trọng tâm là căng thẳng Mỹ-Iran nên giá
dầu thế giới lúc cao nhất đã lên hơn 80USD/thùng khiến giá xăng dầu trong
nước cũng liên tục tăng theo. Viễn cảnh người tiêu dùng, doanh nghiệp phải
mua xăng dầu giá cao như giai đoạn đỉnh điểm là hoàn toàn có thể. Là mặt hàng
thiết yếu của người dân, đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất nên xăng dầu
luôn có áp lực lớn lên lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 năm 2018 tăng
tới 0,55% so với tháng trước có phần không nhỏ do giá xăng dầu tăng cao vừa
qua.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng cao nhất so với nhiều năm qua
Theo Bộ Tài chính, phương án tăng thuế
BVMT với các mặt hàng xăng dầu kịch trần, thêm 4.000 đồng/lít thì ngân sách
sẽ tăng thu 14.300 tỉ đồng mỗi năm. Thế nhưng, chỉ thông qua việc thanh tra
thuế các cấp theo kế hoạch của năm 2017 đã mang về cho ngân sách 14.374 tỉ
đồng, đúng bằng số tăng thuế môi trường! Điều đó cho thấy nguồn thuế thất thu
do công tác quản lí không nhỏ. Câu chuyện chuyển giá, gian lận thuế của nhiều
doanh nghiệp lớn xem ra chưa có phương thuốc đặc trị. Có thể nói đây cũng
chính là “dư địa” để ngành thuế tập trung vào “khai thác” giúp tăng nguồn
thu. Lẽ ra, việc nâng cao hiệu quả quản lí thuế phải là hướng đột phá của
ngành thuế nhằm giúp cho mục tiêu tăng thu ngân sách một cách bền vững. Làm
tốt việc này vừa nâng cao uy tín cơ quan quản lí nhà nước, vừa không gây bức
xúc cho người dân, doanh nghiệp khi liên tục phải đón nhận những thông tin
tăng thuế, thêm sắc thuế mới.
Sức ép lạm
phát đang cận kề đe dọa các mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Tăng thuế môi trường kịch trần lúc này chính là “cú đánh bồi” vào nền kinh tế
và an sinh xã hội./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 7 tháng 6
năm 2018
|
Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018
Trăm
năm có ý nghĩa gì?
Một trăm năm là ngắn hay dài?
Nếu không đặt vào cảnh huống cụ thể để so
sánh thì khó ai đưa ra được câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi trên.
Nếu so với một đời người thì trăm tuổi gọi
là đại thọ. Với một đời lao động của con người thì có 3 thế hệ kế tiếp đủ
tuổi nghỉ hưu. So với lịch sử 4.000 năm của dân tộc ta thì đó chỉ là đoạn
ngắn.
Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) kề sát Trung Quốc sắp trở thành đặc khu kinh tế
Thảo luận về dự án Luật Đặc khu tại kì
họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đang có những ý kiến trái chiều. Để kì vọng thu
hút các nhà đầu tư rót tiền của cho phát triển kinh tế đặc khu, có nhiều ý
kiến coi trọng vào những ưu đãi vượt trội. Một ưu đãi có nhiều ý kiến chính
là thời gian cho thuê đất tăng cao đến 99 năm (có lẽ người ta tránh con số
100 vì nó tròn 1 thế kỉ?).
Gọi là thuê đất nhưng bản chất cũng có
thể gọi là “bán” đất vì trong thời gian thuê ấy, nhà nước chẳng thể rút lại
để sử dụng cho việc khác, kể cả phục vụ quốc phòng, an ninh.
Huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đang nóng bất động sản.
Mỗi sự ưu đãi phải hướng tới những lĩnh
vực cụ thể. Vậy với các nhà đầu tư, ai và lĩnh vực nào cần tới 99 năm? Trong
thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, liên tục có những
nghề mới xuất hiện và cũng nhiều ngành nghề tồn tại từ trăm năm trước đang
tiến đến “cửa nhà bảo tàng”. Chắc chắn những doanh nghiệp chế biến, chế tạo,
sản xuất hàng tiêu dùng… chẳng ai cần thời gian thuê đất quá dài. Có đại biểu
nói thẳng rằng chỉ có doanh nghiệp bất động sản mới có nhu cầu thuê đất lâu
dài mà thôi. Nhưng đây hình như không phải là lĩnh vực ưu tiên cao trong đầu
tư của ta? Có ý kiến nêu ví dụ một số nước đã ưu đãi 99 năm. Tiếc rằng ý kiến
chưa nói cụ thể ở đó đã có những nhà đầu tư nào, họ đầu tư lĩnh vực gì đến 99
năm? Thực tế hầu hết nhà đầu tư nước ngoài chỉ mong nơi họ đầu tư có một thể
chế ổn định, một cơ chế thông thoáng và một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình
đẳng. Ngoài doanh nghiệp bất động sản liệu còn ai nữa có tham vọng sở hữu đất
đai lâu dài?
Dự án Formosa từng gây ô nhiễm nghiêm trọng biển miền Trung
Mấy năm trước, khi công ty TNHH Hưng
Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đề xuất xin được trở thành một đặc khu kinh tế có cảng
nước sâu Sơn Dương đã gây xôn xao dư luận. Chưa có ý kiến chấp thuận hay
không mà chính quyền đã khó tiếp cận “lãnh địa” của Formosa. Họ xây miếu thờ
trái phép mà chính quyền “trầy trật” mấy năm chưa thể tháo dỡ. Nếu được thành
đặc khu kinh tế thì rất có thể đó đã là “lãnh địa” riêng và cả cảng biển nước
sâu là nơi bất khả xâm phạm!
Vì vậy, thiển nghĩ 100 năm đối với đất
nước không nên nói ngắn hay dài mà cần biết nó cực kì quan trọng trong tiến
trình phát triển bền vững của dân tộc ta cả về kinh tế, chính trị, văn hóa xã
hội và quốc phòng, an ninh... Phát triển kinh tế chỉ là một lĩnh vực, dù cực
kì quan trọng nhưng cũng không thể đánh đổi bằng mọi giá!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi và Báo điện tử Ngày mới online
ngày 5 tháng 6 năm 2018
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)