Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

 Lòng dân - Vận nước

Người Việt Nam ai cũng biết đến sự kiện Hội nghị Diên Hồng dưới thời nhà Trần. Năm 1284 khi quân Nguyên Mông lăm le sang xâm lược nước ta lần thứ 2, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã rất sáng suốt, triệu họp các bô lão trong cả nước về điện Diên Hồng để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay đánh. Trí tuệ, kinh nghiệm và quyết tâm của các bô lão như hội tụ của lòng dân đã tỏa sáng giúp triều đình đưa ra quyết sách cuối cùng đúng đắn và dẫn dắt dân tộc vượt qua nguy nan, thắng giặc ngoại xâm, giữ vững giang sơn.

Khi lòng dân đồng tâm lo lắng cho việc nước chính là lúc vận nước đang vững bền. Không gì đáng lo hơn khi lòng người phân tâm, nội lực phân tán.

Tuổi trẻ luôn có lòng yêu nước tràn đầy.

          Chủ trương của Đảng ta hình thành đặc khu kinh tế nhằm thiết kế được những đầu tàu dẫn kéo, tăng tốc cho nền kinh tế là hoàn toàn đúng đắn. Công cuộc công nghiệp hóa nền kinh tế đất nước cách đây hơn 30 năm với sự hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất như những đầu tàu đưa nền kinh tế nước ta liên tục tăng tốc, dành được thành tựu đáng tự hào. Từ một nước nghèo trở thành quốc gia có thu nhập trung bình là bước tiến dài. Tuy nhiên sự nghiệp công nghiệp hóa phát triển theo chiều rộng đã đến giai đoạn cần chuyển đổi, lấy hiệu quả từ chiều sâu một cách bền vững trên nền tảng khoa học công nghệ hiện đại. Vì vậy, xây dựng một mô hình kinh tế đặc thù tạo động lực mới lúc này là hết sức cần thiết.
Đặc khu kinh tế là mô hình đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện từ hàng chục năm trước. Năm 1980 đặc khu kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc được thành lập đã biến một “con lạch sâu” trở thành hình mẫu trong việc thu hút vốn đầu tư và nhân lực trong nước lẫn ngoài nước, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.

Đặc khu kinh tế: Được và mất - Ảnh 1.
Cảnh hoang tàn tại cơ sở sửa chữa tàu thuyền lớn ở Đặc Khu kinh tế Duqm của Oman.
 Ảnh: REUTERS

       Mỗi mô hình kinh tế đều có tính lịch sử, nó sẽ phát huy tốt khi đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đương đại. Lịch sử phát triển chưa bao giờ là sự bất biến, ngưng nghỉ, do vậy nếu lấy mô hình thành công của hàng chục năm trước để vận hành cho ngày hôm nay sẽ không có sự sáng tạo và rất khó thành công. Ưu đãi thuế, đất đai là thế mạnh của đặc khu những giai đoạn trước có lẽ không còn phù hợp. Rất nhiều đặc khu kinh tế của các nước châu Phi dù ưu đãi cao cũng không thành công. Ấn Độ hiện có hàng trăm đặc khu kinh tế thất bại (chiếm tỉ lệ 66%). Hiện nước này có trên 60 đặc khu kinh tế thực sự đang "lụi tàn". Ngay tại Trung Quốc, trong 5 đặc khu kinh tế gồm Thâm Quyến, Hạ Môn, Chu Hải, Sán Đầu, Hải Nam thì có lẽ thành công nhất vẫn là Thâm Quyến.
Để có được một đặc khu kinh tế mang nét đặc sắc Việt Nam trong giai đoạn cách mạng 4.0 không phải là mục tiêu dễ dàng. Cùng với việc học tập, rút kinh nghiệm những mô hình sẵn có trên thế giới cần hết sức coi trọng phát huy tiềm năng, trí tuệ của chính con người và lợi thế địa chính trị Việt Nam. Khi lòng dân được hội tụ sẽ tạo nên sức mạnh to lớn, là nền tảng cho mọi thành công./.    
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi và Báo điện tử
Ngày mới online ngày 13 tháng 6 năm 2018 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét