Không dám, không thể và… không muốn
Đó có thể là tóm lược mục
tiêu tổng quát trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta hiện nay.
Làm thế nào để công chức
không dám tham nhũng? Người ta chỉ không dám khi biết việc mình làm chắc chắn
sẽ bị phát giác và sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Nhiều quan chức có tài sản khủng nhưng vẫn không thể phát hiện tham nhũng
Tham nhũng tràn lan từ “vặt”
đến “khủng” hiện nay trước tiên có thể do không được phát giác kịp thời. Tuy
có hệ thống chính trị tương đối “đồ sộ” từ cơ sở đến trung ương nhưng sự tự
phát giác tham nhũng lại chiếm tỉ lệ rất thấp. Có khi cộng đồng dân cư biết
ông cán bộ A, ông đảng viên B giàu nhanh chóng chẳng qua do tham nhũng nhưng
các tổ chức trong hệ thống thì hầu như… không biết, kể cả tổ chức Đảng. Rất
hiếm có những vụ tham nhũng do chi bộ, đảng bộ tại cơ sở phát hiện được, thậm
chí có nơi còn bao che, dung túng. Sự yếu kém trong đấu tranh phê bình là
nguyên nhân trước tiên để người ta cứ… tham nhũng.
Một thời gian dài việc xử lí
tham nhũng chưa thực sự nghiêm minh. Nhiều vụ tham nhũng gây bức xúc dư luận
nhưng khi xử lí lại “nhẹ hều” khiến người dân thất vọng, mất niềm tin. Khi
cán bộ tham nhũng chỉ bị khiển trách (hình thức thấp nhất của kỉ luật) thì
sao người ta sợ pháp luật? Đó là chưa kể không ít trường hợp cán bộ tham nhũng
hoặc có dấu hiệu tham nhũng vẫn được bổ nhiệm sang vị trí khác, cất nhắc lên
cương vị cao hơn!
Tài sản quyền lực đang bị tham nhũng là tha hóa
Để người có chức, quyền không
thể tham nhũng thì cần có một cơ chế quản lí chặt chẽ, đồng bộ cả với con
người và tài sản công (gồm cả "tài sản" quyền lực). Cơ chế quản lí
của Nhà nước ta đang ngày càng hoàn thiện bằng hệ thống pháp quy từ thượng
tầng đến cơ sở. Văn bản quy phạm pháp luật đã khá đồng bộ, đầy đủ nhưng quan
trọng nhất là việc thực hiện. Pháp luật dù đầy đủ, chi tiết đến đâu khi người
ta muốn lợi dụng cho mục đích riêng thì vẫn tìm được những khe hở dù rất nhỏ,
như thể con mọt luôn tìm được khe kẽ để phá đổ một cây gỗ lớn.
Nhiều người cho rằng do lòng
tham, do thiếu thốn khiến con người khi có điều kiện là muốn tham nhũng. Đó
có thể là một nguyên nhân, nhưng không chính xác. Cách đây mấy chục năm khi
đời sống của cán bộ, công chức rất khó khăn (hầu hết phải làm thêm mới đủ
sống), vậy sao lại rất ít tham nhũng? Một anh cán bộ quản lí vật chất, tài
chính chỉ cần bỗng có tài sản, cuộc sống khá giả hơn người khác là đã nhận
được những cái nhìn nghi ngờ của dư luận. Người ta rất hổ thẹn khi bị nghi ngờ
là tham ô, “tư túi” bởi phẩm giá, nhân cách mới là tài sản lớn nhất, niềm tự
hào của mỗi người. Ngày nay, thật đáng lo khi nhiều người nhìn cán bộ, đảng
viên giàu nhanh không chính đáng như một chuyện bình thường, chưa kể đôi khi
còn có sự ngưỡng mộ.
“Cuộc chiến” chống tham nhũng chỉ có thể
đi đến thắng lợi khi thực hiện được cả 3 mục tiêu để cán bộ, công chức “không
dám, không thể, không muốn” tham nhũng với sự vận hành của cả hệ thống chính
trị và hưởng ứng của toàn xã hội./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới
online ngày 26 tháng 6 năm 2018
|
Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét