Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

Đừng thêm “cú đánh bồi”

 Câu chuyện tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) lên mặt hàng xăng dầu đã được đề xuất từ năm trước. Do chưa có sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp nên được gác lại.
Thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo các cam kết quốc tế khiến ngân sách nhà nước ngày một khó khăn, nhất là khi biên chế bộ máy cồng kềnh “hô giảm” mãi mà chưa thấy giảm. Xem ra cơ quan lo “gạo tiền” của Chính phủ đang rất nỗ lực để tìm nguồn thu cho ngân sách. Dù có nhiều cách nhưng xem ra ngành thuế vẫn chỉ chú trọng cách làm dễ hơn cả là tìm sắc thuế mới và tăng mức thuế hiện có lên… kịch trần! Trong nhiều loại thuế thì thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu xem ra vẫn là phương án “đẹp” hơn cả vì có thể giúp tăng thu ngay hàng chục nghìn tỉ mỗi năm.

Giá xăng trong nước và thế giới tăng liên tục vừa qua.

Tuy nhiên, lần này khi đề xuất tăng thuế BVMT đưa ra chẳng những dư luận xã hội không đồng tình mà có đến 6 Bộ cũng chưa đồng thuận gồm Công an, Công Thương, Giao thông Vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư. Có chuyên gia kinh tế khẳng định “không chỉ 6 Bộ phản ứng mà tất cả người dân và các doanh nghiệp trên cả nước đều phản đối đề xuất này”. 
          Thời gian gần đây do biến động địa chính trị thế giới, trọng tâm là căng thẳng Mỹ-Iran nên giá dầu thế giới lúc cao nhất đã lên hơn 80USD/thùng khiến giá xăng dầu trong nước cũng liên tục tăng theo. Viễn cảnh người tiêu dùng, doanh nghiệp phải mua xăng dầu giá cao như giai đoạn đỉnh điểm là hoàn toàn có thể. Là mặt hàng thiết yếu của người dân, đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất nên xăng dầu luôn có áp lực lớn lên lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 năm 2018 tăng tới 0,55% so với tháng trước có phần không nhỏ do giá xăng dầu tăng cao vừa qua.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng cao nhất so với nhiều năm qua

Theo Bộ Tài chính, phương án tăng thuế BVMT với các mặt hàng xăng dầu kịch trần, thêm 4.000 đồng/lít thì ngân sách sẽ tăng thu 14.300 tỉ đồng mỗi năm. Thế nhưng, chỉ thông qua việc thanh tra thuế các cấp theo kế hoạch của năm 2017 đã mang về cho ngân sách 14.374 tỉ đồng, đúng bằng số tăng thuế môi trường! Điều đó cho thấy nguồn thuế thất thu do công tác quản lí không nhỏ. Câu chuyện chuyển giá, gian lận thuế của nhiều doanh nghiệp lớn xem ra chưa có phương thuốc đặc trị. Có thể nói đây cũng chính là “dư địa” để ngành thuế tập trung vào “khai thác” giúp tăng nguồn thu. Lẽ ra, việc nâng cao hiệu quả quản lí thuế phải là hướng đột phá của ngành thuế nhằm giúp cho mục tiêu tăng thu ngân sách một cách bền vững. Làm tốt việc này vừa nâng cao uy tín cơ quan quản lí nhà nước, vừa không gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp khi liên tục phải đón nhận những thông tin tăng thuế, thêm sắc thuế mới.
Sức ép lạm phát đang cận kề đe dọa các mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Tăng thuế môi trường kịch trần lúc này chính là “cú đánh bồi” vào nền kinh tế và an sinh xã hội./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 7 tháng 6 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét