Bao
giờ hết “vật đổi hàng”?
Nền
văn minh thương mại sơ khai là vật đổi vật, hàng đổi vật trên cơ sở ngang
giá. Khi con người phát minh ra đồng tiền thì hình thức thương mại này dần
mất đi. Đã qua hàng nghìn năm phát triển, vậy nhưng đến nay xem ra vẫn còn
không ít người “thích” giao dịch kiểu “hàng đổi vật”. Hình thức đầu tư kiểu
“đổi đất lấy hạ tầng” chính là quay lại hình thức thương mại sơ khai của loài
người.
Nghe
thông tin Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội công bố về Dự án xây dựng tuyến đường
từ phố Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, quận Thanh Xuân với 2,85km phải dùng quỹ đất
39,8ha tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm để thanh toán cho nhà đầu tư mà
thấy buồn cho văn minh thương mại thời nay! Cứ cái đà “đổi chác” như thế
này thì chẳng mấy nữa Thủ đô sẽ “hết sạch đất vàng” ven nội thành.
Dù có nhiều tồn tại trong các dự án BT nhưng Hà Nội vẫn muốn triển khai các dự án
theo hình thức này. (Ảnh minh họa).
Hình thức xây dựng - chuyển giao (BT)
đang bộc lộ những bất cập. Trong các kì họp Quốc hội từ năm trước cho đến kì
họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vừa qua liên tục có ý kiến cho rằng cần khẩn
trương khắc phục những bất cập của quy định luật pháp khiến Nhà nước “thua
thiệt” trong đầu tư công tư. Đã có chủ trương xây dựng bộ luật về đầu tư công
tư song có vẻ đây vẫn là câu chuyện của tương lai. Dù Nghị định số
63/2018/NĐ-CP (thay thế cho Nghị định 15/2015/NĐ-CP) về đầu tư theo hình thức
đối tác công tư đã được ban hành, nhưng vấn đề cốt yếu đấu thầu vẫn chưa có
thay đổi quan trọng. Đấu thầu chỉ là “trường hợp cần thiết”. Người ta chẳng
ai muốn làm “phức tạp hóa" nên “trường hợp cần thiết” sẽ rất ít xảy ra.
Khánh Hòa đổi 7000m2 đất "vàng” để xây trường Chính trị tỉnh theo hình thức hợp đồng BT. (Khu "đất vàng tại số 1 Trần Hưng Đạo, Nha Trang)
Nhà nước không đủ nguồn lực nên cần có
hình thức đối tác công tư dạng BOT, BT và PPP. Tuy nhiên, với quy định nhà
đầu tư chỉ cần vốn tối thiểu 10-20% dự án, công trình đầu tư thì Nhà nước vẫn
phải bỏ ra 80-90% nguồn lực hoặc chấp nhận nhà đầu tư vay ngân hàng lãi suất
cao hơn huy động trái phiếu Chính phủ và tính vào giá công trình nên hiệu quả
chưa hẳn đã cao. Bên cạnh dù quy định tỉ lệ trên, song kiểm soát nguồn vốn
của nhà đầu tư được bao nhiêu phần trăm chẳng phải chuyện dễ. Vì vậy câu
chuyện “tay không bắt giặc” hay “lấy mỡ nó rán nó” là hoàn toàn có thể.
Tai sao Nhà nước không “đứng ngoài”, tổ
chức đấu thầu cho nhiều nhà đầu tư cùng tham gia dự án để bảo đảm nguồn vốn
hoàn toàn của tư nhân? Nguồn vốn là đất đai đối ứng cho dự án cũng vậy, sao
không lên quy hoạch, xác định rõ mục đích sử dụng đất rồi tổ chức đấu giá?
Sự công khai minh bạch trong đấu giá công
trình, đấu giá đất đai sẽ giúp Nhà nước không “thua thiệt” trong những hoạt
động “đổi chác” như thời cổ đại!
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới
online ngày 28 tháng 6 năm 2018
|
Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét