Thứ Tư, 4 tháng 7, 2018

 Hậu kê khai đâu chỉ có tiền?


Dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi được Quốc hội  cho ý kiến tại kì họp thứ 5 vừa qua. Trong các nội dung, việc thu thuế 45% đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc vẫn là phần được tranh luận nhiều nhất và là phương án lựa chọn của cơ quan soạn thảo.


Mục tiêu của việc kê khai tài sản là nhằm quản lí chặt chẽ thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là những người giữ vị trí, cương vị quan trọng, có quyền lực và quản lí nhiều tài sản công. Tuy nhiên mục tiêu “sàng lọc”, làm trong sạch đội ngũ mới là quan trọng nhất, chứ không phải việc thu về bao nhiêu % từ số tài sản bị phát lộ.
Việc không kê khai, kê khai không đầy đủ, khi bị phát hiện không giải trình được nguồn gốc tài sản đặt ra vấn đề đáng bàn hơn là số lượng và giá trị tài sản đó. Thử đặt ra mấy giả thuyết: Thứ nhất, người kê khai cố tình giấu giếm tài sản trước tổ chức. Nếu nguồn gốc tài sản không phải từ nguồn vi phạm luật pháp hoặc không chính đáng (ví dụ do tranh chấp, nhạy cảm trong nội bộ gia đình) liệu có ai cần giấu giếm? Vì bất kì lí do nào khác thì người kê khai cũng đã có hành vi thiếu trung thực trước tổ chức, một điều không được tồn tại ở một cán bộ, công chức, nhất là người giữ vị trí quan trọng. Thứ hai, người kê khai thực sự không biết rõ nguồn gốc tài sản từ đâu. Giả thuyết này chỉ là trên lí thuyết bởi không người bình thường nào có khối tài sản lớn mà lại không biết rõ nguồn gốc. Nếu quả thực như vậy thì đây là người khiếm khuyết về nhận thức, điều không được có với một cán bộ, công chức nắm giữ tài sản, quyền lực công.
Với 2 giả thiết trên thì việc xử lí “hậu kê khai” cần giải quyết trước tiên chính là với người kê khai chứ không chỉ là tài sản kê khai. Với một cán bộ, công chức không trung thực hoặc khiếm khuyết về nhận thức cần phải đình chỉ chức vụ để làm rõ những vấn đề này. Đồng thời với đình chỉ chức vụ, tổ chức có trách nhiệm tiến hành xác minh, kiểm tra làm rõ nguồn gốc tài sản, nếu là trái luật pháp thì tịch thu, xử lí theo pháp luật. Nếu không vi phạm pháp luật thì đánh thuế thu nhập cá nhân và xử lí hành vi trốn thuế theo quy định hiện hành. Vi phạm dù mức độ nào cũng cần cho người đó thôi việc.


Nếu cứ mãi lo việc thu hay không thu, đánh thuế bao nhiêu là phù hợp với tài sản không rõ nguồn gốc trong khi bộ máy vẫn tồn tại những “kẻ trộm tiềm năng” thì tài sản công sẽ tiếp tục bị đục khoét, thất thoát. Tài sản “đã mất” có thể rất lớn nhưng những tài sản “sẽ mất” mới là vô cùng!
Chỉ có cách làm cương quyết, triệt để và “tới cùng” mới chấm dứt được tính hình thức trong kê khai, tạo được bước chuyển biến thực chất trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi và Báo điện tử Ngày mới online
ngày 4 tháng 7 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét