Tăng lương và lương tăng
Việc tăng lương là sự chia sẻ
lợi ích của doanh nghiệp với người lao động giúp cải thiện đời sống khi năng
suất lao động và lợi nhuận kinh doanh tăng lên. Về riêng biệt với cá nhân lao
động còn có việc nâng lương trên cơ sở năng lực, thời gian đóng góp của cá
nhân theo quy định của doanh nghiệp và pháp luật hiện hành.
Ở Việt Nam ta thì việc tăng
lương tối thiểu cũng được hiểu là sự tăng lương nhưng là sự quyết định về
chính sách của Nhà nước với doanh nghiệp và người lao động. Đây là sự áp dụng
chung, nằm ngoài ý chí chủ quan của doanh nghiệp, là sự ứng phó với tổng hòa
nhiều yếu tố khách quan nhằm giữ ổn định giá trị tiền lương thực tế.
Có một lực lượng không sản
xuất, chẳng liên quan đến năng suất, lợi nhuận doanh nghiệp nhưng thi thoảng
cũng được tăng lương, đó là những người hưởng lương hưu. Nếu xét về bản chất
thì chẳng có lí do để tăng lương cho người không còn lao động. Vì vậy gọi là
tăng lương hưu có vẻ chưa thực sự chuẩn xác, đúng ra đó chỉ là sự bù trượt
giá.
Nhiều người hiểu, với một
nước đang phát triển như Việt Nam thì yếu tố lạm phát trong phạm vi kiểm soát
chủ động mang tính tích cực cho tăng trưởng. Tăng trưởng cao giúp doanh
nghiệp nâng cao lợi nhuận, tạo cơ sở cải thiện đời sống người lao động. Tuy
nhiên, lạm phát cũng là yếu tố “ăn mòn” đồng lương của người hưởng lương nói
chung trong đó người nghỉ hưu, hưởng trợ cấp xã hội chịu tác động nhiều nhất.
Trong mấy năm qua mức lạm phát luôn duy trì từ 3,53% - 4,74% cho nên việc
điều chỉnh tăng lương hưu vừa qua cũng chỉ bằng tổng giá trị mất giá của đồng
tiền trong 2 năm. 6 tháng đầu năm nay xuất hiện dấu hiệu đáng lo khi chỉ
số CPI tháng 6 đã tăng 4,67% so với tháng trước và bình quân 6
tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kì năm 2017. Dù giữ được chỉ tiêu lạm
phát 4% năm nay thì lương hưu cũng đồng nghĩa sẽ giảm tương ứng về giá trị.
Giá cả hàng tiêu dùng luôn có xu hướng tăng, ảnh hưởng lớn tới người hưởng lương
Như vậy, sự giảm lương hưu là
một tiến trình tất yếu trong quá trình tăng trưởng của nền kinh tế. Nên chăng
chính sách pháp luật cần có sự điều chỉnh hoặc có điều khoản trong Luật Bảo
hiểm xã hội dạng như “bảo hiểm giá trị đồng lương” để giữ ổn định đời sống
cho người nghỉ hưu, người hưởng trợ cấp xã hội. Hằng năm, khi chỉ số lạm phát
chính thức được công bố, Nhà nước sẽ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội
theo chỉ số đó mà không cần bàn thảo có hay không việc điều chỉnh này.
Những đối tượng chính sách chẳng đòi hỏi
được tăng lương. Họ chỉ cần Nhà nước giữ vững giá trị thực tế của đồng tiền
so với giá trị mớ rau, cân thịt ngoài chợ hằng ngày đang nhảy múa, leo thang
về giá cả!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới
online ngày 10 tháng 7 năm 2018
|
Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét