Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

 Kinh doanh… tuyển sinh

Tiền đặt cọc, giữ chỗ… trong giao dịch dân sự thường được thỏa thuận với nhau trong hoạt động mua bán hàng hóa giá trị lớn nhằm tránh rủi ro cho một hoặc cả hai phía. Số tiền này là một phần thanh toán trước, khi cuộc giao dịch hoàn thành nó nằm trong giá thỏa thuận của sản phẩm chứ không phải sự tăng thêm. Nếu người mua phá bỏ thỏa thuận sẽ chịu thiệt (mất tiền đặt cọc) hoặc phía người bán phải chấp nhận phạt vi phạm hợp đồng.

Phụ huynh học sinh nộp tiền cọc đăng ký tuyển sinh tại một trường tại Hà Nội

Tưởng chuyện đặt cọc, giữ chỗ chỉ có trên thương trường, nay một số trường tư thục tại Hà Nội lại có “sáng kiến” áp dụng vào môi trường giáo dục, biến nhà trường thành nơi giao dịch thương mại. Ví dụ như Trường Lương Thế Vinh, mỗi học sinh khi làm thủ tục nhập học phải nộp các khoản tổng cộng hơn 6 triệu đồng; còn Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu riêng nộp lệ phí ghi danh cũng đến 2 triệu đồng. Với những khoản nộp không nhỏ và “không được rút” như trên khiến nhiều phụ huynh học sinh “khóc dở, mếu giở” khi lấy lại hồ sơ tuyển sinh để nhập học trường khác.
Thông thường, lệ phí nộp hồ sơ chỉ là để nơi tổ chức tuyển sinh chi phí thực tiễn cho bộ máy làm nhiệm vụ tuyển sinh và những vật chất cần thiết như in ấn, xét duyệt… được tính toán một cách hợp lí, hợp pháp. Với 6 triệu cho một hồ sơ tuyển sinh thì đây là chi phí kinh doanh chứ không phải dùng cho hoạt động hành chính. Nếu số tiền trên chỉ là tạm ứng cho dịch vụ giáo dục (sau này trừ vào học phí) thì lại là chuyện khác. Có lẽ học sinh trúng tuyển sau này vẫn phải đóng đủ học phí hằng năm chứ chẳng có chuyện giảm trừ từ phí tuyển sinh đã đóng bởi vì người không trúng tuyển đâu có được lấy lại tiền đã nộp? Xem ra tuyển sinh cũng là hoạt động mang lại lợi nhuận không nhỏ, chỉ mấy ngày đã có thể mang về hàng tỉ đồng.
Sáu triệu đồng với nhiều gia đình tại thành phố thì không phải quá lớn, tuy nhiên với gia đình nông dân thì lại không nhỏ, đó chính là mồ hôi nước mắt vất vả từ công việc nặng nhọc mới có được. Người công nhân tại nhiều khu công nghiệp mức lương cũng chỉ trên dưới 6 triệu đồng/tháng. Vậy mà nhà trường chỉ cần nhẹ nhàng thu phí hồ sơ nhập học đã thu về tiền triệu. Phải chăng họ đang “bán” giá trị thương hiệu? Dù dây có là hoạt động kinh doanh thì cũng cần đạo đức kinh doanh, khi mà “khách hàng” là những người mà thu nhập, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Theo pháp luật, về bản chất các trường tư thục được phép kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục. Sản phẩm chất lượng tốt sẽ mang về lợi nhuận cao vì được xã hội chấp nhận. Tuy nhiên các yếu tố cấu thành chất lượng sản phẩm cần được tính đúng, tính đủ một cách hợp pháp, hợp lí và hợp… đạo lí. Dù có yếu tố lợi nhuận thì nhà trường cũng không thể biến thành “thị trường”. Chỉ có môi trường nhân văn, lành mạnh mới thực sự mang lại tính giáo dục, nền tảng tạo nên những sản phẩm tốt cả về năng lực và đạo đức là các em học sinh./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi và Báo điện tử Ngày mới online
 ngày 12 tháng 7 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét