Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

Chơi mà học, học mà chơi

Tại Phần Lan, ngành giáo dục nước này rất chú trọng mang đến niềm vui cho trẻ em vào giai đoạn giáo dục đầu đời. Điều này còn được biên soạn và nhấn mạnh trong toàn bộ chương trình giảng dạy và phương pháp học tập.
Tại Việt Nam, nhiều trường mầm non, nhất là các trường quốc tế cũng đang nỗ lực áp dụng mô hình này vào phương pháp dạy và học cho trẻ. Thông qua các hoạt động, học tập trong nhà và ngoài trời giúp trẻ tự khám phá tiềm năng và hứng thú trong việc tiếp nhận kiến thức mới. Không gian được bố trí giúp trẻ có thể học và chơi như chính ngôi nhà của mình. Trẻ có thể làm chủ việc học và tự tay làm mọi thứ mình thích. Trẻ em học rất nhanh thông qua vui chơi, chúng thậm chí không nhận ra rằng mình đang học bởi đã bị cuốn hút vào điều mình đang làm. Cách học như thể chỉ chơi đã giúp trẻ phát triển cân đối cả về trí tuệ, thể chất và nhân cách.
Mô hình “chơi mà học” rất cần khuyến khích, nhân rộng để mang lại cho trẻ em những tháng năm tuổi thơ không quá áp lực như hiện nay, khi mà nhiều em không còn những ngày Hè vui vẻ.


Tuy nhiên lại có chuyện ngược với cách học của trẻ rất đáng bàn, gọi nôm na là “học mà chơi”. Đó là những chuyến công du, đi học tập kinh nghiệm nước ngoài của cán bộ, công chức một số bộ ngành những năm qua.
Gần đây Thanh tra Chính phủ qua thanh tra đã chỉ ra số liệu đáng suy ngẫm, trong giai đoạn 2012-2016, bốn bộ ngành và 6 tỉnh cử trên 17.500 đoàn đi nước ngoài với gần 53.000 lượt cán bộ, chi phí hết hơn 1.000 tỉ đồng. Ông Vũ Huy Hoàng thời còn làm bộ trưởng Bộ Công Thương có năm ở nước ngoài tổng cộng 163 ngày, chiếm hơn nửa thời gian làm việc trong năm!
Mấy ngày qua dư luận lại xôn xao việc Bình Thuận cử đoàn cán bộ đi tham quan, tiếp cận công nghệ 4.0 về xây dựng hạ tầng khu dân cư ven biển. Trong thành phần có hai cán bộ sắp nghỉ hưu, một là công an, một là là lãnh đạo huyện miền núi!

Không ít cán bộ đi học về chỉ đầy va li hàng giảm giá. Ảnh minh họa

Việc cán bộ đi nước ngoài học tập kinh nghiệm là cần thiết, không ít người đã học tập được những kinh nghiệm báu quý phục vụ hiệu quả công việc. Tuy nhiên, còn không ít những chuyến công tác chủ yếu kết hợp du lịch vì đa số người được cử đi lại sắp hết tuổi công tác như kể ở trên. Để việc đi công tác nước ngoài không lãng phí, mỗi chuyến đi cần được lên kế hoạch chặt chẽ, cụ thể về nội dung, thời gian, đối tượng, thành phần và mục tiêu đặt ra chứ không thể theo cách “cưỡi ngựa xem hoa”. Sau mỗi chuyến đi cần có báo cáo, đánh giá kết quả nghiêm túc…
Việc cử cán bộ sắp nghỉ hưu đi học tập; lãnh đạo địa phương “trên rừng” học xây dựng hạ tầng dân cư ven biển chứng tỏ mục tiêu của chuyến công tác không phải như tên gọi. Đây là sự lãng phí tiền của, dù đó có thể do doanh nghiệp tài trợ.
Trẻ em rất nên “chơi mà học”, còn cán bộ, công chức nhà nước thì không thể “học mà chơi”!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi và Báo điện tử Ngày mới online
ngày 20 tháng 7 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét