Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Làm sao tìm được người tài? 

Trạng nguyên Nguyễn Trực trong bài thi đình dưới triều Lê năm 1442 có câu “Trị nước lấy nhân tài làm gốc, dùng người lấy chữ tín làm đầu” và “Không có trí thì không thể hiểu người; không có nhân thì không thể chọn người; không có dũng thì không thể dùng người”. 
Lịch sử cận đại nước Việt có lẽ ít ai có tài lựa chọn và trọng dụng người tài bằng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những người được Bác chọn và tin dùng hầu hết trở thành người thực sự tài đức, đóng góp đắc lực cho sự nghiệp cách mạng.
Hồ Chủ tịch chính là một điển hình “nhân tâm thu phục nhân tài”

Phạm Quang Lễ là một kĩ sư chế tạo máy bay người Việt tại Pháp, dù đang hưởng mức lương tương đương với 20 lạng vàng 1 tháng, năm 1946 đã theo Bác về nước phục vụ cách mạng (ông sau này được Bác đặt tên Trần Đại Nghĩa). Các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Minh Giám, Ðặng Thai Mai, Vũ Ðình Hòe cùng nhiều quan chức chế độ cũ được Bác trọng dụng vì nhìn thấy tài năng, đức độ của họ và họ đã hết lòng phụng sự đất nước trong giai đoạn khó khăn.
Những lãnh tụ của Đảng ta như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh… đều là những học trò ưu tú của Bác. Hồ Chủ tịch chính là một điển hình “nhân tâm thu phục nhân tài” trong lịch sử nước ta.
Ông cha ta còn có câu “dụng nhân như dụng mộc” bởi mỗi con người có những khả năng, năng lực riêng, biết lựa những điểm mạnh và khích lệ họ phát triển sẽ hữu ích. Trong điều kiện nền giáo dục phát triển như ngày nay, nhân tài không còn “như lá mùa Thu” thời xa xưa. Những người tài năng, người có năng lực phù hợp, sẵn sàng vì nước không thiếu trong Nhân dân, vấn đề là họ có muốn hoặc có cơ hội cống hiến hay không mà thôi.  
Trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng đã có chính quyền trong tay thì việc chọn và sử dụng người tài có những khác biệt. Tuy nhiên, việc chọn và dùng người vẫn đòi hỏi “trí, nhân và dũng” của người lãnh đạo. Thời gian qua, một số địa phương đã đưa ra những chính sách ưu đãi nhằm thu hút người tài nhưng hiệu quả chưa được như kì vọng. Với người thực tài, có nhân cách, việc ưu đãi vật chất đôi khi không phải là điều quan trọng nhất. Cái họ cần là môi trường làm việc công bằng, minh bạch để phát huy năng lực và được đánh giá đúng hiệu quả việc làm của mình.
Thực trạng lựa chọn và sử dụng cán bộ tại nhiều cơ quan, địa phương hiện nay đang có nhiều điều tiếng gây bức xúc dư luận. Tình trạng “cả họ làm quan”, “cấp ủy gia đình” không còn là cá biệt ở một vài địa phương. Khi các cơ quan Ủy ban Kiểm tra, Nội vụ về kiểm tra việc bổ nhiệm, tuyển dụng tại một số tỉnh thì hầu như các địa phương đều xảy ra sai phạm về tiêu chuẩn, điều kiện khi bổ nhiệm. Thậm chí khi cán bộ bị xử lí kỉ luật lại được “đá lên” cao hơn hoặc “điều ngang” sang vị trí khác như thách thức dư luận.  
         Những nơi mà lãnh đạo luôn tìm cách “cài người” vào vị trí lợi lộc, liệu họ có thực sự cần và muốn tìm người tài?./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 31 tháng 10 năm 2018

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Phận mỏng đồng tiền

Có lẽ ra khỏi nhà, anh thợ điện Nguyễn Cà Rê đã “bước chân trái”, khi mang 100 đô la đi đổi ra tiền Việt để tiêu nên đã gặp vận đen?


Nếu so với việc “con mẹ nuôi” đến gặp huyện Hinh xui xẻo gặp “ma” tại cửa quan nên mất trắng 2 hào trong truyện “Đồng hào có ma” của cụ Nguyễn Công Hoan, thì anh Cà Rê còn xui xẻo gấp bội. Chẳng những 100 đô la không trở thành tiền Việt, mà nó còn kéo theo 90 triệu đồng từ túi anh vào két công qũy, một gia sản quá lớn với mức lương 4 triệu đồng/tháng.

Anh thợ điện Nguyễn Cà Rê 

Chuyện anh Cà Rê ở TP Cần Thơ mang 100 đô la ra đổi ở tiệm vàng, bị cơ quân công an phát hiện và Chủ tịch UBND thành phố này ra quyết định phạt 90 triệu đồng khiến dư luận xôn xao trong những ngày qua. Không ít người từng sở hữu tờ đô sẽ giật mình bởi mấy ai mang đổi ở ngân hàng chỉ một vài trăm đô, thường là ra tiệm vàng cho tiện.
Theo Điểm a, Khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng: Phạt 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép đổi ngoại tệ. Điểm a, Khoản 8 Điều 24 áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm.
Việc chỉ đổi 100 đô la bị phạt tới 90 triệu đồng thoạt nghe cứ thấy sai sai, nhưng thật không may, điều đó lại đúng luật! Anh Cà Rê có lẽ cũng ý thức là không được mang đô la tiêu dùng ngoài chợ mà phải đổi ra tiền Việt nên đến tiệm vàng, nơi kinh doanh hợp pháp đổi cho tiện. Rất có thể anh cũng chưa được đọc dòng nào của Nghị định 96 trên.

Tiệm vàng Thảo Lực, nơi diễn ra vụ bắt 100 USD của anh Cà Rê.

Ai cũng biết “luật pháp vô tình”, nhưng người thực thi pháp luật thì đôi khi vẫn có “tí tình”. Chính vì vậy mà khung xử phạt bằng tiền thường có các mức từ thấp nhất đến cao nhất (trong trường hợp này là từ 80 đến 100 triệu đồng), khi đó “tí tình” sẽ định lượng cụ thể mức cao hay thấp.
Chỉ một vụ buôn bán nhỏ 100 đô mà ngân sách thành phố này đã thu về gần 400 triệu đồng (cả phạt chủ tiệm vàng và người bán). Nếu tích cực thực thi luật pháp riêng mảng buôn bán ngoại tệ có thể thu về bộn tiền cho ngân sách. Tại chợ Bến Thành, quận 1 TP Hồ Chí Minh, hay phố Hà Trung, TP Hà Nội việc mua bán ngoại tệ khá dễ dàng dù đa số người dân, chủ kinh doanh đều biết là trái luật nếu chưa có phép.
Không biết thu ngân sách của chính quyền nơi “gạo trắng nước trong” hằng năm được bao nhiêu và thu bao nhiêu từ việc phạt vi phạm hành chính? Chỉ biết việc chi ở đây cũng khá “xông xênh”, ví như vừa qua lãnh đạo thành phố kí kế hoạch thực hiện đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của TP tại trường ĐH California (Riverside, Mỹ) giai đoạn 2018-2020", với kinh phí hơn 10 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước cho 80 cán bộ công chức du học chừng 2 tuần.
Mong rằng các cán bộ sau khi đi nâng cao “quan trí” về sẽ giúp dân nâng cao dân trí, để không còn ai vì mù mờ pháp luật mà mất tiền oan!
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 30 tháng 10 năm 2018

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

Bất an doanh nghiệp đòi nợ

Trước kia khi nghe từ đòi nợ thuê người ta thường nghĩ ngay đến hoạt động kinh tế ngầm, cầm đồ, cho vay nặng lãi cùng xã hội đen...
Trong nền kinh tế tăng trưởng nhanh như hiện nay thì nhu cầu vốn cho mọi hoạt động cũng luôn tăng nóng. Sự khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng khiến hoạt động tín dụng ngoài luật pháp có dư địa phát triển. Những yếu tố trên khiến thực trạng nợ nần, chiếm dụng vốn lẫn nhau ngày càng tăng và thường khó có cách giải quyết êm thuận.

Kết quả hình ảnh cho bạo lực đòi nợ thuê

Năm 2007 Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ kì vọng từng bước khắc phục bất ổn, đưa hoạt động giải quyết vướng mắc, xung đột lợi ích trong hoạt động này vào khung khổ pháp luật. Tuy nhiên, theo Nghị định thì chỉ những khoản nợ có đủ căn cứ là hợp pháp đã quá hạn thanh toán mới thuộc phạm vi điều chỉnh. Trong khi đó, trong thực tiễn những khoản nợ hoạt động kinh tế ngầm, tín dụng đen, vay cá nhân chi cho những hoạt động nhạy cảm, nhất là cờ bạc, buôn bán bất hợp pháp… chiếm tỉ lệ không ít, đang là vấn đề gây mất an ninh trật tự và bức xúc trong người dân.
Một trong những cách thức mà giang hồ tại TP HCM đòi nợ thuê "khủng bố" gia đình cô giáo H.

Từ khi có hành lang pháp lí, nhiều doanh nghiệp đòi nợ đã được thành lập trong đó rất có thể không ít doanh nghiệp “té nước theo mưa”, tạo bình phong nhằm hợp thức hóa những hoạt động ngoài luật pháp. Sau hơn mười năm Nghị định có hiệu lực, nay vẫn chưa được tổng kết, đánh giá hiệu quả thực chất của loại hình doanh nghiệp này. Trong khi đó, ngày càng xảy ra nhiều vụ đòi nợ kiểu khủng bố, bạo lực gây bất an xã hội mà lực lượng chức năng rất khó kiểm soát, xử lí.
Nếu theo đúng nội dung của Nghị định 104 thì doanh nghiệp đòi nợ thuê chỉ có thể thông qua các hoạt động như thương thuyết, tư vấn pháp luật, kinh tế để con nợ nhận rõ vấn đề, có giải pháp khắc phục và tự giác trả nợ, tuyệt nhiên không cho phép sử dụng các hình thức bạo lực, khủng bố về thể chất, tinh thần. Nếu thực hiện như vậy thì doanh nghiệp thu nợ chỉ cần một số nhân sự hiểu biết pháp luật, có khả năng “thuyết khách” tốt là đủ. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp đòi nợ có lực lượng hùng hậu về cơ bắp, trình độ pháp luật bình thường, thậm chí có cả đối tượng “cộm cán”, tiền án, tiền sự. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ khủng bố, đe dọa, gây bất an cho con nợ và người thân của họ. Vụ một giáo viên tại TP Hồ Chí Minh phải cầu xin xã hội đen buông tha khủng bố để đi dạy học là một ví dụ đau lòng.
 Trước sự bất an của loại hình đòi nợ thuê tại địa phương, vừa qua UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị cấm tư nhân kinh doanh dịch vụ này vì cho rằng, việc nợ tiền là quan hệ dân sự, kinh tế giữa hai đối tác bằng hợp đồng cụ thể. Khi có mâu thuẫn cần đưa ra tòa và phán quyết của tòa chính là phán quyết cuối cùng mà các bên buộc phải tuân theo.
Rất cần nhìn nhận ý kiến trên đây của TP Hồ Chí Minh xem lại việc cho phép doanh nghiệp tư nhân thực hiện dịch vụ nhạy cảm này. Những quan hệ dân sự về kinh tế cần được thực hiện theo con đường trọng tài kinh tế, tòa án... Pháp luật không thể “nhường bước” để xã hội đen lấn tới./.  
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 24 tháng 10 năm 2018

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

Nội ngoại “giao duyên”

Có một thời khá thịnh hành loại hình tân cổ giao duyên trong nghệ thuật cải lương. Bằng tài năng của các nghệ sĩ, đạo diễn, biên kịch đã tạo ra sự mới mẻ trên nền tác phẩm cổ nên nhiều vở tân cổ giao duyên được khán thính giả đón nhận nồng nhiệt. Mặt khác, văn hóa của dân tộc là một dòng chảy không ngừng, cái sau kế thừa và sáng tạo trên nền truyền thống tạo nên thành công là chuyện bình thường.
Hiện nay đang có trào lưu tạm gọi là “nội ngoại giao duyên” trong nghệ thuật phim ảnh với các tác phẩm chuyển thể kịch bản nước ngoài (tiếng Anh thường gọi remake).
Không ít tác phẩm được chuyển thể thành công. Có thể điểm qua một số phim như “Yêu đi đừng sợ”, “Em là bà nội của anh” (Hàn Quốc), “Bạn gái tôi là sếp” (Thái Lan)… Đặc biệt, gần đây có hai phim dài tập Việt hóa tạo nên cơn sốt khán giả là “Sống chung với mẹ chồng” (Trung Quốc) và “Người phán xử” (Israel). 

Phim “Người phán xử” Việt hóa gặt hái nhiều thành công

Tuy nhiên, cũng không ít phim dựa trên kịch bản nước ngoài chỉ như bản phô tô nhạt nhòa, không được khán giả đón nhận vì nó giống nhưng lại không hấp dẫn bằng bản gốc.
Phim “Hậu duệ mặt trời” của Hàn Quốc vốn là tác phẩm thành công vượt ra khỏi biên giới bản địa vừa được Việt hóa. Việc chuyển một câu chuyện nước bạn thành chuyện của nước Việt vốn đã không dễ bởi văn hóa, lịch sử có những khác biệt, trong khi đó là làm lại một phim đã nổi danh sao cho hay hơn lại càng khó hơn, thậm chí xác suất thất bại không nhỏ.

Một cảnh trong phim “Hậu duệ mặt trời” của Hàn Quốc được Việt hóa 

Phim “Hậu duệ mặt trời” vừa được công chiếu mấy tập trên một kênh của truyền hình VTC đã dấy lên ý kiến trái chiều trong dư luận và mạng xã hội bởi có những “hạt sạn”, nhất là các chi tiết về người lính và quân đội. Không kể đến một số chi tiết chưa phù hợp thực tiễn, ngô nghê thì việc lấy tên phim nguyên gốc có vẻ chưa thật ổn. Nhiều ý kiến đặt câu hỏi hình tượng đẹp anh bộ đội Cụ Hồ đã in đậm trong tâm trí nhiều thế hệ người Việt mấy chục năm sao phải thay bằng hậu duệ mặt trời? Một quân đội từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu đã có trang sử lừng danh hơn 70 năm, được cả thế giới ngưỡng mộ sao cần nhờ, mượn hình tượng?


Một cảnh được cho là không hợp lý trong Phim “Hậu duệ mặt trời” Việt hóa

Nghệ thuật là sự sáng tạo, thiếu nó thì không thể coi là nghệ thuật đích thực. Những phim từ kịch bản Việt hóa thành công bởi các nhà biên kịch, đạo diễn đã có những sáng tạo trên nền ý tưởng, nguồn mạch câu chuyện nước ngoài. Người có tác phẩm nghệ thuật lo ngại nhất là bị “đạo” ý tưởng bởi đây là cái nền, là hồn cốt để phát triển sáng tạo. Với kịch bản ngoại đã được mua lại thì đương nhiên ý tưởng phim cũng đã được họ “bán”, không lo chuyện bản quyền - một vấn đề cốt yếu. Nhưng việc đưa những chi tiết, cảnh huống của phim gốc vào phim mới sẽ dễ đưa đến cảm giác đó là bản sao.

Nội ngoại chỉ có thể “giao duyên” thành công khi đó là sự quyện hòa tươi mới, bổ trợ cho nhau để thực sự “nội hóa” chứ không phải sự lắp ghép, gượng gạo./.

Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 19 tháng 10 năm 2018

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

Vội

Câu nói thuận miệng “Hà Nội không vội được đâu” chẳng biết từ đâu nay như “ám” vào Hà Nội. Có lẽ một thời mà sự nhiêu khê thủ tục hành chính của cơ quan công quyền không chỉ của Hà Nội được ai đó đúc kết như vậy. Hoặc do tình trạng ùn ứ giao thông như căn bệnh kinh niên ở đây, nhiều khi muốn nhanh cũng không thể vội.
Gần đây có một việc đã đến hồi “rất vội” của Thủ đô, đó là chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - SEA Games 31. Thực ra còn 3 năm nữa mới diễn ra sự kiện này nhưng thành phố lại muốn xây lại sân vận động Hàng Đẫy với trị giá hơn 6.000 tỉ đồng cho kịp kì Đại hội trên. Một công trình với vốn đầu tư lớn chắc chắn không chỉ để sử dụng trước mắt mà phải cho hàng trăm năm sau, ít ra cũng như Nhà hát lớn, Phủ Chủ tịch hay nhiều biệt thự do người Pháp xây dựng đã trên trăm năm nay vẫn tốt.

Nhà hát lớn Hà Nội, một công trình kiến trúc Pháp đã hơn trăm năm vẫn tốt.

Thực ra, cách đây 15 năm Hà Nội đã là nơi tổ chức kì SEA Games 22 rất thành công, tạo được dấu ấn Việt Nam không chỉ ở thành tích ngôi nhất toàn đoàn mà cả nhiều công trình thể thao xứng tầm khu vực, đặc biệt là sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Nhiều công trình thể thao khác như Cung Thể Thao Quần Ngựa, Nhà thi đấu Gia Lâm, Trung tâm thể dục thể thao huyện Hoài Đức… cũng khá hoành tráng, đủ điều kiện phục vụ những sự kiện thể thao lớn. Đó là chưa kể nhiều công trình thể thao của các tỉnh, thành phố lân cận Hà Nội cũng rất muốn được các môn thi đấu của SEA Games ghé thăm. Có vẻ lí do xây sân vận động Hàng Đẫy “cần vội” để phục vụ SEA Games 31 chưa được thuyết phục cho lắm. Với tổng diện tích dự án lên tới hơn 3,2ha “đất vàng”, dự kiến được đầu tư theo hình thức xã hội hoá, chỉ định nhà đầu tư, không cần đấu giá khiến dư luận băn khoăn. Bỏ ra hơn 6.000 tỉ đồng, nhà đầu tư được khai thác, vận hành sân vận động 50 năm cùng một số công trình có chức năng kết hợp thương mại, văn phòng giữa tâm đô thị Thủ đô quả là mơ ước của nhiều nhà đầu tư.

Sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội không thể tổ chức những sự kiện lớn.

Không rõ yếu tố “vội” do Hà Nội hay là chủ đầu tư? Thiết nghĩ chuyện này đúng là “Hà Nội đừng vội làm chi”, sân vận động sẽ xây nhưng… cứ phải đấu giá!
Có lẽ Thành phố Hồ Chí Minh do chưa bị cái tiếng “không vội được đâu” nên vừa qua Hội đồng Nhân dân thành phố có một quyết định mà nhiều người cho là “hơi vội”, đó là xây dựng nhà hát opera trị giá 1.500 tỉ đồng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nói vội là bởi tại đây những giọt nước mắt dân oan chưa kịp lau khô, những lời oán thán còn chưa lắng xuống thì một nhà hát hoành tráng, cao sang vội vã mọc lên dành cho ai? Còn nhớ chuyện xưa, Lê Thái Tổ ngay khi lên ngôi chủ trương chấn hưng nền âm nhạc nước nhà đã được quan Hành khiển  Nguyễn Trãi dâng biểu có đoạn “Xin bệ hạ yêu nuôi Nhân dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy” được vua khen làm theo. 

Cảnh sống tạm bợ của một số người dân Thủ Thiêm "trụ lại" giữ đất.

Cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh khi chủ trương thực hiện những việc trên là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử cách mạng nước ta, nhất là quá trình xây dựng chế độ mới không ít chủ trương đúng nhưng khi thực hiện lại bị sai lệch, biến dạng, để lại những hệ quả không mong đợi.
Chỉ khi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì việc khó mấy cũng sẽ thành công, dù có thể là… vội!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 16 tháng 10 năm 2018

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

Chủ trương tốt cần có cách làm phù hợp 

Năm 2016 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020” với  mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam góp phn phát trin nguồn nhân lực trong tương lai.
Các chỉ tiêu được đề ra cụ thể đến năm 2020: 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn của những trẻ tham gia ung sữa được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng; 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo, 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình sữa học đường.
Như vậy, để thực hiện chương trình này, truyền thông cần đi trước một bước cùng với sự rà soát thực tiễn, lựa chọn địa bàn, đối tượng rồi mới triển khai cho trẻ uống sữa. Xảy ra ý kiến trái chiều, thậm chí chưa đồng thuận khi triển khai chương trình này tại Hà Nội cho thấy việc thực hiện thiếu đồng bộ, chặt chẽ, nhất là tuyên truyền về chủ trương, nội dung, cách làm cho cả người dân và các cơ quan, doanh nghiệp.
Được biết chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, gia đình đóng góp 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 20% còn lại. Nhìn vào tỉ lệ này cho thấy chỉ với 20% đóng góp, doanh nghiệp đã có một nguồn đầu ra ổn định, được tiếng như làm một việc từ thiện nhưng lại không mất chi phí quảng cáo, bán hàng (có thể chiếm 23%-32% trong chu trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm).

Chương trình sữa học đường đại trà liệu có phù hợp? Ảnh minh họa.

Trong khi chưa có văn bản của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế - cơ quan đóng vai trò chủ trì chương trình này) về một hãng sữa cụ thể thì có vị lãnh đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã quảng cáo là loại sữa tươi “chuyên biệt”, giúp tăng chiều cao và phát triển trí tuệ, chỉ Hà Nội mới có...

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến thông tin về chương trình sữa học đường.
Khi thầy cô, lãnh đạo ngành giáo dục “sốt sắng” trực tiếp quảng cáo, vận động phụ huynh học sinh đồng thuận việc dùng sữa học đường (dù chưa biết cụ thể loại sữa, chất lượng, an toàn thực phẩm…) sẽ khó tránh khỏi sự nghi ngờ động cơ của doanh nghiệp và một số cá nhân trực tiếp thực hiện.
Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là cách thức triển khai sao cho hiệu quả. Lẽ ra địa bàn ưu tiên phải là vùng khó khăn, vùng xa chứ không phải trung tâm đô thị, nơi đời sống cao, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ít. Mặt khác, trước khi thực hiện cần rà soát, thống kê thực tiễn số trẻ cần bổ sung dinh dưỡng thay vì cho trẻ uống đại trà, đồng loạt sẽ khó tránh khỏi lãng phí. Quá trình đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp cũng cần công khai, minh bạch để chọn được loại sữa bảo đảm an toàn, chất lượng tốt, giá cả hợp lí. Việc tổ chức uống tại trường cần có cách làm phù hợp như bố trí khu dành riêng, thời gian cho các em dùng sữa…
Một chủ trương đúng nhưng thực hiện thiếu chặt chẽ, đồng bộ sẽ dễ bị biến tướng, kém hiệu quả./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 5 tháng 10 năm 2018  

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Văn hóa trong quản lí hoạt động văn hóa
  
Hoạt động văn hóa là một lĩnh vực rộng và trừu tượng, nhất là nghệ thuật. Việc quản lí lĩnh vực này không dễ bởi các giá trị văn hóa thường được xác định một cách định tính, qua quá trình nhưng lại dễ bị các định kiến chủ quan nhất thời chi phối. Quản lí văn hóa cần những người am hiểu sâu sắc lĩnh vực này và đặc biệt phải có văn hóa, thực tâm vì văn hóa.
Những vụ “lùm xùm” trong quản lí văn hóa đôi khi lại xảy ra khiến giới nghệ sĩ thất vọng, công chúng bức xúc, bởi hầu hết những lí do được cơ quan quản lí đưa ra rất… không bình thường.
Còn nhớ mấy năm trước ca sĩ Khánh Ly về nước biểu diễn đã gặp nhiều khó khăn từ người quản lí dù đã được cấp giấy phép biểu diễn trong nước lần 2. Thậm chí trước giờ mở màn biểu diễn, ca sĩ này còn bị cán bộ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả đến đòi phải trả ngay một số tiền bản quyền ca khúc trong chương trình trị giá hàng trăm triệu đồng.
Vụ cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam do một doanh nghiệp vận tải thủy thâu tóm cũng là một bất thường. Những hành xử thô bạo với nghệ sĩ và truyền thống một ngành nghệ thuật trên 60 năm vẻ vang khiến dư luận dậy sóng, cuối cùng cơ quan chức năng đã phải vào cuộc và phát lộ những sai phạm...

Ca sĩ Tuấn Hưng

Những ngày qua dư luận lại chứng kiến một chuyện bất ngờ trong việc quản lí văn hóa tại Hà Nội, đó là việc dừng khẩn cấp liveshow “Ngựa Hoang” của ca sĩ Tuấn Hưng.
Với hi vọng tạo nên một sản phẩm mang dấu ấn đánh dấu chặng đường 20 năm hoạt động nghệ thuật, ca sĩ Tuấn Hưng đã kí hợp đồng với Công ty cổ phần sự kiện truyền thông Thăng Long và mời nhiều nghệ sĩ tham gia liveshow “Ngựa Hoang”. Chương trình đã được Sở Văn hóa và Thể thao cấp phép từ ngày 12/9, nhưng ngay trước giờ biểu diễn UBND quận Ba Đình (TP Hà Nội) mới bất ngờ gửi công văn hỏa tốc đến Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Du lịch Ba Đình yêu cầu tạm dừng đêm diễn. Cách hành xử như vậy khiến cả ca sĩ và đơn vị tổ chức sự kiện chỉ có nước “bó tay chấm com”! Cứ ngỡ nội dung chương trình này còn điều gì đó khiến cơ quan chức năng “lăn tăn” chưa yên tâm nhưng lí do lại là sợ… cháy! Cơ quan văn hóa thành phố cấp phép đã gần một tháng, sát giờ công diễn mới phát hiện ra chuyện này thì không thể nói là bình thường. Trong khi đó cơ quan ra quyết định “đè” lên cấp thành phố lại là cấp quận.
Một văn bản bất thường và nhiều sai sót về thủ tục hành chính

          Cung Thể thao Quần Ngựa được đầu tư xây dựng khá hoành tráng với chi phí không ít tiền của nhưng các sự kiện thể thao văn hóa diễn ra tại đây chỉ “năm thì mười họa”. Có lẽ vì thế mà nơi đây thường được cho thuê làm hội chợ quảng cáo bán hàng và cả tổ chức những lễ hội uống bia với hàng nghìn người ăn uống rôm rả. Lẽ ra một hoạt động nghệ thuật được tổ chức tại đây sẽ được quan tâm, khuyến khích, vậy mà...
          Thật trùng hợp liveshow mang tên “Ngựa Hoang”, cung thể thao là Quần Ngựa. Phải chăng “chú Ngựa Hoang” do chưa được “thuần chủng” nên đành dừng chân trước sân Quần Ngựa?./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 12 tháng 10 năm 2018 

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

Vẻ đẹp công sở

       Người châu Âu có câu “chiếc áo không làm nên thầy tu” ý nói rằng hình thức bên ngoài không thể quyết định và không phải bao giờ cũng thể hiện bản chất bên trong. Thậm chí một kẻ xấu khoác bộ cánh lịch sự, diêm dúa sẽ rất đáng ngại vì nó dễ đánh lừa người khác về bản chất.
Lạm bàn ý trên nhân có tin cơ quan chức năng của Hà Nội đang lấy ý kiến về việc đầu tư mới, cải tạo sửa chữa 483 trụ sở phường, xã, toàn thành phố với phương án thống nhất về hình khối, vật liệu và màu sắc, một số báo đã gọi nôm na là “mặc đồng phục”. Tuy nhiên lãnh đạo Hà Nội đã có ý kiến cho rằng thông tin nói thành phố chủ trương “mặc đồng phục” là không đúng. Thành phố chỉ dự kiến thống nhất về công năng chứ không phải là “thay áo” công sở. Được biết, Hà Nội hiện có 584 trụ sở (386 công trình ở xã, 177 ở phường và 21 ở thị trấn). Giai đoạn 2011-2015 các quận, huyện đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 290 trụ sở cấp xã, với tổng mức vốn bố trí trên 1.600 tỉ đồng.

Mô hình trụ sở xã phường mẫu được Hà Nội lấy ý kiến

Với một số tiêu chí cơ bản về diện tích tối thiểu, tối đa, mật độ, vật liệu, số tầng cao xây dựng... cùng cả phối cảnh mô hình trụ sở mẫu đã được một số tờ báo đăng tải thì có lẽ hầu hết trụ sở xã phường của thành phố sẽ phải dỡ ra làm lại! Nếu chỉ là “thống nhất công năng” cũng vẫn tốn kém tiền của không cần thiết. Số tiền chi phí cho việc “đồng nhất công năng” này liệu có bằng hay cao hơn con số 1.600 tỉ đồng của giai đoạn 2011-2015?
Điều người dân chưa hài lòng với cấp xã phường hiện nay của Thủ đô chắc chắn chẳng phải là công sở chưa to đẹp, chắc bền hoặc kém thống nhất về hình thức. Không hiểu xuất phát từ đâu mà cơ quan tham mưu cho lãnh đạo lại có một đề xuất như vậy trong khi trào lưu xây dựng trụ sở hoành tráng đã bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ và đang tạm lắng xuống? Phải chăng thành phố đang “dư dật” ngân sách nên cần tập trung “làm bền đẹp” công sở để “xứng tầm” với danh xưng Thủ đô?
Xã phường là cấp hành chính gần dân nhất và cũng là nơi người dân cần nhất việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ, khắc phục những tai tiếng đâu đó rằng đây là nơi “hành dân là chính”. Nền hành chính thân thiện, với những công chức hết lòng vì dân mới có thể tạo được “vẻ đẹp” trong con mắt Nhân dân chứ không phải là những công trình ngạo nghễ, lạnh lùng.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Hà Nội

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Chắc chắn một chính phủ điện tử được xây dựng phải bắt đầu từ hệ thống hành chính cấp xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Giá như cơ quan tham mưu của Hà Nội nhạy bén nắm bắt sự định hướng này, tham mưu cho lãnh đạo, đề ra một đề án xây dựng mô hình hành chính điện tử cấp xã phường thì tốt biết bao!
       Nếu thực sự Hà Nội đang có nguồn ngân sách dồi dào rất nên đầu tư cho việc xây dựng một hệ thống hành chính điện tử tại các xã phường, làm mẫu cho các địa phương học tập, làm theo./.
Đinh Hoàng 
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
 và Báo điện tử Ngày mới online ngày 02 tháng 10 năm 2018