Nội ngoại “giao duyên”
Có một thời khá thịnh hành
loại hình tân cổ giao duyên trong nghệ thuật cải lương. Bằng tài năng của các
nghệ sĩ, đạo diễn, biên kịch đã tạo ra sự mới mẻ trên nền tác phẩm cổ nên
nhiều vở tân cổ giao duyên được khán thính giả đón nhận nồng nhiệt. Mặt khác,
văn hóa của dân tộc là một dòng chảy không ngừng, cái sau kế thừa và sáng tạo
trên nền truyền thống tạo nên thành công là chuyện bình thường.
Hiện nay đang có trào lưu tạm
gọi là “nội ngoại giao duyên” trong nghệ thuật phim ảnh với các tác phẩm
chuyển thể kịch bản nước ngoài (tiếng Anh thường gọi remake).
Không ít tác phẩm được chuyển
thể thành công. Có thể điểm qua một số phim như “Yêu đi đừng sợ”, “Em là bà nội của anh” (Hàn Quốc), “Bạn gái
tôi là sếp” (Thái Lan)… Đặc biệt, gần đây có hai phim dài tập Việt hóa tạo
nên cơn sốt khán giả là “Sống chung với mẹ chồng” (Trung Quốc) và “Người phán
xử” (Israel).
Phim “Người phán xử” Việt hóa gặt hái nhiều thành công
Tuy nhiên, cũng không ít phim
dựa trên kịch bản nước ngoài chỉ như bản phô tô nhạt nhòa, không được khán
giả đón nhận vì nó giống nhưng lại không hấp dẫn bằng bản gốc.
Phim “Hậu duệ mặt trời” của
Hàn Quốc vốn là tác phẩm thành công vượt ra khỏi biên giới bản địa vừa được
Việt hóa. Việc chuyển một câu chuyện nước bạn thành chuyện của nước Việt vốn
đã không dễ bởi văn hóa, lịch sử có những khác biệt, trong khi đó là làm lại
một phim đã nổi danh sao cho hay hơn lại càng khó hơn, thậm chí xác suất thất
bại không nhỏ.
Một cảnh trong phim “Hậu duệ mặt trời” của Hàn Quốc được Việt hóa
Phim “Hậu duệ mặt trời” vừa được công chiếu mấy
tập trên một kênh của truyền hình VTC đã dấy lên ý kiến trái chiều trong dư
luận và mạng xã hội bởi có những “hạt sạn”, nhất là các chi tiết về người
lính và quân đội. Không kể đến một số chi tiết chưa phù hợp thực tiễn, ngô
nghê thì việc lấy tên phim nguyên gốc có vẻ chưa thật ổn. Nhiều ý kiến đặt
câu hỏi hình tượng đẹp anh bộ đội Cụ Hồ đã in đậm trong tâm trí nhiều thế hệ
người Việt mấy chục năm sao phải thay bằng hậu duệ mặt trời? Một quân đội từ
Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu đã có trang sử lừng danh hơn 70 năm,
được cả thế giới ngưỡng mộ sao cần nhờ, mượn hình tượng?
Một cảnh được cho là không hợp lý trong Phim “Hậu duệ mặt trời” Việt hóa
Nghệ thuật là sự sáng tạo, thiếu nó thì không thể
coi là nghệ thuật đích thực. Những phim từ kịch bản Việt hóa thành công bởi
các nhà biên kịch, đạo diễn đã có những sáng tạo trên nền ý tưởng, nguồn mạch
câu chuyện nước ngoài. Người có tác phẩm nghệ thuật lo ngại nhất là bị “đạo”
ý tưởng bởi đây là cái nền, là hồn cốt để phát triển sáng tạo. Với kịch bản
ngoại đã được mua lại thì đương nhiên ý tưởng phim cũng đã được họ “bán”,
không lo chuyện bản quyền - một vấn đề cốt yếu. Nhưng việc đưa những chi
tiết, cảnh huống của phim gốc vào phim mới sẽ dễ đưa đến cảm giác đó là bản
sao.
Nội ngoại chỉ có thể “giao duyên” thành công khi
đó là sự quyện hòa tươi mới, bổ trợ cho nhau để thực sự “nội hóa” chứ không
phải sự lắp ghép, gượng gạo./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và
Báo điện tử Ngày mới online ngày 19 tháng 10 năm 2018
|
Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét