Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Phận mỏng đồng tiền

Có lẽ ra khỏi nhà, anh thợ điện Nguyễn Cà Rê đã “bước chân trái”, khi mang 100 đô la đi đổi ra tiền Việt để tiêu nên đã gặp vận đen?


Nếu so với việc “con mẹ nuôi” đến gặp huyện Hinh xui xẻo gặp “ma” tại cửa quan nên mất trắng 2 hào trong truyện “Đồng hào có ma” của cụ Nguyễn Công Hoan, thì anh Cà Rê còn xui xẻo gấp bội. Chẳng những 100 đô la không trở thành tiền Việt, mà nó còn kéo theo 90 triệu đồng từ túi anh vào két công qũy, một gia sản quá lớn với mức lương 4 triệu đồng/tháng.

Anh thợ điện Nguyễn Cà Rê 

Chuyện anh Cà Rê ở TP Cần Thơ mang 100 đô la ra đổi ở tiệm vàng, bị cơ quân công an phát hiện và Chủ tịch UBND thành phố này ra quyết định phạt 90 triệu đồng khiến dư luận xôn xao trong những ngày qua. Không ít người từng sở hữu tờ đô sẽ giật mình bởi mấy ai mang đổi ở ngân hàng chỉ một vài trăm đô, thường là ra tiệm vàng cho tiện.
Theo Điểm a, Khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng: Phạt 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép đổi ngoại tệ. Điểm a, Khoản 8 Điều 24 áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm.
Việc chỉ đổi 100 đô la bị phạt tới 90 triệu đồng thoạt nghe cứ thấy sai sai, nhưng thật không may, điều đó lại đúng luật! Anh Cà Rê có lẽ cũng ý thức là không được mang đô la tiêu dùng ngoài chợ mà phải đổi ra tiền Việt nên đến tiệm vàng, nơi kinh doanh hợp pháp đổi cho tiện. Rất có thể anh cũng chưa được đọc dòng nào của Nghị định 96 trên.

Tiệm vàng Thảo Lực, nơi diễn ra vụ bắt 100 USD của anh Cà Rê.

Ai cũng biết “luật pháp vô tình”, nhưng người thực thi pháp luật thì đôi khi vẫn có “tí tình”. Chính vì vậy mà khung xử phạt bằng tiền thường có các mức từ thấp nhất đến cao nhất (trong trường hợp này là từ 80 đến 100 triệu đồng), khi đó “tí tình” sẽ định lượng cụ thể mức cao hay thấp.
Chỉ một vụ buôn bán nhỏ 100 đô mà ngân sách thành phố này đã thu về gần 400 triệu đồng (cả phạt chủ tiệm vàng và người bán). Nếu tích cực thực thi luật pháp riêng mảng buôn bán ngoại tệ có thể thu về bộn tiền cho ngân sách. Tại chợ Bến Thành, quận 1 TP Hồ Chí Minh, hay phố Hà Trung, TP Hà Nội việc mua bán ngoại tệ khá dễ dàng dù đa số người dân, chủ kinh doanh đều biết là trái luật nếu chưa có phép.
Không biết thu ngân sách của chính quyền nơi “gạo trắng nước trong” hằng năm được bao nhiêu và thu bao nhiêu từ việc phạt vi phạm hành chính? Chỉ biết việc chi ở đây cũng khá “xông xênh”, ví như vừa qua lãnh đạo thành phố kí kế hoạch thực hiện đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của TP tại trường ĐH California (Riverside, Mỹ) giai đoạn 2018-2020", với kinh phí hơn 10 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước cho 80 cán bộ công chức du học chừng 2 tuần.
Mong rằng các cán bộ sau khi đi nâng cao “quan trí” về sẽ giúp dân nâng cao dân trí, để không còn ai vì mù mờ pháp luật mà mất tiền oan!
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 30 tháng 10 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét