Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

Bất an doanh nghiệp đòi nợ

Trước kia khi nghe từ đòi nợ thuê người ta thường nghĩ ngay đến hoạt động kinh tế ngầm, cầm đồ, cho vay nặng lãi cùng xã hội đen...
Trong nền kinh tế tăng trưởng nhanh như hiện nay thì nhu cầu vốn cho mọi hoạt động cũng luôn tăng nóng. Sự khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng khiến hoạt động tín dụng ngoài luật pháp có dư địa phát triển. Những yếu tố trên khiến thực trạng nợ nần, chiếm dụng vốn lẫn nhau ngày càng tăng và thường khó có cách giải quyết êm thuận.

Kết quả hình ảnh cho bạo lực đòi nợ thuê

Năm 2007 Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ kì vọng từng bước khắc phục bất ổn, đưa hoạt động giải quyết vướng mắc, xung đột lợi ích trong hoạt động này vào khung khổ pháp luật. Tuy nhiên, theo Nghị định thì chỉ những khoản nợ có đủ căn cứ là hợp pháp đã quá hạn thanh toán mới thuộc phạm vi điều chỉnh. Trong khi đó, trong thực tiễn những khoản nợ hoạt động kinh tế ngầm, tín dụng đen, vay cá nhân chi cho những hoạt động nhạy cảm, nhất là cờ bạc, buôn bán bất hợp pháp… chiếm tỉ lệ không ít, đang là vấn đề gây mất an ninh trật tự và bức xúc trong người dân.
Một trong những cách thức mà giang hồ tại TP HCM đòi nợ thuê "khủng bố" gia đình cô giáo H.

Từ khi có hành lang pháp lí, nhiều doanh nghiệp đòi nợ đã được thành lập trong đó rất có thể không ít doanh nghiệp “té nước theo mưa”, tạo bình phong nhằm hợp thức hóa những hoạt động ngoài luật pháp. Sau hơn mười năm Nghị định có hiệu lực, nay vẫn chưa được tổng kết, đánh giá hiệu quả thực chất của loại hình doanh nghiệp này. Trong khi đó, ngày càng xảy ra nhiều vụ đòi nợ kiểu khủng bố, bạo lực gây bất an xã hội mà lực lượng chức năng rất khó kiểm soát, xử lí.
Nếu theo đúng nội dung của Nghị định 104 thì doanh nghiệp đòi nợ thuê chỉ có thể thông qua các hoạt động như thương thuyết, tư vấn pháp luật, kinh tế để con nợ nhận rõ vấn đề, có giải pháp khắc phục và tự giác trả nợ, tuyệt nhiên không cho phép sử dụng các hình thức bạo lực, khủng bố về thể chất, tinh thần. Nếu thực hiện như vậy thì doanh nghiệp thu nợ chỉ cần một số nhân sự hiểu biết pháp luật, có khả năng “thuyết khách” tốt là đủ. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp đòi nợ có lực lượng hùng hậu về cơ bắp, trình độ pháp luật bình thường, thậm chí có cả đối tượng “cộm cán”, tiền án, tiền sự. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ khủng bố, đe dọa, gây bất an cho con nợ và người thân của họ. Vụ một giáo viên tại TP Hồ Chí Minh phải cầu xin xã hội đen buông tha khủng bố để đi dạy học là một ví dụ đau lòng.
 Trước sự bất an của loại hình đòi nợ thuê tại địa phương, vừa qua UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị cấm tư nhân kinh doanh dịch vụ này vì cho rằng, việc nợ tiền là quan hệ dân sự, kinh tế giữa hai đối tác bằng hợp đồng cụ thể. Khi có mâu thuẫn cần đưa ra tòa và phán quyết của tòa chính là phán quyết cuối cùng mà các bên buộc phải tuân theo.
Rất cần nhìn nhận ý kiến trên đây của TP Hồ Chí Minh xem lại việc cho phép doanh nghiệp tư nhân thực hiện dịch vụ nhạy cảm này. Những quan hệ dân sự về kinh tế cần được thực hiện theo con đường trọng tài kinh tế, tòa án... Pháp luật không thể “nhường bước” để xã hội đen lấn tới./.  
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 24 tháng 10 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét