Khu
công nghiệp và công viên
Nếu ai để ý tới tên gọi các khu công
nghiệp tập trung sẽ thấy có những cái tên tiếng Anh hoặc viết tắt Anh ngữ
khác nhau như Industrial zone, Industrial area. Tạm hiểu đây là nói đến một
khu vực sản xuất công nghiệp tập trung mà trong đó phần nhiều là doanh nghiệp
FDI.
Tuy nhiên, nếu là khu công nghiệp đầu tư
của Singapo thì người ta thường thấy từ VSIP (viết tắt của cụm từ “Việt Nam
Singapo Industrial Park”) với nghĩa đây là khu công viên công nghiệp hoặc
vườn công nghiệp.
VSIP Từ Sơn, Bắc Ninh
Nhiều người đã biết Singapo là quốc gia
đặc biệt quan tâm bảo vệ môi trường và có nền sản xuất xanh, sạch vào hàng
đứng đầu khu vực. Thông điệp của họ khi đầu tư vào các quốc gia là phát triển
sản xuất luôn gắn với bảo vệ môi trường. Chính vì vậy các khu VSIP ở Bình
Dương, Bắc Ninh và một số địa phương khác đều như những hình mẫu về môi
trường xanh, sạch, đẹp với nhiều cây xanh tựa công viên. Trong khi đó, hầu
hết các khu công nghiệp khác người ta chỉ thấy trần trụi nhà xưởng, đường bê
tông chen chúc, ngột ngạt.
Một Cụm công nghiệp - làng nghề tại Quảng Ngãi
Trong nhiều năm qua với quyết tâm thu hút
đầu tư nước ngoài, từ trung ương tới các địa phương đều nỗ lực đưa ra những
chính sách ưu đãi cao nhất có thể, đồng thời với đó là những dễ dãi về công
nghệ, thiếu chặt chẽ trong các điều kiện bảo vệ môi trường. Hệ lụy đến nay
hình như đang “phát lộ” với những dòng sông “ngắc ngoải”, bầu không khí ô
nhiễm ngột ngạt khắp nơi...
Vừa qua báo chí thông tin về việc một số
công nhân Hàn Quốc kiện hãng điện tử Samsung vì mắc một số căn bệnh như ung
thư, bạch cầu, u não… sau thời gian làm việc cho công ty này. Sau hơn 10 bị
kiện, Samsung đã chính thức xin lỗi và hứa bồi thường cho một số người mắc
bệnh. Độc hại, phóng xạ từ linh kiện điện tử là có thật, người trực tiếp tiếp
xúc chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Phải chăng đây là lí do khiến hãng điện
tử lớn nhất Hàn Quốc này di chuyển địa chỉ sản xuất ra nước ngoài? Liệu ta có
kiểm soát được môi trường an toàn tại các cơ sở sản xuất của Samsung và các
công ty khác hay phải đợi đến khi căn bệnh ung thư của người lao động bùng
phát?
Samsung đã chính thức xin lỗi và hứa bồi thường cho một số công nhân Hàn Quốc mắc bệnh.
Câu nói “không đánh đổi đầu tư nước ngoài
bằng mọi giá” đã được nhiều lãnh đạo khẳng định. Thế nhưng nhiều công nghệ
lạc hậu, tiêu tốn năng lượng vẫn “nối đuôi nhau” vào nước ta, nhất là sản
xuất thép, giấy, hóa chất, điện than… Những nhà đầu tư có trách nhiệm như
Singapo hiện nay không nhiều, họ chỉ quan tâm tiết giảm chi phí, tối ưu hóa
lợi nhuận. Có thể nhiều đồng tiền lợi nhuận đang “ăn” vào phí bảo vệ môi
trường.
Cùng với tinh lọc khi lựa chọn nhà đầu
tư, đã đến lúc cần rà soát lại điều kiện, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, đánh
giá lại công tác quản lí môi trường tại các khu công nghiệp. Nếu không làm
sớm và cương quyết, e rằng người dân sẽ phải đánh đổi sức khỏe cho sự tăng
trưởng!
Để có một nền sản xuất bền vững và hiệu
quả thì mỗi khu công nghiệp phải hướng tới tiêu chuẩn của những công viên./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và
Báo điện tử Ngày mới online ngày 30 tháng 11 năm 2018
|
Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018
Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018
Quyền là người
Chuyện một thanh niên 20 tuổi
cùng nhóm tình nguyện hằng ngày đi thu nhặt xác thai nhi bị các phòng khám,
chữa bệnh phá thai vứt ra thùng rác được nhiều báo đưa tin từ năm trước, gần
đây một số chương trình truyền hình phản ánh lại vẫn khiến nhiều người bất
ngờ và không khỏi ám ảnh.
Thai nhi có thể cảm thụ âm nhạc khá sớm
Theo y học hiện đại, thai nhi
chừng 16 tuần có thể xác định được là trai hay gái, cũng có nghĩa một sinh
linh đang dần hoàn chỉnh. Về bản chất nếu phá thai giai đoạn này trở đi có thể
coi là một hành vi tội ác! Khoa học từng chứng minh từ khi còn là thai nhi
trong bụng mẹ đứa bé đã có những cảm xúc và tình cảm sơ khai, thậm chí có thể
cảm nhận âm nhạc từ thính giác người mẹ.
Quy định của pháp luật hiện
hành, một sinh linh trở thành con người từ khi ra khỏi bụng mẹ, được khai
sinh và có những quyền cơ bản của con người. Nhưng thực chất sinh linh đó đã
là một con người từ khi còn ở trong bụng mẹ.
Thanh niên 20 tuổi hằng ngày đi thu nhặt xác thai nhi để đưa đi an táng.
Chỉ tại khu vực mà thanh niên
cùng nhóm tình nguyện trên đi thu nhặt hằng ngày mỗi năm đã có hàng nghìn đứa
trẻ không được làm người, vậy trên cả nước con số đó sẽ là bao nhiêu? Đây là
hệ quả lối sống buông thả, vô trách nhiệm của một bộ phận trong giới trẻ hiện
nay cùng sự nhẫn tâm của các phòng khám, nhất là phòng khám chui.
Thật khâm phục hành động của
nam thanh niên cùng nhóm tình nguyện, họ không chỉ thu nhặt mà còn đưa về tắm
rửa, khâu lại thân thể thai nhi đã bị cắt rời rồi đưa đi an táng như một con
người bình thường khi nằm xuống.
Theo Điều 4,
Luật Bảo vệ sức khỏe Nhân dân năm 1989 quy định: “Phụ nữ được quyền nạo thai,
phá thai theo nguyện vọng… Nghiêm cấm các cơ sở y tế và cá nhân làm các thủ
thuật, phá thai, tháo vòng tránh thai nếu không có giấy phép do Bộ Y tế hoặc
Sở Y tế cấp”. Tuy nhiên theo một số chuyên gia và luật sư, quy định trên còn
khá lỏng lẻo, cần được nghiên cứu hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn cuộc
sống. Ví dụ như việc nạo phá thai với người có hôn nhân phải khác về bản chất
với người chưa có hôn nhân và do đó quy định về quyền và trách nhiệm của cá
nhân, tổ chức y tế cũng cần quy định rõ với từng trường hợp. Luật cũng không
quy định xử lí thế nào với thân thể những hài nhi bị tước đoạt cuộc sống,
liệu những thai nhi bị phá bỏ đó có được khai sinh, khai tử như một con người?
Thai nhi cũng cần có quyền như một con người.
Việt Nam là
quốc gia có đông người dân theo đạo phật hoặc công giáo đều có thiên hướng
sống theo những chuẩn mực thiện tâm của đạo giáo. Một sinh linh dù chưa được
ra đời song mất đi cũng để lại những ám ảnh tâm linh cho người thân và cộng
đồng. Ngày ngày không ít người đang gắng làm việc thiện, hạn chế sát sinh,
cùng phóng sinh động vật với tâm niệm tu nhân tích đức. Việc phá thai và vứt
bỏ thai nhi là trái với đạo đức, thuần phong xã hội và văn hóa truyền thống của
người Việt.
Đã đến lúc
luật pháp cần điều chỉnh, để thai nhi cũng có quyền như một con người.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 28 tháng 11 năm 2018
|
Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018
Đừng hô hào
nhau cùng… xấu xí!
Bóng
đá được mệnh danh là môn thể thao vua. Một phần không thể tách rời với môn
thể thao này là những cổ động viên (CĐV), khán giả nhiệt thành. Khi một sân
vận động thi đấu mà chỉ lèo tèo khán giả thì không thể tạo được bầu không khí
thể thao sôi động. Thế nhưng, những cổ động viên phấn khích một cách quá đà
sẽ dễ dẫn đến những hành động phi thể thao, thậm chí gây thảm họa cho cộng
đồng.
Đốt pháo sáng trên sân bóng đá là thể hiện của nạn hooligan. Ảnh VOV
Mọi người
từng biết tới nạn hooligan - thuật ngữ tiếng Anh ám chỉ những người hay nhóm
người thường có các hành động côn đồ và phá hoại xung quanh các trận thi đấu
bóng đá. Nạn hooligan thể hiện ở nhiều dạng như ném đá, pháo sáng xuống sân,
tấn công cầu thủ, ẩu đả với các cổ động viên khác. Thập kỉ 80 thế kỉ XIX thế
giới ghi nhận những trường hợp hooligan đầu tiên của bóng đá hiện đại. Khi
ấy, các nhóm côn đồ ở Anh táo tợn đe dọa những người dân vô tội, tấn công
trọng tài và cầu thủ vì tình yêu với đội bóng mình yêu thích. Tình trạng bạo
lực lên tới đỉnh điểm vào năm 1985 với thảm kịch tại sân vận động Heysel của
Bỉ làm 39 người chết, lí do bắt nguồn từ những hooligan của xứ sở sương mù.
Rất nhiều năm sau người Anh chịu tiếng xấu vì khi nói tới nạn hooligan người
ta nghĩ ngay đến nước Anh.
Những hành động thế này nguy cơ gây thảm họa cho cộng đồng. Ảnh VTC.
Nạn hooligan
trên thế giới đã lắng đi nhưng buồn thay, thời gian gần đây nó lại bị một số CĐV
quá khích nước ta hô hào khấy động như một nét cổ động mới lạ. Năm trước, do hành động đốt pháo sáng của một số CĐV Việt Nam trên sân Olympic Quốc gia
Campuchia ở trận đấu lượt đi giữa Việt Nam với Campuchia tại vòng loại Asian
Cup 2019 mà VFF phải nộp phạt hơn 300 triệu đồng. Án phạt này cùng một
số vụ CĐV đốt pháo sáng tại vài trận đấu trong nước khiến bạn bè đang dần
cảnh giác, thay đổi cách nhìn và dần mất đi sự thiện cảm với những CĐV Việt
Nam! “Con sâu đang làm rầu nồi canh” dù đó chỉ là số ít.
Những hành động của số ít nhưng sẽ hủy hoại nền bóng đá.
Sân bóng
với những trận cầu quan trọng thường thu hút lượng khán giả đến hàng chục vạn
người đến xem. Trong môi trường như vậy chỉ cần một hành động gây hoảng loạn,
tâm lí đám đông lây lan sẽ dẫn tới thảm họa không thể lường trước. Thế giới
từng chứng kiến những vụ hoảng loạn rồi dẫm đạp lên nhau khiến hàng nghìn
người thương vong (như vụ hành hương đến thánh địa Mecca năm 2015 làm 717
người chết và 863 người bị thương; tại Campuchia năm 2010 với 349 người thiệt
mạng trên một cây cầu trong lễ hội té nước ở Thủ đô Phnôm Pênh)… Để phòng
ngừa, không xảy ra thảm họa nên hầu hết các liên đoàn bóng đá và nhiều nước
đã cấm tuyệt đối việc đốt pháo sáng tại các sân vận động khi thi đấu bóng đá
hoặc sự kiện đông người.
Nước Anh
đã gột rửa được hình ảnh xấu xí hooligan và là quốc gia có nhiều giải bóng đá
hấp dẫn, lôi cuốn khán giả khắp thế giới dõi theo.
Bóng đá
Việt Nam đang từng bước nâng tầm thứ hạng trong khu vực và cả châu lục khiến
đất nước tự hào. Lẽ nào CĐV Việt Nam lại đang nỗ lực tự… “hạ tầm” văn hóa và
vẽ nên một gương mặt hooligan xấu xí? ./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 23 tháng 11 năm 2018
|
Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018
Tiếp dân, bao giờ được… nâng tầm?
Chuyện tiếp dân của cán bộ
với những điều tiếng về tính hình thức, ít hiệu quả có thể nhiều người đã cảm
nhận được. Tuy nhiên, qua câu chuyện của một vị đại biểu Quốc hội chia sẻ “có
vị cán bộ ở một địa phương chỉ dành 9 phút tiếp dân sau đó đi thẳng ra quán
nhậu” khiến không ít người bất ngờ! Điều đó cho thấy quan điểm của một số
“công bộc” việc tiếp dân là vô cùng… thứ yếu!
Khiếu kiện đông người tồn tại nhiều năm qua.
Hệ thống quy chế, quy định,
quyết định… của Đảng, chính quyền các cấp từ trung ương tới địa phương khá
đầy đủ, cụ thể. Thế nhưng thực trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài của người
dân ở nhiều địa phương vẫn như chuyện “con kiến mà leo cành đa”. Nguyên nhân
của thực trạng này không phải do quy định, thể chế mà lại ở ý chí chủ quan
của con người, khi mà việc đối thoại, chia sẻ, đồng cảm với dân không là
chuyện đáng quan tâm.
Có thể khẳng định, hầu hết
người đi khiếu nại đều bởi dân chủ chưa được tôn trọng, quyền lợi bị xâm phạm
hoặc việc giải quyết chưa thỏa đáng (trong đó chủ yếu là chính sách, pháp
luật về thu hồi, bối thường đất đai). Chính quyền cơ sở không giải quyết thỏa
đáng những khiếu nại, tất nhiên người dân phải tìm đến những cấp cao hơn. Do trách
nhiệm bị đùn đẩy hoặc né tránh việc giải quyết thì người dân mới phải đeo bám
vất vả hành trình đòi quyền lợi. Không ít cán bộ ngang nhiên thách thức người
dân với ngầm ý “cứ kiện lên trung ương rồi cũng trở về đây mà thôi”. Tiếc
rằng phần nhiều đúng như vậy!
Sau bùng nổ khiếu kiện ở Thủ Thiêm, lãnh đạo TP HCM đã trực tiếp đối thoại với dân.
Cho đến nay, hầu như chưa có
nhiều cán bộ bị kiểm điểm hay xử lí kỉ luật vì không hoàn thành trách nhiệm
tiếp và giải quyết khiếu nại của người dân. Có khi người dân khiếu nại bượt
cấp đến ba bốn lần trả về địa phương nhưng cán bộ cũng chẳng hề hấn gì. Vậy
thì làm sao họ cần phải sốt sắng giải quyết? Trong khi không ít vụ việc quyền
lợi của người bị xâm hại lại có thể mang đến lợi ích của một số cán bộ đương
quyền? Vì không coi trọng giải quyết khiếu nại nên hầu hết việc tiếp dân được
ủy quyền cho cấp phó, thậm chí là người chẳng có chút thẩm quyền giải quyết.
Sau sự kiện bùng nổ bức xúc
điểm nóng đất Thủ Thiêm, liên tục các lãnh đạo cao nhất của TP Hồ Chí Minh
trực tiếp đối thoại, lắng nghe tìm hướng giải quyết đã từng bước lấy lại được
niềm tin của người dân nơi đây. Có thể coi, đây là một bước “nâng tầm tiếp
dân” của lãnh đạo thành phố này. Nếu địa phương nào cũng đặt việc gặp gỡ đối
thoại, lắng nghe ý kiến người dân để giải đáp, tìm hướng tháo gỡ cùng người
dân thì sẽ chẳng xảy ra tình trạng khiếu nại đông người vượt cấp nhiều năm
qua.
Đã đến lúc cần rà soát, đánh
giá lại hiệu quả việc xử lí, giải quyết khiếu nại của công dân ở tất cả các
cấp. Cùng đó là có quy định, chế tài chặt chẽ, cụ thể xử lí nghiêm minh trách
nhiệm của người đứng đầu để xảy ra khiếu kiện dai dẳng, đông người. Khi người
dân khiếu nại đúng mà không được giải quyết đến lần thứ 3 vẫn vượt cấp dứt
khoát người đứng đầu cần được xử lí hoặc thay thế. Chỉ có vậy quyền lợi chính
đáng của người dân mới có thể được bảo vệ và người dân không còn phận “leo
phải cành cụt, leo ra leo vào”.
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và
Báo điện tử Ngày mới online ngày 22 tháng 11 năm 2018
|
Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018
Lọt tay
Tại diễn đàn
kì họp Quốc hội lần thứ 6 (khóa XIV), khi chất vấn việc quản lí của cơ quan
chức năng một số địa phương trong quản lí đất đai, đại biểu Dương Trung Quốc
đã nói đại ý “không có chuyện gì qua mặt nhưng lại lọt qua tay người quản lí”.
Trong thực tiễn
cũng có thể một số chuyện qua mặt được người quản lí song rất khó qua được
tai mắt Nhân dân. Từ việc nhỏ như thu nhập, tài sản cá nhân, tác phong sinh
hoạt cho đến việc lớn như chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức
người dân đều nhìn thấy hiện tượng và cả bản chất. Đây là một kênh đắc lực hỗ
trợ giúp cơ quan chức năng không gì có thể “qua mặt, lọt tay”.
Tuyến cao tốc nghìn tỉ vừa khai thác đã hư
hỏng.
Một tuyến
cao tốc nghìn tỉ từng bị một nông dân phát hiện gian lận chất lượng thi công,
tố cáo đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc xử lí lại không “đến nơi đến
chốn” và cũng như thể bị “lọt tay”! Dù thừa nhận việc tố cáo của lão nông nọ
có cơ sở nhưng cơ quan quản lí lại đề nghị người tố cáo hãy đưa ra giải pháp
thi công tốt hơn! Thật nực cười khi đòi hỏi một lão nông không được đào tạo
chuyên môn xây dựng cầu đường đưa ra được giải pháp tốt giúp đơn vị thi
công!? Đây chẳng khác nào sự thách đố. Giả sử nếu gặp phải người hiểu biết và
có giải pháp khả thi thực tế, liệu họ có hoán đổi vị trí quản lí cho người đó
không? Kết quả tuyến đường cao tốc trên đến nay đã được kiểm chứng chất lượng
chỉ sau mấy tháng vận hành mặt đường đã tựa “ruộng cày”. Chất lượng xây dựng
tuyến đường này đã “lọt tay” nhà quản lí, dù từ đầu đã được người dân giúp
“nhìn thấy” sự bất ổn.
Rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội) đang bị "băm nát".
Nói cơ quan
chức năng dễ bị “qua mặt” thật ra là quy kết oan. Ví như một cảnh sát giao
thông có thể phát hiện chiếc xe máy “liếm” vạch, lấn làn từ khoảng cách hàng
trăm mét. Nếu ở thành phố, nhà bạn chỉ cần đổ mấy thúng cát, xếp vài chục
viên gạch cạnh nhà để sửa chữa công trình gì đó là sẽ nhanh chóng có cán bộ
quản lí xây dựng phường hoặc quận đến hỏi thăm “nguyên do”. Ấy thế, nhưng có
những công trình xây dựng sai phạm vượt đến hàng chục tầng nhưng cơ quan quản
lí lại “không biết” hoặc để “lọt tay”như tòa nhà số 8B Lê Trực (Hà Nội) vượt
nhiều tầng phải nhờ báo chí phát hiện. Gần đây là 45 biệt thự vi phạm xây
dựng, vi phạm đất rừng phòng hộ tại Sóc Sơn (Hà Nội); vụ một văn phòng công
chứng, một trung tâm sát hạch lái xe giả (ở TP HCM)... Rất nhiều vụ việc vi
phạm lớn đang bị “lọt tay” trong các lĩnh vực như môi trường, thương mại, sản
xuất hàng giả… chỉ khi người dân tố cáo, báo chí lên tiếng, cấp trên chỉ đạo
thì sự việc mới được cơ quan chức năng ra tay.
Tòa nhà 8B Lê Trực kề Lăng Bác, xây
dựng sai phạm vượt hàng chục tầng.
Có thể
khẳng định, hầu hết những vụ sai phạm bị “lọt tay” đều có vấn đề “mù mờ” phía
sau - những sự “mù mờ” đáng ngờ! Nếu tất cả những vụ “lọt tay” chỉ được xử lí
vụ việc cho xong nhưng không nghiêm túc xử lí trách nhiệm con người thì câu
chuyện “không qua mặt song vẫn lọt tay” sẽ trở thành căn bệnh mạn tính rất
khó chữa trị./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 21
tháng 11 năm 2018
|
Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2018
Bàn thêm về
kinh tế chia sẻ
Trên Báo
Người cao tuổi ra ngày 27/12/2017 tác giả đã có bài viết tựa đề “Kinh tế chia
sẻ, sẻ chia kinh tế” bàn về loại hình kinh doanh của hãng Uber, Grab tại Việt
Nam.
Gần đây cụm
từ kinh tế chia sẻ được nhiều người nhắc tới khi nói về vụ hãng taxi Vinasun
kiện Grab, với ý mặc định Grab là loại hình kinh tế chia sẻ. Đây là sự nhầm
lẫn về loại hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ. Cách gọi như vậy được
hãng Grab đồng tình vì dường như họ không phản đối về cách định danh này. Có
khi hiểu đó như một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận họ càng mừng!?
Mô hình xe đi chung có thể hiểu là kinh tế chia sẻ.
Thực chất mô
hình kinh tế chia sẻ phải nói đến sự kết nối xe đi chung của một số nhóm
người trong những năm trước đây. Anh H có chiếc xe ô tô dùng đi làm hằng ngày
từ A đến B. Anh C cũng thường đi từ A đến B. Hai người kết nối hiệp đồng cùng
đi chung một xe nhằm tiết giảm chi phí. Họ có thể thay nhau luân phiên xe đi
chung hoặc một người không có xe góp tiền mua nhiên liệu… Đây là bản chất của
kinh tế chia sẻ và loại hình này không kinh doanh bởi nó phi lợi nhuận, không
bị ràng buộc các điều kiện của pháp nhân kinh doanh.
Ban đầu
nhiều người có quan niệm hãng Uber, Grab cũng là loại hình kinh tế chia sẻ vì
thấy giá cả khá “dễ chịu”, rẻ hơn taxi truyền thống lại tiện và nhanh. Lái xe
cho taxi công nghệ (TXCN) ban đầu thu nhập cũng khá hơn taxi khác. Hai yếu tố
trên khiến cả lái xe và khách hàng nhanh chóng bị hút về phía TXCN.
Thu lợi nhuận cao do cạnh tranh không bình đẳng, Grab không chia sẻ kinh tế.
Như tác giả
bài này từng phân tích về bản chất và cách thức kinh doanh của TXCN. Các hãng
xe này luôn khẳng định họ không kinh doanh vận tải mà chỉ kết nối người đi xe
với người có xe để hưởng phí dịch vụ kết nối. Lái xe phải tự gia nhập hợp tác
xã (HTX) để việc kinh doanh phù hợp Luật HTX. Tuy nhiên, hãng TXCN không chỉ
kết nối thông tin, họ trực tiếp điều hành đội ngũ lái xe, quy định mức giá
cước từng thời điểm, thu tiền và trực tiếp trả tiền công cho lái xe. Các
nghĩa vụ như đóng bảo hiểm, thuế… đều được “né” sự quản lí chưa theo kịp của
luật pháp và phó thác cho HTX. Nhưng HTX của loại hình này chỉ như một “nhà
trọ công nhân”. Tại “nhà trọ” đó chủ nhà không quản lí kinh tế, bảo đảm các
nghĩa vụ kinh doanh khác cho khách trọ. Tóm lại, HTX chỉ là nơi “đánh trống
ghi tên”, “hữu danh vô thực”!
Vừa qua dự
thảo thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ô tô đã có những thay
đổi, đưa vào một số ràng buộc về nghĩa vụ, điều kiện hoạt động TXCN nhằm bảo
đảm bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Nhưng việc quy định gắn mào TXCN
lại bị một vài người cho là “bước lùi trong quản lí mô hình kinh doanh mới”! Không
hiểu việc gắn chiếc mào “taxi” lên trên nóc xe sẽ cản trở thế nào tới sự kết
nối thông tin - một thế mạnh “cốt tử” của loại hình này? Chỉ biết rằng, khi
chiếc xe kinh doanh vận tải được nhận diện sẽ giúp cơ quan chức năng quản lí
chặt chẽ, công bằng. Khi đó không còn chuyện tuyến phố cấm taxi nhưng xe TXCN
lại được tự do!
Một loại
hình kinh doanh không bảo đảm đầy đủ chế độ, chính sách với người lao động,
với khách hàng, đóng thuế thấp hơn loại hình kinh doanh tương tự không thể
gọi là kinh tế chia sẻ đúng nghĩa./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới
online ngày 09 tháng 11 năm 2018
|
Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018
Chơi
sang
Người xưa có
câu “phú quý sinh lễ nghĩa”. Người ta chỉ chơi sang khi điều kiện kinh tế đã
khấm khá, cuộc sống dư giả. Nếu làm mới đủ ăn, thậm chí thiếu thốn mà tiêu
pha hoang phí, khoe khoang hình thức sẽ không tránh khỏi bị hàng xóm chê
cười. Chuyện của mỗi cá nhân suy rộng ra với tổ chức hay một quốc gia cũng
vậy. Một nước vừa thoát nghèo mà người lãnh đạo “chơi sang” không thể coi là
hình ảnh đáng tự hào.
Trụ sở UBND tỉnh Ninh Bình
Không biết
người dân ở “xứ sở sương mù” sang Việt Nam ta nghĩ gì khi được chứng kiến
nhiều chiếc cổng cơ quan công quyền hoành tráng như cổng cung điện của vua
chúa thời xưa? Chắc rằng họ sẽ “ngả mũ” kính nể độ “chịu chơi” của người
Việt, bởi cổng Phủ Thủ tướng nước Anh tại số 10 phố Downing (London) nhỏ
như cánh cửa vào một căn hộ bình thường.
Cổng Phủ Thủ tướng nước Anh
Vì sao một
nước đi lên từ nghèo khó như Việt Nam ta nay lại thịnh hành thói ham xài
sang, thích hoành tráng? Khi nghe câu chuyện có người Việt giàu dùng chiếc
bút trị giá nửa tỉ đồng, một chuyên gia kinh tế nước ngoài chia sẻ: “Người sở
hữu chiếc bút đó không thể viết ra những điều mà người ta đáng đọc”. Cũng như
việc người sở hữu chiếc đồng hồ trị giá hàng tỉ đồng thường sẽ không coi thời
gian là vàng ngọc và với họ, chỉ có vàng ngọc mới là vàng ngọc!
Trụ sở Sở NN&PTNT Thanh Hóa được dự kiến tu sửa với chi phí 10 tỉ đồng.
Một vị Giám
đốc sở ở tỉnh chưa giàu Thanh Hóa vừa nhậm chức đã đề nghị Chủ tịch tỉnh xem
xét, phê duyệt kinh phí đầu tư cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc khoảng 10 tỉ
đồng; Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt chủ trương tổ chức cho 80 cán
bộ đi bồi dưỡng kiến thức ở… bên Mỹ với chi phí ngân sách 10 tỉ đồng... Tiến
sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh từng chia sẻ câu chuyện cùng đi công tác trên một
chuyến bay nội địa Việt Nam, các “Thứ trưởng của chúng ta” ngồi ghế hạng
thương gia, còn các lãnh đạo của những định chế tài chính hàng đầu thế giới
như WB, IMF lại ngồi hạng ghế phổ thông! Trên đây chỉ là điểm vài ví dụ về
“sự tương phản” đến mức phản cảm trong việc “chơi sang” của cán bộ công chức của
ta!
Thực ra, nếu
đồng tiền được làm ra từ mồ hôi, nước mắt, vắt ra từ từ gan ruột, trí tuệ thì
người ta rất chắt chiu khi chi tiêu. Chỉ khi đồng tiền kiếm được một cách dễ
dàng hoặc tiêu đồng tiền không phải của mình làm ra thì người ta mới sẵn sàng
“vung tay quá trán”.
Từng đồng tiền thuế của dân cũng thấm giọt mồ hôi.
Ca giao xưa
có câu “Ở đây một hạt cơm rơi/Ngoài kia
bao hạt mồ hôi thấm đồng”. Một đồng tiền ngân sách cũng thấm đẫm mồ hôi
công sức của người nông dân, công nhân, doanh nghiệp nên nó phải được chắt
chiu, trân trọng. Đã đến lúc cần thay đổi tư duy trong xây dựng cơ chế chính
sách mang dấu ấn nhà giàu, cưng chiều công chức, bởi cần nhìn nhận Việt Nam
ta chỉ mới thoát nghèo trong điều kiện còn không ít người dân đang sống ở
mức… nghèo./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 08 tháng 11 năm 2018
|
Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018
Tòa xử sai, ai xử…
Đố ai tìm
được điều luật nào về giao thông đường bộ quy định khoảng cách an toàn tối
thiểu của 2 xe đi ngược chiều nhau trên cùng làn đường?
Có câu hỏi
trên bởi vừa qua hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra
phán quyết buộc một tài xế điều khiển xe container mức án 6 năm tù giam vì “…đã
có lỗi vi phạm là không quan sát, không giảm tốc độ khi chiếc Inova lùi cách
khoảng 30m”. Cần nói rõ thêm là chiếc xe container đang lưu hành đúng làn trên
đường 1 chiều tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, còn chiếc xe Inova cũng đi
đúng làn nhưng… đi lùi!
Hiện trường vụ tai nạn xe
container tông Innova lùi trên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên - Ảnh: IT.
Với bất kì
chiếc xe nào khi lùi trên đường cần được hiểu thực chất là nó đang tiến (về
phía sau). Tình huống trên chẳng khác nào hai xe trên đang tiến thẳng vào
nhau dù tốc độ có khác nhau. Pháp luật quy định khoảng cách 2 xe là cho tình
huống chạy cùng chiều, tương đối cùng tốc độ, bởi như vậy mới tính được
khoảng cách. Còn hai xe tiến hướng vào nhau (hoặc xe sau đang vượt xe trước),
cự li luôn thay đổi thì lấy mốc nào để đo khoảng cách?
Sau phán
quyết của tòa án này đã dấy lên những tranh luận trái chiều trong đó chủ yếu
cho rằng xử tù người tài xế container là sai. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến
nhất trí với lí lẽ của tòa và cho rằng tài xế container đã không giữ đúng khoảng
cách an toàn, thiếu quan sát... Một kênh truyền hình sau khi đưa tin việc
phán xét trên của tòa còn có phóng sự về quy định pháp luật khoảng cách an toàn
của hai phương tiện lưu thông trên đường. Phóng sự phỏng vấn cả lãnh đạo quản
lí ngành giao thông để minh họa nhưng chủ yếu xoáy vào việc “xử lí thế nào
với hành vi không bảo đảm khoảng cách lưu thông trên đường” như có ý đồng
tình với phán quyết của tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
Theo quy
định tại Điều 11 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định
về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia
giao thông đường bộ thì: “Khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường
bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải giữ một khoảng
cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo “Cự li
tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển
báo”. Đây là quy định với trường hợp 2 xe đang lưu thông đúng luật, cùng
chiều tiến, như cụm từ “chạy liền trước xe của mình” đã nêu, chứ không phải
xe đi ngược chiều nhau trên cùng làn đường.
Hiện trường vụ va chạm giao thông trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ
Có thể thấy
chủ tọa phiên tòa trên đã đưa ra phán quyết không phù hợp với quy định tại
Thông tư 91/2015/TT-BGTVT. Liệu có phải do hội đồng xét xử chưa nắm chắc luật
pháp hay hiểu điều luật trên theo một cách khác?
Không ít vụ
án vì nhận định sai hoặc lí do nào đó đã gây ra những oan sai nghiêm trọng.
Lời xin lỗi muộn màng hay sự bồi thường vật chất chẳng thể bù đắp thiệt hại
về nhân phẩm, tinh thần, vật chất và những hệ lụy khác của người bị kết tội
oan. Thế nhưng chưa có nhiều quan tòa sai sót, vi phạm trong xét xử được pháp
luật xử lí nghiêm minh./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận
đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử
Ngày mới online ngày 07 tháng 11 năm 2018
|
Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018
Chu
trình của tài nguyên
Trên trái đất, con người tồn tại nhờ khai
thác, thụ hưởng nguồn tài nguyên sẵn có. Đơn giản như lương thực được trồng
trên tài nguyên đất đai, thu hoạch phục vụ nhu cầu sống của con người, khi
thải ra quay lại với đất, hoàn thành một chu trình khép kín.
Tuy nhiên có những loại tài nguyên mà chu
trình tái tạo kéo dài hàng trăm năm, thậm chí không thể tái tạo như than đá,
dầu khí... và như vậy trái đất sẽ dần cạn kiệct tài nguyên, cùng với đó là
nguồn chất thải tăng nhanh, gây ô nhiễm môi trường, uy hiếp tồn vong sự sống.
Than đá là nguồn tài nguyên không tái tạo
Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài
nguyên ngày càng được sự quan tâm của các quốc gia bởi đây là giải pháp phát
triển bền vững nhất. Những người thuộc lớp cao tuổi hiện nay sẽ không quên
những sản phẩm như chiếc bàn là, quạt tai voi thời Liên Xô, chiếc đài Orion,
National Nhật Bản có độ bền sử dụng 40, 50 năm “vẫn chạy tốt”. Quan điểm của các
nhà sản xuất giai đoạn đó là năng suất luôn đi đôi với chất lượng, hiệu quả, sản
phẩm luôn hướng tới mục tiêu tăng độ bền, kéo dài tuổi thọ. Với những sản
phẩm này, chu trình từ tài nguyên đến bãi rác được kéo dài, hiệu quả sử dụng tài
nguyên tăng cao.
Ngày nay, vì mục tiêu lợi nhuận, không ít
hãng sản xuất hàng hóa lấy mục tiêu tối thượng bán được càng nhiều sản phẩm càng
tốt và âm thầm hạn định tuổi thọ hàng hóa. Ví dụ chiếc ti vi được cài đặt
phần mềm có thể khai thác nhiều kênh truyền hình trên nền tảng Internet nhưng
sau vài ba năm bỗng không thể xem được các kênh sóng hấp dẫn. Cùng đó là xuất
hiện chiếc ti vi đời mới được cải tiến một số tính năng để khách hàng loại bỏ
sản phẩm cũ. Còn điện thoại thông minh của nhiều hãng lớn thì liên tục cho ra
những sản phẩm mới cùng những chiến dịch quảng bá bài bản khiến các “môn đệ
công nghệ” sẵn sàng vứt đi chiếc máy cũ, móc hầu bao mua điện thoại đời mới.
Trong thời đại mà công nghệ mới phát triển tính bằng ngày, giờ như hiện nay,
chính những người “nghiền” công nghệ là “mỏ vàng” của doanh nghiệp. Người mua
chiếc smartphone đời mới giá đến vài chục triệu có thể không biết rằng một
moden mới khác đang được sản xuất và ấn định thời điểm ra mắt không xa thay
thế vị trí của chiếc vừa trình làng. Vừa qua Italia cáo buộc hai hãng
Samsung, Apple đã chủ ý cho chạy phần mềm cập nhật nâng cấp khiến bộ nhớ của những
chiếc điện thoại cũ ngày một đầy, tốc độ sẽ chậm chạp để người dùng chán và mau
chóng vứt bỏ.
Hiểm họa rác điện tử ngày càng nghiêm trọng
Theo con số thống kê của Hội Bảo vệ Thiên
nhiên và Môi trường Việt Nam, hiện nay mỗi năm thế giới tạo ra khoảng 1,3 tỉ tấn rác thải. Thực
trạng này đồng nghĩa nguồn tài nguyên của trái đất hằng năm mất đi hàng tỉ
tấn và “thu lại” sự ô nhiễm ngày càm trầm trọng.
Chu trình tài nguyên - sản phẩm - bãi rác
ngày một rút ngắn. Sự cạn kiệt tài nguyên đang gia tăng tốc độ. Hiểm họa này
cần sự chung tay của các quốc gia và ý thức của mỗi cá nhân, trước hết là
hành vi tiêu dùng.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới
online ngày 06 tháng 11 năm 2018
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)