Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Quyền là người

Chuyện một thanh niên 20 tuổi cùng nhóm tình nguyện hằng ngày đi thu nhặt xác thai nhi bị các phòng khám, chữa bệnh phá thai vứt ra thùng rác được nhiều báo đưa tin từ năm trước, gần đây một số chương trình truyền hình phản ánh lại vẫn khiến nhiều người bất ngờ và không khỏi ám ảnh.

Thai nhi có thể cảm thụ âm nhạc khá sớm

Theo y học hiện đại, thai nhi chừng 16 tuần có thể xác định được là trai hay gái, cũng có nghĩa một sinh linh đang dần hoàn chỉnh. Về bản chất nếu phá thai giai đoạn này trở đi có thể coi là một hành vi tội ác! Khoa học từng chứng minh từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ đứa bé đã có những cảm xúc và tình cảm sơ khai, thậm chí có thể cảm nhận âm nhạc từ thính giác người mẹ.
Quy định của pháp luật hiện hành, một sinh linh trở thành con người từ khi ra khỏi bụng mẹ, được khai sinh và có những quyền cơ bản của con người. Nhưng thực chất sinh linh đó đã là một con người từ khi còn ở trong bụng mẹ.

Thanh niên 20 tuổi hằng ngày đi thu nhặt xác thai nhi để đưa đi an táng. 

Chỉ tại khu vực mà thanh niên cùng nhóm tình nguyện trên đi thu nhặt hằng ngày mỗi năm đã có hàng nghìn đứa trẻ không được làm người, vậy trên cả nước con số đó sẽ là bao nhiêu? Đây là hệ quả lối sống buông thả, vô trách nhiệm của một bộ phận trong giới trẻ hiện nay cùng sự nhẫn tâm của các phòng khám, nhất là phòng khám chui.
Thật khâm phục hành động của nam thanh niên cùng nhóm tình nguyện, họ không chỉ thu nhặt mà còn đưa về tắm rửa, khâu lại thân thể thai nhi đã bị cắt rời rồi đưa đi an táng như một con người bình thường khi nằm xuống.
Theo Điều 4, Luật Bảo vệ sức khỏe Nhân dân năm 1989 quy định: “Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng… Nghiêm cấm các cơ sở y tế và cá nhân làm các thủ thuật, phá thai, tháo vòng tránh thai nếu không có giấy phép do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp”. Tuy nhiên theo một số chuyên gia và luật sư, quy định trên còn khá lỏng lẻo, cần được nghiên cứu hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Ví dụ như việc nạo phá thai với người có hôn nhân phải khác về bản chất với người chưa có hôn nhân và do đó quy định về quyền và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức y tế cũng cần quy định rõ với từng trường hợp. Luật cũng không quy định xử lí thế nào với thân thể những hài nhi bị tước đoạt cuộc sống, liệu những thai nhi bị phá bỏ đó có được khai sinh, khai tử như một con người?

Thai nhi cũng cần có quyền như một con người.

Việt Nam là quốc gia có đông người dân theo đạo phật hoặc công giáo đều có thiên hướng sống theo những chuẩn mực thiện tâm của đạo giáo. Một sinh linh dù chưa được ra đời song mất đi cũng để lại những ám ảnh tâm linh cho người thân và cộng đồng. Ngày ngày không ít người đang gắng làm việc thiện, hạn chế sát sinh, cùng phóng sinh động vật với tâm niệm tu nhân tích đức. Việc phá thai và vứt bỏ thai nhi là trái với đạo đức, thuần phong xã hội và văn hóa truyền thống của người Việt.
Đã đến lúc luật pháp cần điều chỉnh, để thai nhi cũng có quyền như một con người.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 28 tháng 11 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét