Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

  Lọt tay

Tại diễn đàn kì họp Quốc hội lần thứ 6 (khóa XIV), khi chất vấn việc quản lí của cơ quan chức năng một số địa phương trong quản lí đất đai, đại biểu Dương Trung Quốc đã nói đại ý “không có chuyện gì qua mặt nhưng lại lọt qua tay người quản lí”.
Trong thực tiễn cũng có thể một số chuyện qua mặt được người quản lí song rất khó qua được tai mắt Nhân dân. Từ việc nhỏ như thu nhập, tài sản cá nhân, tác phong sinh hoạt cho đến việc lớn như chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức người dân đều nhìn thấy hiện tượng và cả bản chất. Đây là một kênh đắc lực hỗ trợ giúp cơ quan chức năng không gì có thể “qua mặt, lọt tay”.


Tuyến cao tốc nghìn tỉ vừa khai thác đã hư hỏng.

Một tuyến cao tốc nghìn tỉ từng bị một nông dân phát hiện gian lận chất lượng thi công, tố cáo đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc xử lí lại không “đến nơi đến chốn” và cũng như thể bị “lọt tay”! Dù thừa nhận việc tố cáo của lão nông nọ có cơ sở nhưng cơ quan quản lí lại đề nghị người tố cáo hãy đưa ra giải pháp thi công tốt hơn! Thật nực cười khi đòi hỏi một lão nông không được đào tạo chuyên môn xây dựng cầu đường đưa ra được giải pháp tốt giúp đơn vị thi công!? Đây chẳng khác nào sự thách đố. Giả sử nếu gặp phải người hiểu biết và có giải pháp khả thi thực tế, liệu họ có hoán đổi vị trí quản lí cho người đó không? Kết quả tuyến đường cao tốc trên đến nay đã được kiểm chứng chất lượng chỉ sau mấy tháng vận hành mặt đường đã tựa “ruộng cày”. Chất lượng xây dựng tuyến đường này đã “lọt tay” nhà quản lí, dù từ đầu đã được người dân giúp “nhìn thấy” sự bất ổn.


Rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội) đang bị "băm nát".

Nói cơ quan chức năng dễ bị “qua mặt” thật ra là quy kết oan. Ví như một cảnh sát giao thông có thể phát hiện chiếc xe máy “liếm” vạch, lấn làn từ khoảng cách hàng trăm mét. Nếu ở thành phố, nhà bạn chỉ cần đổ mấy thúng cát, xếp vài chục viên gạch cạnh nhà để sửa chữa công trình gì đó là sẽ nhanh chóng có cán bộ quản lí xây dựng phường hoặc quận đến hỏi thăm “nguyên do”. Ấy thế, nhưng có những công trình xây dựng sai phạm vượt đến hàng chục tầng nhưng cơ quan quản lí lại “không biết” hoặc để “lọt tay”như tòa nhà số 8B Lê Trực (Hà Nội) vượt nhiều tầng phải nhờ báo chí phát hiện. Gần đây là 45 biệt thự vi phạm xây dựng, vi phạm đất rừng phòng hộ tại Sóc Sơn (Hà Nội); vụ một văn phòng công chứng, một trung tâm sát hạch lái xe giả (ở TP HCM)... Rất nhiều vụ việc vi phạm lớn đang bị “lọt tay” trong các lĩnh vực như môi trường, thương mại, sản xuất hàng giả… chỉ khi người dân tố cáo, báo chí lên tiếng, cấp trên chỉ đạo thì sự việc mới được cơ quan chức năng ra tay.


Tòa nhà 8B Lê Trực kề Lăng Bác, xây dựng sai phạm vượt hàng chục tầng.

Có thể khẳng định, hầu hết những vụ sai phạm bị “lọt tay” đều có vấn đề “mù mờ” phía sau - những sự “mù mờ” đáng ngờ! Nếu tất cả những vụ “lọt tay” chỉ được xử lí vụ việc cho xong nhưng không nghiêm túc xử lí trách nhiệm con người thì câu chuyện “không qua mặt song vẫn lọt tay” sẽ trở thành căn bệnh mạn tính rất khó chữa trị./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 21 tháng 11 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét