Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Khu công nghiệp và công viên

Nếu ai để ý tới tên gọi các khu công nghiệp tập trung sẽ thấy có những cái tên tiếng Anh hoặc viết tắt Anh ngữ khác nhau như Industrial zone, Industrial area. Tạm hiểu đây là nói đến một khu vực sản xuất công nghiệp tập trung mà trong đó phần nhiều là doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, nếu là khu công nghiệp đầu tư của Singapo thì người ta thường thấy từ VSIP (viết tắt của cụm từ “Việt Nam Singapo Industrial Park”) với nghĩa đây là khu công viên công nghiệp hoặc vườn công nghiệp.

VSIP Từ Sơn, Bắc Ninh

Nhiều người đã biết Singapo là quốc gia đặc biệt quan tâm bảo vệ môi trường và có nền sản xuất xanh, sạch vào hàng đứng đầu khu vực. Thông điệp của họ khi đầu tư vào các quốc gia là phát triển sản xuất luôn gắn với bảo vệ môi trường. Chính vì vậy các khu VSIP ở Bình Dương, Bắc Ninh và một số địa phương khác đều như những hình mẫu về môi trường xanh, sạch, đẹp với nhiều cây xanh tựa công viên. Trong khi đó, hầu hết các khu công nghiệp khác người ta chỉ thấy trần trụi nhà xưởng, đường bê tông chen chúc, ngột ngạt.


Một Cụm công nghiệp - làng nghề tại Quảng Ngãi

Trong nhiều năm qua với quyết tâm thu hút đầu tư nước ngoài, từ trung ương tới các địa phương đều nỗ lực đưa ra những chính sách ưu đãi cao nhất có thể, đồng thời với đó là những dễ dãi về công nghệ, thiếu chặt chẽ trong các điều kiện bảo vệ môi trường. Hệ lụy đến nay hình như đang “phát lộ” với những dòng sông “ngắc ngoải”, bầu không khí ô nhiễm ngột ngạt khắp nơi...
Vừa qua báo chí thông tin về việc một số công nhân Hàn Quốc kiện hãng điện tử Samsung vì mắc một số căn bệnh như ung thư, bạch cầu, u não… sau thời gian làm việc cho công ty này. Sau hơn 10 bị kiện, Samsung đã chính thức xin lỗi và hứa bồi thường cho một số người mắc bệnh. Độc hại, phóng xạ từ linh kiện điện tử là có thật, người trực tiếp tiếp xúc chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Phải chăng đây là lí do khiến hãng điện tử lớn nhất Hàn Quốc này di chuyển địa chỉ sản xuất ra nước ngoài? Liệu ta có kiểm soát được môi trường an toàn tại các cơ sở sản xuất của Samsung và các công ty khác hay phải đợi đến khi căn bệnh ung thư của người lao động bùng phát?

Samsung đã chính thức xin lỗi và hứa bồi thường cho một số công nhân Hàn Quốc mắc bệnh. 

Câu nói “không đánh đổi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá” đã được nhiều lãnh đạo khẳng định. Thế nhưng nhiều công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng vẫn “nối đuôi nhau” vào nước ta, nhất là sản xuất thép, giấy, hóa chất, điện than… Những nhà đầu tư có trách nhiệm như Singapo hiện nay không nhiều, họ chỉ quan tâm tiết giảm chi phí, tối ưu hóa lợi nhuận. Có thể nhiều đồng tiền lợi nhuận đang “ăn” vào phí bảo vệ môi trường.
Cùng với tinh lọc khi lựa chọn nhà đầu tư, đã đến lúc cần rà soát lại điều kiện, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, đánh giá lại công tác quản lí môi trường tại các khu công nghiệp. Nếu không làm sớm và cương quyết, e rằng người dân sẽ phải đánh đổi sức khỏe cho sự tăng trưởng!
Để có một nền sản xuất bền vững và hiệu quả thì mỗi khu công nghiệp phải hướng tới tiêu chuẩn của những công viên./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 30 tháng 11 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét