Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

 Chơi sang

Người xưa có câu “phú quý sinh lễ nghĩa”. Người ta chỉ chơi sang khi điều kiện kinh tế đã khấm khá, cuộc sống dư giả. Nếu làm mới đủ ăn, thậm chí thiếu thốn mà tiêu pha hoang phí, khoe khoang hình thức sẽ không tránh khỏi bị hàng xóm chê cười. Chuyện của mỗi cá nhân suy rộng ra với tổ chức hay một quốc gia cũng vậy. Một nước vừa thoát nghèo mà người lãnh đạo “chơi sang” không thể coi là hình ảnh đáng tự hào.
Trụ sở UBND tỉnh Ninh Bình

Không biết người dân ở “xứ sở sương mù” sang Việt Nam ta nghĩ gì khi được chứng kiến nhiều chiếc cổng cơ quan công quyền hoành tráng như cổng cung điện của vua chúa thời xưa? Chắc rằng họ sẽ “ngả mũ” kính nể độ “chịu chơi” của người Việt, bởi cổng Phủ Thủ tướng nước Anh tại số 10 phố Downing (London) nhỏ như cánh cửa vào một căn hộ bình thường.

Cổng Phủ Thủ tướng nước Anh

Vì sao một nước đi lên từ nghèo khó như Việt Nam ta nay lại thịnh hành thói ham xài sang, thích hoành tráng? Khi nghe câu chuyện có người Việt giàu dùng chiếc bút trị giá nửa tỉ đồng, một chuyên gia kinh tế nước ngoài chia sẻ: “Người sở hữu chiếc bút đó không thể viết ra những điều mà người ta đáng đọc”. Cũng như việc người sở hữu chiếc đồng hồ trị giá hàng tỉ đồng thường sẽ không coi thời gian là vàng ngọc và với họ, chỉ có vàng ngọc mới là vàng ngọc!

Trụ sở Sở NN&PTNT Thanh Hóa được dự kiến tu sửa với chi phí 10 tỉ đồng.

Một vị Giám đốc sở ở tỉnh chưa giàu Thanh Hóa vừa nhậm chức đã đề nghị Chủ tịch tỉnh xem xét, phê duyệt kinh phí đầu tư cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc khoảng 10 tỉ đồng; Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt chủ trương tổ chức cho 80 cán bộ đi bồi dưỡng kiến thức ở… bên Mỹ với chi phí ngân sách 10 tỉ đồng... Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh từng chia sẻ câu chuyện cùng đi công tác trên một chuyến bay nội địa Việt Nam, các “Thứ trưởng của chúng ta” ngồi ghế hạng thương gia, còn các lãnh đạo của những định chế tài chính hàng đầu thế giới như WB, IMF lại ngồi hạng ghế phổ thông! Trên đây chỉ là điểm vài ví dụ về “sự tương phản” đến mức phản cảm trong việc “chơi sang” của cán bộ công chức của ta!
Thực ra, nếu đồng tiền được làm ra từ mồ hôi, nước mắt, vắt ra từ từ gan ruột, trí tuệ thì người ta rất chắt chiu khi chi tiêu. Chỉ khi đồng tiền kiếm được một cách dễ dàng hoặc tiêu đồng tiền không phải của mình làm ra thì người ta mới sẵn sàng “vung tay quá trán”.

Từng đồng tiền thuế của dân cũng thấm giọt mồ hôi.

Ca giao xưa có câu “Ở đây một hạt cơm rơi/Ngoài kia bao hạt mồ hôi thấm đồng”. Một đồng tiền ngân sách cũng thấm đẫm mồ hôi công sức của người nông dân, công nhân, doanh nghiệp nên nó phải được chắt chiu, trân trọng. Đã đến lúc cần thay đổi tư duy trong xây dựng cơ chế chính sách mang dấu ấn nhà giàu, cưng chiều công chức, bởi cần nhìn nhận Việt Nam ta chỉ mới thoát nghèo trong điều kiện còn không ít người dân đang sống ở mức… nghèo./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 08 tháng 11 năm 2018 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét