Tìm
lợi lộc chốn cửa thiền!
Những ai bước tới cửa thiền/ Nhớ lời Phật
dạy trong miền nhân gian/ Chừa dâm, chừa độc, chừa tham/ Trừ ba nết ấy mới
làm ăn nên… Đó là mấy câu ca dao
xưa nhắc nhủ người đời trần tục khi đến chốn cửa thiền hãy để lòng thanh
tịnh, thành kính, bỏ suy nghĩ tham, sân, si...
Vậy nhưng ngày nay nhiều người như đang
làm điều ngược lại: Đến chốn cửa Phật để mong cầu lợi lộc từ thần linh. Không
ít chủ doanh nghiệp nhìn di tích tâm linh đông đúc du khách như một nguồn
sinh lợi tiềm tàng và tìm mọi cách để được đầu tư, khai thác.
Cảnh đẹp chùa Hương
Tại nhiều khu di tích tâm linh như chùa
chiền, đền miếu… hiện nay mọc thêm những công trình “ăn theo” để thu lợi.
Vừa qua một doanh nghiệp tư nhân đã đề
xuất TP Hà Nội cho phép đầu tư xây dựng siêu dự án tâm linh với tổng mức đầu
tư 15.000 tỉ đồng trên diện tích 1.000ha tại Khu di tích chùa Hương (xã Hương
Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội).
Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh
Hương Sơn là một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam gồm nhiều ngôi
chùa, động thờ Phật, đền thờ Thần theo tín ngưỡng nông nghiệp bản địa gắn
liền với Phật giáo. Quần thể di tích này được xây dựng từ đời Lê Thánh
Tông (1442 - 1497). Trong kháng chiến chống Pháp, tuy nhiều lần bị địch đốt
phá, ném bom nhưng quần thể Hương Sơn luôn được chính quyền, Nhân dân địa
phương cùng nhà chùa quan tâm bảo vệ, tu bổ, sửa chữa, đến nay cơ bản giữ
nguyên được giá trị về lịch sử, danh thắng. Mới đây, quần thể Hương Sơn đã
được cấp Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Với sức hút hơn 1 triệu du
khách thập phương, hằng năm địa phương mang về doanh thu du lịch hàng trăm tỉ
đồng...
Một công trình xây dựng trái phép tại khu di tích chùa Hương
Theo báo cáo thuyết minh dự án, doanh
nghiệp trên đề xuất xây dựng hàng loạt công trình với quy mô lớn như tháp cao
100m, nhiều chùa mới, các khu nhà hàng, khách sạn, bảo tàng… Doanh nghiệp cũng
không quên đề nghị địa phương bỏ tiền ngân sách ra làm đường, hạ tầng, còn
các công trình tâm linh doanh nghiệp đầu tư để kinh doanh, thu phí!
Giá trị của di tích Hương Sơn cũng như
các di tích lịch sử, văn hóa khác là nằm ở tính nguyên bản của kiến trúc,
hiện vật, tư liệu chứ không phải sự bổ sung các công trình, kiến trúc mới to,
hoành tráng. Sự quan tâm của du khách bởi những giá trị lịch sử, văn hóa và
tâm linh được lưu truyền chứ không phải nhà hàng, khách sạn. Có thể thấy, mục
đích của nhiều nhà đầu tư chủ yếu nhằm tới việc tìm kiếm lợi lộc chứ không
phải nâng cao giá trị văn hóa, tinh thần cho di tích.
Cảnh những ngày cao điểm lễ hội chùa Hương
Cũng do vòng xoáy tìm kiếm lợi ích vật
chất mà những năm qua, quần thể di tích Hương Sơn đã xuất hiện một số công
trình vi phạm. Thậm chí có cả một công trình hoành tráng, cao 4 tầng mọc lên
rất lạ lẫm với quần thể di tích. Hoạt động dịch vụ, thương mại nở rộ lấn át
khiến nhiều khu vực quần thể trở nên lộn xộn, nhếch nhác...
Thiết nghĩ, bằng nguồn tiền thu được hằng
năm, địa phương cần chủ động đầu tư cho việc bảo tồn, giữ gìn di tích, cảnh
quan chứ không nên mời gọi đầu tư như một hướng phát triển “kinh tế tâm linh”./.
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và
Báo điện tử Ngày mới online ngày 27 tháng 12 năm 2018
|
Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018
Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018
Săn sắt, cá mập
Dân gian có câu thành ngữ “Thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Câu
này được hiểu là người ta dùng thủ đoạn hi sinh món lợi nhỏ để thu về món lợi
lớn hơn.
Trước thông tin Bộ Tài chính đưa vào “tầm ngắm” đối tượng xe ôm,
quán cóc vỉa hè… khi rà soát diện thu thuế bỗng dưng tôi nghĩ tới câu thành
ngữ trên và giật mình, biết đâu đấy, vào một “ngày đẹp trời” những đối tượng
trên lại vinh dự được đưa vào nguồn tiềm năng của “nhà thuế”!
Lái xe ôm, người bán hàng rong, quán cóc… là thành phần lao động
vất vả song thu nhập bấp bênh và có thể coi là thấp nhất trong nền kinh tế,
gần với đối tượng cận nghèo trong xã hội. Không nhiều người trong đối tượng
này có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân kể cả khi chưa giảm trừ
gia cảnh.
Những năm qua, liên tục có những loại thuế, phí mới được ngành
chức năng đưa ra hoặc tăng mức thu hiện hành như thuế tài sản, xăng dầu, bảo
vệ môi trường, gần đây nhất là đề xuất thu phí khí thải… Hầu như lần nào cơ
quan trình lấy ý kiến cũng không tìm được sự đồng thuận của dư luận xã hội và
các chuyên gia kinh tế, pháp lí. Nguyên nhân của vấn đề này phải chăng ngành
thuế chưa có thay đổi tư duy quản lí? Ai cũng biết tăng mức thu, thêm loại
thuế, phí mới luôn là cách làm dễ dàng nhất để tăng nguồn thu. Thế nhưng,
những chính sách đó sẽ tác động đến những đối tượng nào, lợi hại cho nền kinh
tế ra sao, có hợp tình, hợp lí hay không… dường như chưa được cơ quan chức
năng quan tâm, đánh giá thấu đáo.
Người dân, doanh nghiệp và dư luận luôn thông cảm với ngành thuế
khi mà tiến trình hội nhập quốc tế phải cắt giảm nhiều loại thuế xuất nhập
khẩu đồng thời bộ máy quản lí nhà nước cồng kềnh chưa thể tinh giản một sớm
một chiều. Tuy nhiên, “dư địa” của ngành thuế không phải đã quá chật hẹp,
nhất là “dư địa” quản lí nguồn thu hiện hữu. Theo một số chuyên gia, với hàng
triệu hộ kinh doanh nhỏ có đăng kí thuế diện khoán thu cùng hàng trăm nghìn
hộ chưa đăng kí thuế, nếu cải tiến, quản lí chặt chẽ việc thu nộp, hạn chế
tiêu cực cũng sẽ mang lại một nguồn tăng thu đáng kể. Kế đến là cần có giải
pháp quyết liệt với tình trạng nợ thuế triền miên nhiều năm qua. Chỉ tính
riêng mấy thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… con số nợ ở mỗi địa
phương đã là hàng nghìn tỉ và cả nước đã lên tới hơn 80 nghìn tỉ đồng. Cuối
cùng là giải pháp ứng phó với tình trạng chuyển giá, trốn lậu, né thuế của
các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, kinh doanh bằng công nghệ mới và hoạt
động thương mại điện tử. Đây chính là những đàn “cá mập” chứ không phải là
“đàn săn sắt” nhỏ nhoi, nếu quản lí tốt sẽ mang về nguồn thu rất lớn cho nền
kinh tế.
Mong ngành thuế không chỉ “soi kĩ” những con “săn sắt”, cần nâng
cao năng lực quản lí để mạnh dạn tiếp cận những con “cá mập”!./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 26 tháng 12 năm 2018
|
Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2018
Thưởng
nóng
Thưởng nóng là cụm từ nói về chuyện
thưởng đột xuất bằng tiền, vật chất cho người hay tổ chức đạt được thành tích
xuất sắc về lĩnh vực nào đó.
Lâu nay người ta thấy thưởng nóng thường
được dành cho những sự kiện thể thao lớn, có sự lan tỏa rộng trong cộng đồng,
sự quan tâm cao của dư luận, nhất là môn bóng đá.
Những món thưởng khủng đã được các nhà
hảo tâm tung ra sau sự kiện đội tuyển U23 Việt Nam vào đến trận chung kết U23
châu Á và sự kiện đội tuyển Việt Nam vô địch cúp AFF vừa qua đã góp phần động
viên, khích lệ đội tuyển và hàng triệu người hâm mộ môn thể thao vua.
Có câu “một trăm tiền công không bằng một
đồng tiền thưởng”. Những đồng tiền, quà thưởng của cá nhân, tổ chức vừa qua
thật đáng trân trọng. Thế nhưng dân gian cũng có câu “của cho không bằng cách
cho”, ý muốn nói những món thưởng cần đạt được ý nghĩa cao cả, thiết thực và
chuẩn xác.
Nền bóng đá của ta có được những thành
tựu đáng tự hào không phải ngẫu nhiên hay chuyện một sớm một chiều. Đó là sự
nỗ lực miệt mài của các “lò” đào tạo như Học viện HAGL Arsenal JMG, Trung tâm thể thao Viettel, Trung tâm đào
tạo bóng đá trẻ PVF, các CLB Bóng đá Hà Nội, FLC Thanh Hóa, Sông Lam Nghệ An… Tuy có rất nhiều cầu thủ
đẳng cấp nhưng những năm qua bóng đá VN vẫn “lép vế” khi bước ra sân chơi
lớn.
Đội tuyển Việt Nam mừng chiến thắng cùng chiếc cúp AFF 2018
Tình hình như có sự đột biến từ khi huấn luyện viên Park Hang-seo về
cầm quân đội tuyển nước nhà. Bằng tài năng, trí tuệ và kinh nghiệm, vị huấn
luyện viên này đã lựa chọn được những “hạt vàng” từ các “mỏ vàng” rồi “chế tác”
để có một đội hình tác chiến có sức mạnh “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi
khác”.
Trong bóng đá, sức mạnh một đội tuyển do nhiều yếu tố cấu thành, thành
tố quan trọng nhất là cầu thủ, huấn luyện viên và công tác hậu cần bảo đảm.
Một đội bóng gồm nhiều ngôi sao đôi khi chưa chắc đã là đội mạnh và ngược lại,
cho dù yếu tố cá nhân là hết sức quan trọng. Đội bóng tốt phải được kiểm
nghiệm bằng hiệu quả cuối cùng là những trận thắng chứ không phải việc ai ghi
và ghi được bao nhiêu bàn thắng. Kết quả từng bàn thắng của cá nhân luôn ghi
đậm dấu ấn tập thể, không thể thiếu sự gắn kết của tập thể. Ví như trong trận
chung kết AFF vừa qua, nếu không có cú tạt ngang rất đẹp của Quang Hải thì
cũng không có cú ghi bàn đẹp của Anh Đức; hoặc nếu hàng thủ để lọt lưới vài
bàn thì chưa chắc đã có một chiến thắng trọn vẹn…
Quay lại chuyện
thưởng nóng, nhất là những món thưởng lớn cho cá nhân trong đội tuyển như vừa
qua rất cần được cân nhắc về sau này. Một thành tích mang tính tập thể cao
thì phần thưởng nên dành cho tập thể, yếu tố cá nhân sẽ do tập thể đó xem
xét. Những quyết định thưởng nóng thường xuất phát từ con tim chứ không phải khối
óc nên có thể sẽ thiếu đi sự khôn ngoan. Khi thành quả tập thể chỉ dành cho
số ít cá nhân tất yếu sẽ có tác động vào tâm tư, tình cảm của những người
cùng tạo nên thành quả đó. Điều này về lâu dài sẽ có nguy cơ tác động đến sự
gắn kết của một tập thể - nền tảng sức mạnh của mọi chiến thắng./.
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và
Báo điện tử Ngày mới online ngày 21 tháng 12 năm 2018
|
Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018
Nền kinh tế thông minh
và sự công bằng
Ngày ngày mọi người được nghe nói về trí
tuệ nhân tạo, về cách mạng công nghiệp 4.0... với những hào hứng, tràn trề hi
vọng tương lai.
Thế nhưng ít người thử nghĩ, sự bùng nổ
ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang lại cơ hội, lợi ích lớn nhất cho ai? Trí tuệ
nhân tạo sẽ đưa đến những viễn cảnh gì?
Đó là những công xưởng rất đông lao động
cần mẫn, làm việc không biết mệt mỏi với những động tác, hành trình lặp đi
lặp lại, không ngừng tuôn chảy ra những sản phẩm giống nhau như đúc. Đó là
những công nhân vô tri, vô giác nhưng có kĩ năng con người không thể theo
kịp. Những công nhân “xương thịt” được loại khỏi vị trí việc làm.
Đó là những cánh đồng bạt ngàn xanh tốt
với vài cỗ máy cần mẫn đảm nhiệm mọi công đoạn từ làm đất, gieo hạt, chăm bón
cho tới khi đóng gói thành phẩm và chuyển tới siêu thị. Những nông dân chân đất
được ngồi nghỉ tại gia, nếu rảnh rỗi thì ngắm cảnh đồng quê thẳng tắp cánh cò
bay nhưng vắng bóng nông dân...
Ước mơ được giải phóng sức lao động từ
ngàn đời đang từng ngày hiện thực hóa khi trí tuệ con người làm được điều phi
thường là tạo được thứ thay thế chính trí tuệ con người.
Một công xưởng khi có đông những “công
nhân kim loại” cũng đồng nghĩa rất đông công nhân xương thịt mất việc làm.
Đồng lương lẽ ra được trả cho công nhân thì nay người máy sẽ nộp trọn vẹn cho
ông chủ vì chúng không có nhu cầu sử dụng tiền bạc.
Một cánh đồng chỉ có mấy cỗ máy nông
nghiệp hoạt động của vài ông chủ, máy móc chỉ “ăn uống” nhiên liệu, cũng
không có nhu cầu trả lương.
Chung quy lại, trí tuệ nhân tạo với hệ
thống sản xuất tự động hóa cao độ sẽ mang lại tỉ lệ lợi nhuận cực cao cho
những ông chủ có nguồn tài chính tiềm tàng trong tay.
Đây là lúc chính sách, thể chế cần có sự
điều chỉnh, can thiệp nhằm bảo đảm công bằng xã hội trong nền kinh tế thị
trường định hướng XHCN.
Công cụ thiết thực, hữu hiệu trước tiên
có thể kể đến là chính sách thuế với việc ứng dụng công nghệ thông minh thay
thế con người. Kế đến là sự quản lí kĩ thuật, khấu hao “sức lao động” với đội
ngũ “công nhân kim loại”, thời hạn khai thác “sức lao động” hưởng lợi nhuận
của ông chủ với đội ngũ này.
Từ nguồn điều chỉnh lợi nhuận bằng thuế, quản
lí đầu tư kinh doanh, Nhà nước tái đầu tư cho những người “bị loại khỏi” dây
chuyền sản xuất có cơ hội việc làm ở lĩnh vực khác.
Nguồn lợi nhuận lớn ngày càng tăng của
chủ tư bản cũng cần được điều chỉnh sang chi cho các chính sách xã hội
khác như trợ cấp thất nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, xây dựng các
công trình xã hội công ích...
Chính sách phải theo kịp sự phát triển
của nền sản xuất thông minh thì mới không bị hiện thực hóa viễn cảnh rất
nhiều người bị bỏ lại phía sau!
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và
Báo điện tử Ngày mới online ngày 20 tháng 12 năm 2018
|
Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018
Chuyện từ chức
Khi nhắc tới nhà giáo Chu Văn
An, ai cũng ngưỡng mộ vì ông là một bậc hiền nho, một tấm gương tiết tháo,
suốt đời không màng danh lợi. Nhận thấy tài năng và đức độ của ông, vua Trần
Minh Tông (1314-1329) đã mời Chu Văn An ra làm Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám,
dạy học cho thái tử.
Đến đời Dụ Tông nhà Trần suy vong, vua quan ăn chơi
sa đoạ, bọn gian thần thả sức tham nhũng, đục khoét dân nghèo. Xót xa trước
vận mệnh đất nước có nguy cơ suy sụp bởi lũ tham quan ô lại, Chu Văn An nhiều
lần can ngăn và dâng sớ chém 7 tên nịnh thần nhưng đều không được vua chấp
nhận. Ông đành cáo quan về dạy học, viết sách mong giúp ích cho đời hơn là
sống giữa nơi “hỗn quân, hỗn quan”. Đây là một tấm gương từ chức điển hình,
để lại sự cảm phục trong lòng Nhân dân.
Nhà giáo Chu Văn An
Cách đây 14 năm Công ty Tiếp thị đầu tư thương mại
thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Lã Thị Kim Oanh làm giám đốc
để xảy ra vi phạm làm thất thoát hàng trăm tỉ đồng của nhà nước. Là người
lãnh đạo đứng đầu ngành với cương vị Bộ trưởng, ông Lê Huy Ngọ đã nộp đơn xin
từ chức với lí do nhận trách nhiệm là buông lỏng quản lí dẫn đến sai phạm.
Việc xin từ chức của ông đã gây chấn động dư luận một thời gian, bởi đây là
vị bộ trưởng đầu tiên dám từ bỏ chức vụ do những sai phạm trong ngành mình quản
lí. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối, bởi ông được đánh giá là người gần dân, năng
nổ, tận tụy với công việc, có nhiều đóng góp cho nông dân, nông thôn. Song
cũng có ý kiến ủng hộ với lí giải rằng một nhà lãnh đạo bản lĩnh, nhân cách,
ý thức trách nhiệm cao, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ xin từ chức là một việc làm đúng
đắn, hợp đạo lí và sẽ là tấm gương cho các lãnh đạo khác.
Thầy Chu Văn An từ nhiệm không phải vì trách nhiệm
trước thực trạng đất nước. Ông chỉ bất lực vì với cương vị của mình đã không
còn có ích với dân với nước nên lui khỏi chốn quan trường, mang trí tuệ, sức
lực ươm trồng mầm non cho tương lai. Còn Bộ trưởng Lê Huy Ngọ với cương vị
người đứng đầu ông cảm thấy mình có trách nhiệm trước sai phạm của doanh
nghiệp thuộc bộ dù ông không phải là cấp trên quản lí trực tiếp. Người có
liêm sỉ, nhân cách luôn tự nhìn rõ gánh nặng trách nhiệm của mình trước Nhân
dân chứ không để người khác đưa ra ý kiến.
Ông Lê Huy Ngọ
Nhìn sang xứ người cũng không thiếu những tấm gương
đáng học. Đầu tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Kim Byong-joon đã
quyết định đệ đơn từ chức với lí do là cảm thấy phải chịu trách nhiệm đối với
những nghi ngờ về tin đồn ông đạo văn trong báo cáo tốt nghiệp từ quá khứ.
Ông bị nghi ngờ đã tự nhận về mình một đoạn trong luận án tiến sĩ năm 1987
của học trò, khi đang làm giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Kookmin
(Seoul).
Từ chuyện xứ người nhìn lại nước ta, thật buồn khi
không ít lãnh đạo đương quyền quản lí yếu kém để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm
trọng của cấp dưới, thất thoát lớn tài sản nhà nước, mất uy tín trước Nhân
dân. Một số lãnh đạo địa phương, bộ, ngành để xảy ra vi phạm nghiêm trọng
trong lĩnh vực thuộc quyền gây bức xúc dư luận. Vậy mà, chưa thấy ai dũng cảm
đứng lên nhận trách nhiệm. Cách hành xử hầu hết là người ta bao biện hoặc lặng
im như không nghe, không thấy, thậm chí “ngồi trên dư luận”. Dần dà những
chuyện đó cũng đi vào “hư vô”.
Văn hóa từ chức là một trong những biểu hiện sinh
động, cụ thể của nền chính trị văn minh dựa trên phẩm giá, lòng tự trọng và
bản lĩnh của những nhà lãnh đạo thực sự có tâm huyết và dũng khí. Trái với nó
là sự tham quyền cố vị, vô liêm sỉ, sẵn sàng giữ địa vị bằng mọi giá, chà đạp
lên dư luận xã hội để duy trì quyền lực của mình.
Thực tiễn cho thấy, chỉ khi người ta có liêm sỉ,
còn nhân cách mới có thể dũng cảm từ bỏ quyền lực - thứ mà từ đó có thể mang
đến nhiều quyền lợi cá nhân. Người lãnh đạo khi không lấy quyền lợi của người
dân làm trọng sẽ khó giữ được sự liêm sỉ và nhân cách, lại càng khó có chuyện
từ chức!
Đinh
Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi số cuối tháng12 năm 2018
|
Tự
vệ và tình thương
Trong thế giới động vật, một số loài khi
gặp nguy hiểm thường xù lông lên để đe dọa kẻ địch để tự vệ. Đặc biệt con nhím
thậm chí còn có thể phóng lông nhọn để tấn công đối thủ.
Con người với bản năng gốc động vật đôi
khi cũng thể hiện phản ứng tự vệ tựa cách xù lông để phòng ngự.
Chẳng hạn khi bị người khác phê phán điều
gì đó dù chưa bình tâm suy xét đúng sai nhiều người lập tức “cãi bay cãi
biến”, “mắt trừng mày trợn”. Một số lãnh đạo khi bị báo chí, mạng xã hội tung
lên khuyết điểm, sai sót của cơ quan, đơn vị mình, thay vì tự nhìn nhận, xem
xét đúng sai lại kiên quyết truy tìm thủ phạm đưa tin để “xử lí”!
Vụ việc một cô giáo kỉ luật tát học sinh
những tưởng đúng sai như 2 nhân 5 bằng mười, vậy mà chưa hẳn đã xong! Phản
ứng bằng biện pháp dùng “điều tra xã hội học” để kết luận đúng sai cũng là sự
vớt vát mong biện minh hoặc giảm nhẹ sai phạm. Hệ quả của việc này tiếp tục
đẩy học trò vào sự lựa chọn giữa trung thực và dối trá. Nếu trả lời có lợi
cho cô thì buộc phải dối trá. Nếu trung thực thì biết đâu sẽ có kết cục không
mong muốn? Như vậy chẳng khác bồi thêm một “cái tát” cho các em học sinh mà
mục đích cuối cùng có thể chỉ là thể diện của ai đó và thành tích nhà trường.
Không ít giáo viên đang cần mẫn "cõng chữ" lên vùng cao
Nhiều người có thể còn nhớ câu chuyện đầy
cảm động về những giáo viên ở vùng núi Mường Lát (Thanh Hóa) gian nan mang
con chữ đến cho những em nhỏ nơi đây được VTV phát sóng dịp 20/11 vừa qua.
Các thầy cô vất vả trèo đèo lội suối như thể đi “thu gom” từng học sinh, vận
động gia đình, thuyết phục dỗ dành từng em đến trường. Nếu không có tâm huyết,
hết lòng vì học sinh thì khó trụ nổi ở môi trường làm việc như thế. Ở nơi đó
chắc chẳng có những chiếc phong bì, những bông hoa mừng thầy cô nhân ngày nhà
giáo. Họ cũng chẳng thể tìm được lợi lộc từ việc học thêm, dạy thêm, dù việc
đó vẫn đang diễn ra nhưng là hoàn toàn miễn phí…
Câu chuyện những thầy cô quả cảm ở Mường
Lát khiến tôi nhớ lại truyện “Người thầy đầu tiên” của nhà văn người
Kyrgyzstan Chingiz Aitmatov. Với vốn kiến thức ít ỏi, một đoàn viên Cômxômôn
đầy tình thương và khát vọng cống hiến, thầy giáo trẻ ấy đã gieo mầm và xây
nền tảng cho tài năng tương lai vươn lên từ vùng núi đồi hẻo lánh, lạc hậu
Trung Á những năm đầu cách mạng Tháng Mười Nga... Tình thương yêu của người
thầy chứ không phải bằng cấp, trình độ mới ươm trồng được những tài năng.
Với thực tiễn ở Mường Lát và nhiều vùng
sâu, vùng cao khác của nước ta cũng đang có rất nhiều những “Người thầy đầu
tiên” đáng khâm phục. Họ cần mẫn theo nghề cao quý với tâm niệm “tất cả vì
học sinh thân yêu”. Và những hành động hi sinh quả cảm của họ đã chứng minh
cho điều tâm niệm đó. Tiếc rằng một số gương “vẩn đục” trong đội ngũ đang làm
lu mờ đi bao nét đẹp trân quý của những người thầy.
Khi người ta luôn sẵn sàng làm mọi cách
bảo vệ cái tôi ích kỉ thì sao có thể hết lòng vì học sinh thân yêu?./.
Đinh Hoàng
Bài đăng
Báo Người cao tuổi
và Báo điện
tử Ngày mới online ngày 19 tháng 12 năm 2018
|
Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018
Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018
Làm giàu quá dễ!
Có một dạo nhiều nhóm bán
rong hàng tạp hóa như dầu gội, mĩ phẩm kèm khuyến mãi trúng thưởng đổ về các
vùng quê để bán hàng. Hàng bán được quảng cáo “chỉ cần mua, bóc tem ra là
chắc chắn trúng thưởng”. Thực ra món quà thưởng cùng loại hàng đó có giá bèo
bọt nhưng được bán cao hơn hàng cùng loại trên thị trường rất nhiều, do thiếu
thông tin nên người dân bị lừa. Không hiểu vì sao chẳng có ai đặt ra câu hỏi
với kẻ bán hàng “cái lợi dễ thế sao họ còn phải vất vả mang đến cho người
khác?”.
Một lớp học làm giàu với nhiều người trẻ tham gia
Hiện nay, tại một số thành
phố đang có những khóa học làm giàu siêu tốc. Người học chỉ cần theo học mấy
khóa là có thể làm giàu nhanh chóng, sẽ trở thành tỉ phú. Dĩ nhiên học được
“bí quyết” làm giàu nhanh chóng thì học phí cũng phải xứng tầm!
Với những bài diễn thuyết cực
hay lôi cuốn học viên chẳng khác nào thôi miên, đưa họ đến một viễn cảnh tiền
vào như nước, giàu có trong tầm tay. Các học viên đâu biết rằng trong lớp đó,
cùng đang ngồi nghe có không ít “chim mồi”. Số “chim mồi” này phối hợp với
giảng viên, kẻ tung người hứng, vỗ tay rào rào khích động để tạo không khí
hứng khởi. Sau khi được nghe thuyết trình và giới thiệu về một số “gói lệ phí
làm giàu”, số “chim mồi” lại nhanh chóng chạy đến bàn thu ngân đóng học phí
như thể sắp hết phần đến nơi! Và, để có thể kiếm hàng tỉ đồng mỗi năm thì học
phí vài chục triệu đồng chỉ là chuyện “nhỏ như con thỏ”!
Trong lớp học làm giàu luôn có những "chim mồi"
Thế rồi bước vào “gói làm
giàu” thứ nhất (khi đã đóng học phí), học viên được thuyết trình về một quy
trình đầu tư cụ thể. Quy trình này cũng cần có một số vốn, muốn lợi nhuận lớn
thì vốn góp càng phải cao. Ai muốn làm giàu càng nhanh thì cần góp vốn càng nhiều.
Có thể đến lúc này một vài người thấp thoáng nhận thấy hình như nó na ná mô
hình huy động vốn đa cấp. Đến đây nếu ngần ngại, thôi không theo tiếp thì
đành chấp nhận mất số học phí đã đóng cả chục triệu đồng.
Mỗi buổi “lên lớp” như vậy đã
có hàng chục người móc hầu bao mua “gói học phí” tiền triệu, người mở lớp
mang về hàng trăm triệu đồng!
Ước mong
thành công và giàu có không có gì sai, không ai phê phán ước mơ đó. Thực tiễn
cuộc sống chẳng có công thức làm giàu cụ thể nào ngoài việc cần nỗ lực tích lũy
trí tuệ, kinh nghiệm và lao động hết mình. Cái gọi là “lớp học làm giàu” chỉ
là những cái bẫy tâm lí đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết, không tỉnh
táo của con người.
Mở lớp học làm giàu là cách làm giàu của kẻ mở lớp.
Cũng như câu
chuyện bán hàng rong kèm theo giải thưởng chắc chắn sẽ có kể trên, chẳng học
viên nào trong các lớp học làm giàu trên hỏi các “thầy”: Làm giàu dễ thế sao
“thầy” còn vất vả đi giảng dạy để kiếm “học phí”?
Rồi nhiều
người chắc cũng nhận ra, lớp học làm giàu kể trên chỉ là cách làm giàu siêu
tốc của chính người mở lớp!
Nếu muốn làm
giàu siêu tốc dễ nhất, chỉ có cách là học theo phương pháp của những kẻ mở
lớp: Đi lừa người khác, chấp nhận mình trở thành một kẻ phạm tội!./.
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và
Báo điện tử Ngày mới online ngày 12 tháng 12 năm 2018
|
Thứ Năm, 6 tháng 12, 2018
Đất
sống của “lươn, chạch”
Có một câu chuyện thật được kể từ cách
đây hơn chục năm về một cuộc bầu cử cấp ủy chi bộ nọ khi “quân xanh” thắng cử
một cách ngoạn mục.
Chuyện “quân xanh” thành “quân đỏ” từng
diễn ra nhiều tại các cuộc bầu cử. Việc bố trí quân xanh thực ra là biểu hiện
của tệ dân chủ hình thức nhưng người ta lại dễ dàng chấp nhận. Tuy nhiên,
chuyện quân xanh thắng cử ở đây theo cách chẳng ai lường được.
Chuyện rằng đảng viên nọ vốn năng lực
yếu, luôn cơ hội nên tín nhiệm thấp. Kì đại hội của chi bộ năm ấy anh này đã được
đưa vào danh sách bầu cử mới dụng ý làm “quân xanh”. Không biết người đề cử “quân
xanh” này có được “lobby” trước hay không nhưng tập thể cấp ủy cũng dễ dàng
đồng thuận với suy nghĩ: Làm sao mà “hắn” có thể trúng cử được và cũng là để
“phiếu bầu được tập trung”!
Được vào danh sách bầu cử cấp ủy, trước
kì đại hội ít ngày vợ chồng anh “quân xanh” trên đã “lặn lội” đến nhà riêng
của từng “cử tri” cùng một túi quà nho nhỏ. Gặp người nào cũng một bài: “Mong
anh, chị bầu cho em một phiếu vì em biết ngoài chính em ra sẽ chẳng có ai bầu
đâu, thế thì mất mặt với người thân, họ hàng lắm. Em lại là chi trưởng trong
họ, chỉ mong được vài phiếu an ủi để khoe với họ hàng”.
Tất nhiên ai cũng nghĩ “chắc ngoài phiếu
của mình, chẳng có “ma” nào bầu cho hắn” và… chậc lưỡi!
Thế rồi tất cả cùng “ngã ngửa” sau khi
kiểm phiếu. Kì đại hội đó anh này đạt số phiếu cao đến gần 100% và đứng đầu
trong số nhân sự bầu cử! Và, cũng chẳng ai biết rằng anh ta còn có một “cái
ô” ở trên cao. Từ kết quả tín nhiệm đó anh ta đã nhảy lên vị trí lãnh đạo cao
nhất của chi bộ rồi tiếp tục lên cao như diều gặp gió!...
Chuyện cơ hội, luồn lách hiện nay chính
là một căn bệnh đang góp phần làm suy yếu các tổ chức, thể chế bộ máy Đảng và
chính quyền. Đôi khi người ta coi thường tác hại của chúng, thường dễ bỏ qua
hoặc chấp nhận và đến khi nhận ra hậu quả thì đã muộn.
Mới đây chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xây
dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Dứt khoát không đưa vào Quy hoạch
những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây
rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”.
Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta ví
những kẻ cơ hội chính trị như những “con lươn, con chạch” không phải ngẫu
nhiên, bởi thực tế đã không ít “lươn chạch” đã chui vào đội ngũ. Họ vào bằng
nhiều cách song chui vào một cách “mềm mại” là thường kết hợp giữa tiền tệ và
quan hệ. Quốc nạn tham nhũng cũng chính là từ lũ “lươn, chạch”.
Lòng tham, sự chủ quan xen chút thương
hại luôn là mảnh đất bùn lầy để “lươn chạch” có đất sống!
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và
Báo điện tử Ngày mới online ngày 06 tháng 12 năm 2018
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)