Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

Chuyện từ chức

Khi nhắc tới nhà giáo Chu Văn An, ai cũng ngưỡng mộ vì ông là một bậc hiền nho, một tấm gương tiết tháo, suốt đời không màng danh lợi. Nhận thấy tài năng và đức độ của ông, vua Trần Minh Tông (1314-1329) đã mời Chu Văn An ra làm Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, dạy học cho thái tử.
Đến đời Dụ Tông nhà Trần suy vong, vua quan ăn chơi sa đoạ, bọn gian thần thả sức tham nhũng, đục khoét dân nghèo. Xót xa trước vận mệnh đất nước có nguy cơ suy sụp bởi lũ tham quan ô lại, Chu Văn An nhiều lần can ngăn và dâng sớ chém 7 tên nịnh thần nhưng đều không được vua chấp nhận. Ông đành cáo quan về dạy học, viết sách mong giúp ích cho đời hơn là sống giữa nơi “hỗn quân, hỗn quan”. Đây là một tấm gương từ chức điển hình, để lại sự cảm phục trong lòng Nhân dân.

Nhà giáo Chu Văn An

Cách đây 14 năm Công ty Tiếp thị đầu tư thương mại thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Lã Thị Kim Oanh làm giám đốc để xảy ra vi phạm làm thất thoát hàng trăm tỉ đồng của nhà nước. Là người lãnh đạo đứng đầu ngành với cương vị Bộ trưởng, ông Lê Huy Ngọ đã nộp đơn xin từ chức với lí do nhận trách nhiệm là buông lỏng quản lí dẫn đến sai phạm. Việc xin từ chức của ông đã gây chấn động dư luận một thời gian, bởi đây là vị bộ trưởng đầu tiên dám từ bỏ chức vụ do những sai phạm trong ngành mình quản lí. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối, bởi ông được đánh giá là người gần dân, năng nổ, tận tụy với công việc, có nhiều đóng góp cho nông dân, nông thôn. Song cũng có ý kiến ủng hộ với lí giải rằng một nhà lãnh đạo bản lĩnh, nhân cách, ý thức trách nhiệm cao, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ xin từ chức là một việc làm đúng đắn, hợp đạo lí và sẽ là tấm gương cho các lãnh đạo khác.
Thầy Chu Văn An từ nhiệm không phải vì trách nhiệm trước thực trạng đất nước. Ông chỉ bất lực vì với cương vị của mình đã không còn có ích với dân với nước nên lui khỏi chốn quan trường, mang trí tuệ, sức lực ươm trồng mầm non cho tương lai. Còn Bộ trưởng Lê Huy Ngọ với cương vị người đứng đầu ông cảm thấy mình có trách nhiệm trước sai phạm của doanh nghiệp thuộc bộ dù ông không phải là cấp trên quản lí trực tiếp. Người có liêm sỉ, nhân cách luôn tự nhìn rõ gánh nặng trách nhiệm của mình trước Nhân dân chứ không để người khác đưa ra ý kiến.

Ông Lê Huy Ngọ

Nhìn sang xứ người cũng không thiếu những tấm gương đáng học. Đầu tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Kim Byong-joon đã quyết định đệ đơn từ chức với lí do là cảm thấy phải chịu trách nhiệm đối với những nghi ngờ về tin đồn ông đạo văn trong báo cáo tốt nghiệp từ quá khứ. Ông bị nghi ngờ đã tự nhận về mình một đoạn trong luận án tiến sĩ năm 1987 của học trò, khi đang làm giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Kookmin (Seoul).
Từ chuyện xứ người nhìn lại nước ta, thật buồn khi không ít lãnh đạo đương quyền quản lí yếu kém để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng của cấp dưới, thất thoát lớn tài sản nhà nước, mất uy tín trước Nhân dân. Một số lãnh đạo địa phương, bộ, ngành để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực thuộc quyền gây bức xúc dư luận. Vậy mà, chưa thấy ai dũng cảm đứng lên nhận trách nhiệm. Cách hành xử hầu hết là người ta bao biện hoặc lặng im như không nghe, không thấy, thậm chí “ngồi trên dư luận”. Dần dà những chuyện đó cũng đi vào “hư vô”.
Văn hóa từ chức là một trong những biểu hiện sinh động, cụ thể của nền chính trị văn minh dựa trên phẩm giá, lòng tự trọng và bản lĩnh của những nhà lãnh đạo thực sự có tâm huyết và dũng khí. Trái với nó là sự tham quyền cố vị, vô liêm sỉ, sẵn sàng giữ địa vị bằng mọi giá, chà đạp lên dư luận xã hội để duy trì quyền lực của mình.
Thực tiễn cho thấy, chỉ khi người ta có liêm sỉ, còn nhân cách mới có thể dũng cảm từ bỏ quyền lực - thứ mà từ đó có thể mang đến nhiều quyền lợi cá nhân. Người lãnh đạo khi không lấy quyền lợi của người dân làm trọng sẽ khó giữ được sự liêm sỉ và nhân cách, lại càng khó có chuyện từ chức!
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi số cuối tháng12 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét