Thứ Tư, 19 tháng 12, 2018

  Tự vệ và tình thương

Trong thế giới động vật, một số loài khi gặp nguy hiểm thường xù lông lên để đe dọa kẻ địch để tự vệ. Đặc biệt con nhím thậm chí còn có thể phóng lông nhọn để tấn công đối thủ.
Con người với bản năng gốc động vật đôi khi cũng thể hiện phản ứng tự vệ tựa cách xù lông để phòng ngự.


Chẳng hạn khi bị người khác phê phán điều gì đó dù chưa bình tâm suy xét đúng sai nhiều người lập tức “cãi bay cãi biến”, “mắt trừng mày trợn”. Một số lãnh đạo khi bị báo chí, mạng xã hội tung lên khuyết điểm, sai sót của cơ quan, đơn vị mình, thay vì tự nhìn nhận, xem xét đúng sai lại kiên quyết truy tìm thủ phạm đưa tin để “xử lí”!
Vụ việc một cô giáo kỉ luật tát học sinh những tưởng đúng sai như 2 nhân 5 bằng mười, vậy mà chưa hẳn đã xong! Phản ứng bằng biện pháp dùng “điều tra xã hội học” để kết luận đúng sai cũng là sự vớt vát mong biện minh hoặc giảm nhẹ sai phạm. Hệ quả của việc này tiếp tục đẩy học trò vào sự lựa chọn giữa trung thực và dối trá. Nếu trả lời có lợi cho cô thì buộc phải dối trá. Nếu trung thực thì biết đâu sẽ có kết cục không mong muốn? Như vậy chẳng khác bồi thêm một “cái tát” cho các em học sinh mà mục đích cuối cùng có thể chỉ là thể diện của ai đó và thành tích nhà trường.

Không ít giáo viên đang cần mẫn "cõng chữ" lên vùng cao

Nhiều người có thể còn nhớ câu chuyện đầy cảm động về những giáo viên ở vùng núi Mường Lát (Thanh Hóa) gian nan mang con chữ đến cho những em nhỏ nơi đây được VTV phát sóng dịp 20/11 vừa qua. Các thầy cô vất vả trèo đèo lội suối như thể đi “thu gom” từng học sinh, vận động gia đình, thuyết phục dỗ dành từng em đến trường. Nếu không có tâm huyết, hết lòng vì học sinh thì khó trụ nổi ở môi trường làm việc như thế. Ở nơi đó chắc chẳng có những chiếc phong bì, những bông hoa mừng thầy cô nhân ngày nhà giáo. Họ cũng chẳng thể tìm được lợi lộc từ việc học thêm, dạy thêm, dù việc đó vẫn đang diễn ra nhưng là hoàn toàn miễn phí…


Câu chuyện những thầy cô quả cảm ở Mường Lát khiến tôi nhớ lại truyện “Người thầy đầu tiên” của nhà văn người Kyrgyzstan Chingiz Aitmatov. Với vốn kiến thức ít ỏi, một đoàn viên Cômxômôn đầy tình thương và khát vọng cống hiến, thầy giáo trẻ ấy đã gieo mầm và xây nền tảng cho tài năng tương lai vươn lên từ vùng núi đồi hẻo lánh, lạc hậu Trung Á những năm đầu cách mạng Tháng Mười Nga... Tình thương yêu của người thầy chứ không phải bằng cấp, trình độ mới ươm trồng được những tài năng.
Với thực tiễn ở Mường Lát và nhiều vùng sâu, vùng cao khác của nước ta cũng đang có rất nhiều những “Người thầy đầu tiên” đáng khâm phục. Họ cần mẫn theo nghề cao quý với tâm niệm “tất cả vì học sinh thân yêu”. Và những hành động hi sinh quả cảm của họ đã chứng minh cho điều tâm niệm đó. Tiếc rằng một số gương “vẩn đục” trong đội ngũ đang làm lu mờ đi bao nét đẹp trân quý của những người thầy.
Khi người ta luôn sẵn sàng làm mọi cách bảo vệ cái tôi ích kỉ thì sao có thể hết lòng vì học sinh thân yêu?./.
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 19 tháng 12 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét