Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018

Nền kinh tế thông minh và sự công bằng

Ngày ngày mọi người được nghe nói về trí tuệ nhân tạo, về cách mạng công nghiệp 4.0... với những hào hứng, tràn trề hi vọng tương lai.
Thế nhưng ít người thử nghĩ, sự bùng nổ ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang lại cơ hội, lợi ích lớn nhất cho ai? Trí tuệ nhân tạo sẽ đưa đến những viễn cảnh gì?

Đó là những công xưởng rất đông lao động cần mẫn, làm việc không biết mệt mỏi với những động tác, hành trình lặp đi lặp lại, không ngừng tuôn chảy ra những sản phẩm giống nhau như đúc. Đó là những công nhân vô tri, vô giác nhưng có kĩ năng con người không thể theo kịp. Những công nhân “xương thịt” được loại khỏi vị trí việc làm.


Đó là những cánh đồng bạt ngàn xanh tốt với vài cỗ máy cần mẫn đảm nhiệm mọi công đoạn từ làm đất, gieo hạt, chăm bón cho tới khi đóng gói thành phẩm và chuyển tới siêu thị. Những nông dân chân đất được ngồi nghỉ tại gia, nếu rảnh rỗi thì ngắm cảnh đồng quê thẳng tắp cánh cò bay nhưng vắng bóng nông dân...
Ước mơ được giải phóng sức lao động từ ngàn đời đang từng ngày hiện thực hóa khi trí tuệ con người làm được điều phi thường là tạo được thứ thay thế chính trí tuệ con người.


Một công xưởng khi có đông những “công nhân kim loại” cũng đồng nghĩa rất đông công nhân xương thịt mất việc làm. Đồng lương lẽ ra được trả cho công nhân thì nay người máy sẽ nộp trọn vẹn cho ông chủ vì chúng không có nhu cầu sử dụng tiền bạc.
Một cánh đồng chỉ có mấy cỗ máy nông nghiệp hoạt động của vài ông chủ, máy móc chỉ “ăn uống” nhiên liệu, cũng không có nhu cầu trả lương.


Chung quy lại, trí tuệ nhân tạo với hệ thống sản xuất tự động hóa cao độ sẽ mang lại tỉ lệ lợi nhuận cực cao cho những ông chủ có nguồn tài chính tiềm tàng trong tay.
Đây là lúc chính sách, thể chế cần có sự điều chỉnh, can thiệp nhằm bảo đảm công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Công cụ thiết thực, hữu hiệu trước tiên có thể kể đến là chính sách thuế với việc ứng dụng công nghệ thông minh thay thế con người. Kế đến là sự quản lí kĩ thuật, khấu hao “sức lao động” với đội ngũ “công nhân kim loại”, thời hạn khai thác “sức lao động” hưởng lợi nhuận của ông chủ với đội ngũ này.
Từ nguồn điều chỉnh lợi nhuận bằng thuế, quản lí đầu tư kinh doanh, Nhà nước tái đầu tư cho những người “bị loại khỏi” dây chuyền sản xuất có cơ hội việc làm ở lĩnh vực khác.
Nguồn lợi nhuận lớn ngày càng tăng của chủ tư bản cũng cần được điều chỉnh sang chi cho các chính sách xã hội khác như trợ cấp thất nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, xây dựng các công trình xã hội công ích...
Chính sách phải theo kịp sự phát triển của nền sản xuất thông minh thì mới không bị hiện thực hóa viễn cảnh rất nhiều người bị bỏ lại phía sau!
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 20 tháng 12 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét