Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

Ngăn rác thải nhựa từ đâu?

Vấn nạn rác thải nhựa đã bước sang giai đoạn báo động đỏ khi những con cá voi đầu tiên ngoài biển tử vong với chiếc dạ dày chứa đầy túi ni lông. Hay tại một vài vùng biển nước ta ngư dân thu những mẻ lưới mà rác ni lông còn nhiều hơn cá.

Sinh vt bin phi sng chung vi rác.

Đông Nam Á là khu vực có thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng nhất bởi nguồn thải từ một số nước, trong đó có Việt Nam. Khi “mọi con sông đều hướng về biển cả” thì rác thải từ vùng núi cao nhất rồi cũng về với biển.
Tại các thành phố hầu như gia đình nào mỗi ngày cũng “đóng góp” 5-10 chiếc túi ni lông cho những chiếc xe thu gom chất thải sinh hoạt. Nay người ta tay không ra chợ nhưng vẫn có thể xách về hàng lô túi ni lông đựng hàng. Một số bà nội trợ dù đã mang theo chiếc làn to đi chợ nhưng vẫn mang về nhiều túi ni lông. Trong chiếc làn đó, thịt một gói, xương một gói, cá, đậu, rau… mỗi thứ đều được người bán hàng gói riêng và “tặng” miễn phí túi đựng cho người mua. Thứ được các tiểu thương phóng tay “khuyến mại” khách chứng tỏ nó rất rẻ mạt, chẳng ảnh hưởng mấy tới tợi nhuận bán hàng.

Túi ni lông đang bị "phổ cập"

Còn tại các siêu thị cứ ngỡ lượng túi ni lông sẽ ít hơn, nhưng không hẳn vậy. Hầu hết các mặt hàng trong đó như mì tôm, phở khô, bánh kẹo, chai nước ngọt, dầu ăn đến gói rau, lạng thịt... tất thảy được đóng bằng túi ni lông hoặc vỏ nhựa. Một số mặt hàng ngoài là hộp giấy nhưng trong cũng có phụ kiện là nhựa. Mua từ vài mặt hàng trở lên là siêu thị tặng khách một túi ni lông có nhãn hiệu quảng cáo của họ để chứa những thứ đã mua.
Những doanh nghiệp sản xuất ra mặt hàng “siêu rẻ” ấy ở đâu, họ là ai? hình như chưa nhiều người đặt câu hỏi, kể cả cơ quan quản lí. Được biết giá hạt nhựa PE (nguyên liệu sản xuất mặt hàng nhựa, túi ni lông) chỉ chừng hơn 1.400USD/tấn, tức khoảng trên 30 triệu đồng. Với lượng hạt nhựa này, sản xuất ra một tấn túi ni lông chắc cũng chỉ chừng 40-50 triệu đồng. Với loại nhựa tái chế có lẽ giá còn rẻ hơn nhiều. Một tấn hạt nhựa đó cho ra lò bao nhiêu chiếc túi ni lông mỏng tang như tờ giấy?

Nhiều vùng biển đang bị rác thải đe dọa.

Việc ngăn rác thải nhựa hiện đang được nhiều quốc gia nỗ lực thực hiện nhưng đó chỉ như khắc phục phần ngọn, khi rác đã phát tán ra môi trường. Lẽ ra việc cần làm và hiệu quả nhất là ngăn chặn từ “nguồn” sản xuất túi ni lông lại chưa có giải pháp thiết thực. Thuế bảo vệ môi trường chỉ tăng cao với mặt hàng xăng dầu trong khi nhiều sản phẩm khác gây ô nhiễm môi trường như đang ngoài tầm mắt nhà quản lí. Nếu mỗi chiếc túi ni lông mỏng có giá khiến người bán hàng chẳng muốn phát miễn phí thì người tiêu dùng cũng sẽ không dễ dàng bỏ tiền ra mua nó làm túi đựng chỉ một lần.
Vậy tại sao không đánh thuế cao trên mặt hàng có thành phần hạt nhựa bao gói và những chiếc túi ni lông?
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 21 tháng 02 năm 2019

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Thần phật luôn trong sáng

Người đi tu đến với cửa phật mong muốn giải thoát những bế tắc trong cuộc sống hiện tại bởi chốn thiền là nơi thanh tịnh, không dính mắc đam mê vật chất, tránh phiền não vây bủa. Còn dân gian đến chốn đình chùa ngoài thăm vãng cảnh đẹp, gột rửa muộn phiền còn mong học tìm tri thức, nhân cách làm người từ những tấm chân tu.

Đình, chùa, đền miếu vốn là chốn thâm nghiêm, thanh tịnh.

Với mong muốn đưa con người đến với thế giới đạo lí chân, thiện, mĩ, loại trừ tà ác, hầu hết các đạo giáo đều có giáo lí và hình tượng cao siêu nhằm định hướng, giáo dục nhân cách đức thiện của con người. 
Các vị thánh thần người dân tôn thờ đều là những hình tượng cao đẹp do chính niềm tin dân gian tạo dựng để răn dạy cho các thế hệ cháu con.
Chung quy, thần phật là những biểu tượng trong sáng, cao đẹp để con người hướng tới, là điểm tựa trong cõi tâm linh trước thách thức sinh tồn. 
Ngày nay, sự phát triển của cuộc sống vật chất đã dần lấn lướt các giá trị tinh thần mà cha ông nghìn đời truyền nối. Chốn cửa thiền, cõi đền đình linh thiêng dần trở thành nơi “buôn thần bán thánh” nhộn nhạo, xấu xí. Điểm qua một vài địa danh linh thiêng xưa sẽ thấy sự biến dạng đã đến hồi báo động.

Lượng hàng mã tương đương hàng tỷ đồng mỗi năm hóa ra tro ở điểm nóng đền Bà chúa Kho. Ảnh: Tiền phong

Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho (thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Tương truyền Bà có công tổ chức sản xuất, trông coi kho lương thực tại Núi Kho giúp triều đình đánh thắng giặc Tống trên tuyến phòng thủ sông Như Nguyệt. Bà đã "thác" trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng 1 năm Đinh Tỵ (1077). Một tấm gương công đức sáng ngời như thế nay bị người ta mang tiền, vàng mã đến “mua chuộc” để xin xỏ, vay mượn, mong Bà xuất kho công, ban phát tiền tài cho cá nhân. Nếu Bà Chúa khi còn sống có lòng tham thì sao có thể giúp triều đình coi giữ kho lương, được vua sắc phong, Nhân dân tôn thờ?  

Hàng nghìn người nghẹt thở dâng sao, giải hạn ở chùa Phúc Khánh. Ảnh baophapluat.vn 

Chùa Phúc Khánh (Hà Nội) được dựng vào thời Hậu Lê, là cơ sở đào tạo tăng tài cho Phật giáo. Chùa nằm trong khu vực diễn ra trận Đống Đa năm 1789 nên bị đổ nát, được một nhà sư xây dựng lại thời Tây Sơn. Chùa là một phần trong sự tích vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Do chỉ là chùa làng nên trước đây rất vắng vẻ, kể cả những ngày lễ lớn. Chùa chỉ thực sự đông người tìm tới cầu an, giải hạn khoảng hơn chục năm lại đây. Vài năm qua thì cả khu vực quanh chùa đã trở nên quá tải lúc cao điểm bởi hoạt động mê tín. Không biết từ khi nào một ngôi chùa vốn là nơi đào tạo tâm đức tăng ni đã trở thành một “trung tâm dâng sao giải hạn” có thu phí!?

Hối lộ là phỉ báng thần linh.

Một nhà nghiên cứu đã phải thốt lên: “Đi khắp thế giới không thấy nơi nào có tập tục đi lễ chùa, cầu cạnh thần phật dung tục, trần trụi như ở Việt Nam”. Mục đích đi lễ chùa, cúng đền của nhiều người hầu hết là cầu cạnh, bán mua vụ lợi trước thần linh.
Một công bộc thanh liêm, sự hối lộ với họ là điều sỉ nhục. Với thần linh - những đấng cao siêu trong sáng thì sự bán mua là sự phỉ báng! Làm sao thần linh có thể phù trì những cái tâm tham, tục?
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 19 tháng 02 năm 2019

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2019

Vía… “Nhà vàng”

Theo một câu chuyện truyền thuyết từ xưa, Thần Tài là vị thần sống trên trời, trong một lần xuống dưới hạ giới do uống rượu say, đầu va vào đá nên không nhớ mình là ai.

Lưu lạc dưới nhân gian, quần áo Thần Tài mặc trên người bị người dân đem đi bán. May thay, khi Thần Tài đi lang thang ăn xin thì được một chủ cửa hàng bán gà, vịt mời ăn, bỗng từ đó cửa hàng này đông nghịt khách hàng. Được một thời gian, người bán hàng thấy Thần Tài chẳng làm gì mà suốt ngày được ăn uống ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, người bốc mùi khó ngửi. Nghĩ Thần Tài sẽ làm khách sợ không dám đến ăn và tốn phí đồ ăn nên người bán hàng đã đuổi đi. Quán đối diện thấy vậy liền mời Thần Tài vào ăn, kì lạ thay, khách hàng lại kéo hết sang quán này và gia chủ làm ăn phát đạt.
Chen chúc để được... mua vàng giá cao!
Người dân thấy Thần Tài không có quần áo mặc nên dẫn đi mua. May mắn sao Thần Tài tìm lại được đúng quần áo của mình. Sau khi mặc quần áo, đội mũ nón, thì Thần Tài nhớ lại mọi chuyện và bay về trời. Mọi người coi Thần Tài như là báu vật và tôn thờ từ đó.
             Hình ảnh quen thuộc trước những ngày vía Thần Tài ở Hà Nội.
Qua câu chuyện trên thì thấy thần tài chẳng liên quan gì đến việc mua bán vàng bạc cầu may. Thứ cần mua cho Thần Tài phải là quần áo, thức ăn chứ sao lại là vàng? Và việc thờ, cầu may lẽ ra phải là của những người buôn bán gà vịt chứ không phải người mua bán vàng. Thế nhưng những năm gần đây, cứ vào ngày vía Thần Tài, không chỉ dân kinh doanh mà cả giới văn phòng, người lao động... cũng chen chân xếp hàng dài chờ cả tiếng đồng hồ để mua vàng với hi vọng cầu may mắn, cuộc sống sung túc, công việc làm ăn sẽ phát tài.
Phải chăng chuyện mua vàng ngày vía Thần Tài đã được giới kinh doanh vàng bạc tận dụng quảng cáo cùng sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội? Vào dịp này lượng mua bán vàng thường tăng vọt và đang theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Không rõ người mua vàng có ai được may mắn trong năm hay không nhưng có điều chắc chắn là giá vàng dịp này thường bị đẩy lên khá cao và chỉ sau vài ngày người mua đã bị lỗ do giá trở lại mức bình thường. Người được hưởng “vía” chính là các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc...
Có lẽ sau một số năm giá vàng được giữ ổn định, không lên những cơn “sốt nóng” như những năm trước đó, việc kinh doanh èo uột khiến các “Nhà vàng” đã phải tự tạo cho mình một cái “vía” để khuấy động thị trường.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc nên “biết ơn” những người đã tin vào ngày vía… “Nhà vàng”!./.
  Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 14 tháng 02 năm 2019

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

Quan tâm lớp người “chung thủy báo giấy”

Ông bạn hàng xóm của tôi có thói quen từ hồi trẻ cho tới bây giờ, sáng nào cũng ra phố ăn sáng rồi mua một vài tờ báo về đọc. Biết tôi thường mang tờ Người cao tuổi về nhà, thi thoảng ông sang mượn cả tập báo phát hành trong tuần về đọc. Dù nhà có mạng và máy tính nhưng ông thuộc tuýp người chung thủy với tờ báo giấy. Ông cho rằng, đọc báo giấy có cái thú vị riêng, ngồi thư thả, chậm rãi chiêm nghiệm những vấn đề thời sự, văn hóa văn nghệ... Gặp được bài sâu sắc, tâm đắc hoặc những tư liệu cho là quý, nhất là bài thuốc dân gian, chăm sóc sức khỏe ông cắt ra, lưu giữ rất cẩn thận.

CLB đọc báo của Chi hội Người cao tuổi thôn 1 xã Tân Đức, (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận)

Trong “cơn lốc” phát triển báo điện tử và các mạng xã hội trên Internet, làng báo giấy toàn cầu đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Có lẽ tòa báo nào cũng chịu xu hướng sụt giảm số lượng phát hành. Đã vậy, năm qua giá giấy in lại tiên tục tăng lên như những “cú đánh bồi” vào nỗ lực duy trì số lượng phát hành và giữ giá bán báo. Tuy số lượng phát hành giảm nhưng những độc giả cao tuổi vẫn rất thiết tha với tờ Người cao tuổi dù chịu “sức ép” giá báo tăng. 

CLB đọc báo Tổ 3, phường Hương Sơn, (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên)

Có lẽ trong số những tờ báo tự hạch toán thu chi, không có nguồn trợ cấp nào thì Báo Người cao tuổi là một trong số ít tờ vẫn giữ được lượng phát hành khá cao. Nguyên nhân trước hết bởi Báo Người cao tuổi luôn giữ vững “phong thái” vốn có của mình, đó là sự chỉn chu, nghiêm túc, chất lượng và đáp ứng đúng nhu cầu của đối tượng độc giả cao tuổi. Lớp người cao tuổi (NCT) hầu hết đã định hình văn hóa đọc, khá gắn bó với tờ báo giấy, mặt khác nhiều người còn khó khăn trong sử dụng thiết bị công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, điều kiện tại nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, rừng núi… việc tiếp cận mạng Internet chưa thuận tiện nên tờ báo giấy vẫn là sản phẩm thiết thực, hiệu quả nhất với NCT. Như để tri ân những độc giả chung thủy, Báo Người cao tuổi đã nỗ lực “hãm” đà tăng giá báo, dù giá giấy tăng “phi mã” trong năm qua.
Tôi có anh bạn ở Hà Nội, bố mẹ già sống với người anh cả ở quê, hầu như tháng nào về thăm các cụ anh cũng mua hộp sữa ngoại, bánh kẹo làm quà. Anh kể một lần mua về hộp sữa ngoại đắt tiền, ông bố cầm ngắm đăm chiêu rồi hỏi: “Hộp sữa này giá bao nhiêu tiền”? Tưởng ông lo tốn kém anh nói luôn: “Có gần triệu thôi mà bố”. Ông tiếp: “Thôi, tháng sau anh cứ mua loại sữa dăm bảy trăm cũng được. Bớt tiền đặt mua cho tôi tờ Báo Người cao tuổi để tôi đỡ phải đến nhà ông cán bộ Hội NCT đọc nhờ. Tôi thích những bài thuốc cổ truyền đăng tờ báo này”!

Với lớp người cao tuổi, nhu cầu đời sống tinh thần đôi khi còn quan trọng hơn vật chất.

Nhu cầu tiếp cận thông tin nói chung và mong muốn có “người bạn tinh thần” - tờ báo của Hội NCT là thực tiễn khách quan tại cơ sở, tuy nhiên không nhiều NCT có khả năng mua báo thường xuyên dù mỗi tháng tiền đặt mua chỉ hơn 80 nghìn đồng… Điều này đặt ra trách nhiệm, sự quan tâm thiết thực của tổ chức hội tại cơ sở cũng như thân nhân của NCT, bởi với lớp người “cây cao bóng cả” thì nhu cầu đời sống tinh thần đôi khi còn quan trọng hơn vật chất./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 13 tháng 2 năm 2019