Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

Ngăn rác thải nhựa từ đâu?

Vấn nạn rác thải nhựa đã bước sang giai đoạn báo động đỏ khi những con cá voi đầu tiên ngoài biển tử vong với chiếc dạ dày chứa đầy túi ni lông. Hay tại một vài vùng biển nước ta ngư dân thu những mẻ lưới mà rác ni lông còn nhiều hơn cá.

Sinh vt bin phi sng chung vi rác.

Đông Nam Á là khu vực có thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng nhất bởi nguồn thải từ một số nước, trong đó có Việt Nam. Khi “mọi con sông đều hướng về biển cả” thì rác thải từ vùng núi cao nhất rồi cũng về với biển.
Tại các thành phố hầu như gia đình nào mỗi ngày cũng “đóng góp” 5-10 chiếc túi ni lông cho những chiếc xe thu gom chất thải sinh hoạt. Nay người ta tay không ra chợ nhưng vẫn có thể xách về hàng lô túi ni lông đựng hàng. Một số bà nội trợ dù đã mang theo chiếc làn to đi chợ nhưng vẫn mang về nhiều túi ni lông. Trong chiếc làn đó, thịt một gói, xương một gói, cá, đậu, rau… mỗi thứ đều được người bán hàng gói riêng và “tặng” miễn phí túi đựng cho người mua. Thứ được các tiểu thương phóng tay “khuyến mại” khách chứng tỏ nó rất rẻ mạt, chẳng ảnh hưởng mấy tới tợi nhuận bán hàng.

Túi ni lông đang bị "phổ cập"

Còn tại các siêu thị cứ ngỡ lượng túi ni lông sẽ ít hơn, nhưng không hẳn vậy. Hầu hết các mặt hàng trong đó như mì tôm, phở khô, bánh kẹo, chai nước ngọt, dầu ăn đến gói rau, lạng thịt... tất thảy được đóng bằng túi ni lông hoặc vỏ nhựa. Một số mặt hàng ngoài là hộp giấy nhưng trong cũng có phụ kiện là nhựa. Mua từ vài mặt hàng trở lên là siêu thị tặng khách một túi ni lông có nhãn hiệu quảng cáo của họ để chứa những thứ đã mua.
Những doanh nghiệp sản xuất ra mặt hàng “siêu rẻ” ấy ở đâu, họ là ai? hình như chưa nhiều người đặt câu hỏi, kể cả cơ quan quản lí. Được biết giá hạt nhựa PE (nguyên liệu sản xuất mặt hàng nhựa, túi ni lông) chỉ chừng hơn 1.400USD/tấn, tức khoảng trên 30 triệu đồng. Với lượng hạt nhựa này, sản xuất ra một tấn túi ni lông chắc cũng chỉ chừng 40-50 triệu đồng. Với loại nhựa tái chế có lẽ giá còn rẻ hơn nhiều. Một tấn hạt nhựa đó cho ra lò bao nhiêu chiếc túi ni lông mỏng tang như tờ giấy?

Nhiều vùng biển đang bị rác thải đe dọa.

Việc ngăn rác thải nhựa hiện đang được nhiều quốc gia nỗ lực thực hiện nhưng đó chỉ như khắc phục phần ngọn, khi rác đã phát tán ra môi trường. Lẽ ra việc cần làm và hiệu quả nhất là ngăn chặn từ “nguồn” sản xuất túi ni lông lại chưa có giải pháp thiết thực. Thuế bảo vệ môi trường chỉ tăng cao với mặt hàng xăng dầu trong khi nhiều sản phẩm khác gây ô nhiễm môi trường như đang ngoài tầm mắt nhà quản lí. Nếu mỗi chiếc túi ni lông mỏng có giá khiến người bán hàng chẳng muốn phát miễn phí thì người tiêu dùng cũng sẽ không dễ dàng bỏ tiền ra mua nó làm túi đựng chỉ một lần.
Vậy tại sao không đánh thuế cao trên mặt hàng có thành phần hạt nhựa bao gói và những chiếc túi ni lông?
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 21 tháng 02 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét