Thần phật luôn trong sáng
Người đi tu đến với cửa phật mong muốn giải thoát những bế tắc
trong cuộc sống hiện tại bởi chốn thiền là nơi thanh tịnh, không dính
mắc đam mê vật chất, tránh phiền não vây bủa. Còn dân
gian đến chốn đình chùa ngoài thăm vãng cảnh đẹp, gột rửa muộn phiền còn mong
học tìm tri thức, nhân cách làm người từ những tấm chân tu.
Đình, chùa, đền miếu vốn là chốn thâm nghiêm, thanh tịnh.
Với mong muốn đưa con người đến với thế giới đạo lí chân, thiện,
mĩ, loại trừ tà ác, hầu hết các đạo giáo đều có giáo lí và hình tượng cao
siêu nhằm định hướng, giáo dục nhân cách đức thiện của con người.
Các vị thánh thần người dân tôn thờ đều là những hình tượng cao
đẹp do chính niềm tin dân gian tạo dựng để răn dạy cho các thế hệ cháu con.
Chung quy, thần phật là những biểu tượng trong sáng, cao đẹp để
con người hướng tới, là điểm tựa trong cõi tâm linh trước thách thức sinh
tồn.
Ngày nay, sự phát triển của cuộc sống vật chất đã dần lấn lướt các giá trị tinh
thần mà cha ông nghìn đời truyền nối. Chốn cửa thiền, cõi đền đình linh
thiêng dần trở thành nơi “buôn thần bán thánh” nhộn nhạo, xấu xí. Điểm qua
một vài địa danh linh thiêng xưa sẽ thấy sự biến dạng đã đến hồi báo động.
Lượng hàng mã
tương đương hàng tỷ đồng mỗi năm hóa ra tro ở điểm nóng đền Bà chúa Kho. Ảnh: Tiền phong
Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho (thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc
Ninh). Tương truyền Bà có công tổ chức sản xuất, trông coi kho lương thực tại
Núi Kho giúp triều đình đánh thắng giặc Tống trên tuyến phòng thủ sông Như
Nguyệt. Bà đã "thác" trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào
ngày 12 tháng 1 năm Đinh Tỵ (1077). Một tấm gương
công đức sáng ngời như thế nay bị người ta mang tiền, vàng mã đến “mua chuộc”
để xin xỏ, vay mượn, mong Bà xuất kho công, ban phát tiền tài cho cá nhân.
Nếu Bà Chúa khi còn sống có lòng tham thì sao có thể giúp triều đình coi giữ
kho lương, được vua sắc phong, Nhân dân tôn thờ?
Hàng nghìn người nghẹt thở dâng sao, giải hạn ở chùa Phúc Khánh. Ảnh baophapluat.vn
Chùa Phúc Khánh (Hà Nội) được dựng vào thời Hậu Lê, là cơ sở đào
tạo tăng tài cho Phật giáo. Chùa nằm trong khu vực diễn ra trận Đống Đa năm
1789 nên bị đổ nát, được một nhà sư xây dựng lại thời Tây Sơn. Chùa là một
phần trong sự tích vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Do chỉ là chùa làng
nên trước đây rất vắng vẻ, kể cả những ngày lễ lớn. Chùa chỉ thực sự đông
người tìm tới cầu an, giải hạn khoảng hơn chục năm lại đây. Vài năm qua thì
cả khu vực quanh chùa đã trở nên quá tải lúc cao điểm bởi hoạt động mê tín.
Không biết từ khi nào một ngôi chùa vốn là nơi đào tạo tâm đức tăng ni đã trở
thành một “trung tâm dâng sao giải hạn” có thu phí!?
Hối lộ là phỉ báng thần linh.
Một nhà nghiên cứu đã phải thốt lên: “Đi khắp thế giới không thấy
nơi nào có tập tục đi lễ chùa, cầu cạnh thần phật dung tục, trần trụi như ở
Việt Nam”. Mục đích đi lễ chùa, cúng đền của nhiều người hầu hết là cầu cạnh,
bán mua vụ lợi trước thần linh.
Một công bộc thanh liêm, sự hối lộ với họ là điều sỉ nhục. Với
thần linh - những đấng cao siêu trong sáng thì sự bán mua là sự phỉ báng! Làm
sao thần linh có thể phù trì những cái tâm tham, tục?
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 19 tháng 02 năm 2019
|
Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét