Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

 Không có chm



Được giao tìm mua chiếc xe đời mới cho sếp, sau khi tham khảo thị trường xe sang, tay trợ lí bẩm báo giám đốc:
- Báo cáo anh, em đã tìm và giao bên kĩ thuật đặt mua chiếc xe Camry 3 chấm 5 rồi. Đây là ảnh chiếc xe, anh xem và duyệt giúp.
Là người luôn tỏ ra am hiểu, cập nhật thời cuộc, giám đốc lên giọng chê:
- Tôi đã nói với các cậu bao nhiêu lần rồi, nay đã vào cách mạng 4.0, cái gì cũng phải 4.0 chứ. Chuyển ngay chỉ đạo của tôi là phải lấy cái xe đủ 4.0 nghe chưa?
- Dạ, báo cáo anh... nhưng 3.5 là chỉ số dung tích buồng đốt động cơ, hãng xe này có loại 3.5 là cao nhất ạ. Anh đang nhầm lẫn giữa “chấm cách mạng” với “chấm kĩ thuật” rồi. Anh nên cập nhật thông tin kẻo lạc hậu!
Bị tay trợ lí chê, vị giám đốc giận tím mặt nhưng biết là hố, không nói gì, chỉ lẩm bẩm: “Dù sao thì 3.5 cũng kém 4.0”.
Mang cái bực về nhà, vừa bước vào cửa, cô con gái đã nhao ra, tay cầm chiếc smatphone chìa trước mặt:
- Bố “chấm” cho con ba cái mẫu váy này, đẹp lắm...
Đang bực, vừa về đã bị cô con gái nhắc đến chấm với cháp, vị giám đốc gắt:
-  Mẹ con cô thì suốt ngày quần quần áo áo. Hôm nay không có chấm cháp gì hết!
Ông nói rồi đi thẳng lên phòng thay quần áo. Bà vợ đang nấu cơm quay ra lẩm bẩm:
- Chắc hôm nay lại có chuyện bực bội ở cơ quan rồi!
Ngồi vào bàn ăn cơm, vừa gắp món cá rán định chấm nhưng không thấy bát nước mắm đâu, ông gắt:
- Hôm nay bà bắt tôi ăn kiêng à?
Bà vợ ngơ ngác:
- Ơ! Thế nãy tưởng ông bảo hôm nay không có chấm cháp gì hết cơ mà?
- Là tôi nói cái chấm trong đầu mẹ con bà ấy, hiểu chưa? - Rồi ông lẩm bẩm: Đồ láo toét, phen này tao sẽ cho chúng nó biết thế nào là không có chấm! 
Đinh Hoàng
Bài đăng mục vui cuối tuần, Báo Người cao tuổi ngày 26/4/2019

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

 Nỗ lực “truyền nối”

Quốc gia, dân tộc có truyền thống; gia đình cũng có truyền thống và gia phong - những nét văn hóa, phẩm giá tốt đẹp người ta luôn gắng truyền giữ và nâng lên.
Nhiều người đã biết đến gia đình cố giáo sư - nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân. Một gia đình có đến 8 người con đều là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, vừa tài năng về học vấn vừa có phẩm chất đạo đức, sống cống hiến và khiêm nhường được mọi người ngưỡng mộ. Giáo sư Nguyễn Lân đã xây dựng và truyền nối được một gia đình truyền thống Việt Nam mẫu mực.
Cụ Khổng Tử bên Trung Quốc xưa có câu khuyên kẻ dấn thân chốn quan trường cần “tu thân, tề gia, trị quốc”, ý rằng trước hết người ta phải tự tu rèn rồi xây dựng gia đình mình tốt thì mới khẳng định được năng lực, phẩm giá để “trị quốc”. Gia đình chính là tập thể nhỏ nhất, nếu ở đó mà không xây tạo được “một tổ chức” tốt thì khó mà làm được chuyện lớn hơn.

Tranh minh họa. Dân trí

Hiện nay không ít lãnh đạo, quan chức đang rất nỗ lực “truyền nối” để giữ quyền lực và lợi lộc chốn công quyền dù họ chẳng có gì đáng truyền nối.
Nếu đó là cán bộ tài năng, đức độ được dân tin tưởng thì việc họ có thể truyền nối cho con cháu theo gương mình là điều đáng mừng. Một số lãnh đạo, cố lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta cũng đã và đang thể hiện là tấm gương liêm khiết, không để con em, người thân núp bóng dựa dẫm mà cho tự thân vận động, đi lên bằng đôi chân của chính mình. Đó là sự giáo dục, truyền nối đúng đắn, chân chính.
Có những cán bộ mà người dân chẳng thấy ở họ năng lực gì vượt trội, thậm chí dưới mức trung bình nhưng con đường quan lộ lại thăng tiến “thần tốc”. Nhưng chính gia đình họ lại có điều bất ổn như con cái hư lười, học hành kém cỏi, người thân ỷ thế vêng vang... Dù tại gia họ không xây được phẩm giá, năng lực cho mỗi cá nhân nhưng lại tìm mọi cách cài cắm, “truyền nối” quyền lực cho con cái.
Hành động gian lận điểm thi của một số phụ huynh (trong đó có nhiều quan chức) ở mấy tỉnh miền núi phía Bắc có thể coi là nỗ lực “truyền nối” cho con em tới chốn công quyền. Chẳng biết họ “phụng sự” dân được gì song những đứa con lười, dốt là sự minh chứng cho thất bại trong “tề gia”. Thử hỏi đứa con mười mấy năm “mài đũng quần” trên ghế nhà trường chỉ mang về 1 điểm cho 3 môn thi lại “khoác áo” thủ khoa chuyên ngành hàng đầu (chỉ huy tham mưu) một trường sĩ quan quân đội có phải là thành công!? Đây thực sự là một nguy cơ trước khi có nguy cơ giặc ngoại xâm!

Tranh minh họa. Tuổi trẻ

Đường đến “chiếc ghế” quyền lực có thể rất dài và khó khăn với nhiều người nhưng lại quá dễ dàng, “hanh thông” với một số người. Chỉ một nhiệm kì của ông bố lãnh đạo là đủ thời gian xong chương trình đại học của một đứa con. Một nhiệm kì tiếp theo đứa con với tấm bằng đẹp (nhưng đầu rỗng tuếch) đã đủ thời gian ngồi lên “chiếc ghế” công quyền đang chờ sẵn.
Với đội ngũ cán bộ thừa lòng tham, thiếu năng lực, đạo đức đồng thời nắm trong tay quyền lực thì đó là khi nguy cơ với quốc gia phát tác!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 25 tháng 4 năm 2019

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

Công ích bệnh viện

Xem trên phim ảnh cảnh bệnh viện ở các nước tiên tiến ta thường thấy đó là nơi tĩnh lặng, sạch sẽ cùng những bóng áo trắng di chuyển nhẹ nhàng…  
Ngược lại ở hầu hết bệnh viện lớn của nước ta cảnh thường thấy là người ra vào tấp nập, chen chúc, đông hơn cả siêu thị. Có những bệnh viện lớn tuyến cuối ở Hà Nội cao điểm mỗi giường bệnh phải gánh 3 bệnh nhân. Đi theo mỗi bệnh nhân tối thiểu có 1 người nhà chăm sóc suốt ngày đêm.

Cảnh chờ khám tại một bệnh viện

Về nguyên tắc, khi một người bệnh nhập viện điều trị nội trú thì mọi việc từ điều trị tới chăm sóc đều do bệnh viện đảm nhiệm vì tất cả các yếu tố đó đều liên quan, chi phối tới chuyên môn và chất lượng chữa trị. Tuy nhiên, do sự lo lắng của người nhà hoặc thiếu tin tưởng vào bệnh viện, mà cũng do bệnh viện cũng không thể kham nổi nên đa số bệnh nhân đều có người nhà ở kèm. Việc người nhà sống trong buồng bệnh là không được phép nhưng các bệnh viện đều xuê xoa, chỉ “nghiêm theo giờ”. Tôi từng có người nhà điều trị tại một bệnh viện công tại Hà Nội, thấy việc người nhà chăm sóc bệnh nhân như thể nghĩa vụ. Đến giờ cấp thuốc buổi sáng bộ phận bảo vệ cũng lên buồng bệnh để “xua” người nhà ra, nhưng khi bác sĩ đến thăm khám lại gọi “người nhà đâu rồi!” Và, người nhà như “điều dưỡng viên” có trách nhiệm kể về thực trạng bệnh nhân trong đêm cho bác sĩ.

Nhiều bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.

Cách đây hơn chục năm tôi đưa người thân tới điều trị (phẫu thuật) tại một bệnh viện tư tại phố Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội) và cảm nhận, đây chính là mô hình bệnh viện văn minh, hiện đại. Người nhà sau khi giao bệnh nhân cho bệnh viện sẽ có một y tá dẫn đi các phòng khám và cuối cùng đưa về phòng điều trị (trường hợp cần nội trú). Từng giường bệnh có nút bấm, bệnh nhân khi cần gì bấm vào sẽ nhanh chóng được phục vụ, kể cả suất ăn tại chỗ. Hết kì điều trị, bệnh viện thông báo để gia đình đến thanh toán và đón người thân xuất viện. Tuy giá dịch vụ có cao hơn bệnh viện công nhưng chấp nhận được vì ngoài chi phí danh mục điều trị không có khoản nào chi “ngoài điều trị”. Trong khi đó, tại không ít bệnh viện công tuy giá dịch vụ có thấp hơn nhưng tính cả những khoản chi phí khác (như bồi dưỡng kíp mổ…) thì cũng chẳng kém viện tư mà gia đình vẫn phải chăm nuôi.
Những năm qua, cơ quan quản lí liên tục có những điều chỉnh gia tăng danh mục và giá dịch vụ khám chữa bệnh theo phương châm tính đúng, tính đủ để các bệnh viện cân đối, nâng cao chất lượng điều trị và cải thiện đời sống y, bác sĩ. Nhưng xem ra vẫn chưa đạt yêu cầu nên việc chăm sóc bệnh nhân chưa tròn khâu, chưa tạo tạo được niềm tin của người bệnh và thân nhân họ.
Mới đây có thông tin người nhà các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) khi ở nuôi đã phải đóng cho bệnh viện mỗi ngày 30.000 đồng gây xôn xao dư luận. Song thực ra, hầu hết bệnh viện đều có khoản này, có bệnh viện thu tới vài trăm nghìn đồng.
Chuyện người nhà hằng ngày thường trực chăm sóc người thân hoặc phải đóng thêm một khoản tiền như trên không khác gì việc công ích! Thực trạng này nếu không được cải tiến, khắc phục thì hệ thống bệnh viên công của ta mãi chỉ như của một quốc gia lạc hậu./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày  18 tháng 4 năm 2019

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

Hàng chuẩn… nghèo!

Mỗi quốc gia khi sản xuất hàng hóa đều đưa ra những tiêu chuẩn nhằm định hướng, giữ vững và nâng cao chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường.
Tuy tiêu chuẩn hàng hóa không phải khi nào cũng giống nhau, nó tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, tập quán tiêu dùng, nhưng xu hướng chung đều hướng tới sự tiến bộ, hiện đại, tốt nhất cho cộng đồng và sức khỏe con người.
Vừa qua, thành phố Osaka, Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su của Công ty Masan Việt Nam do chứa acid benzoic đang gây lo lắng cho người tiêu dùng cùng nhiều ý kiến trái chiều. Quy định của Nhật Bản là không cho phép, trong khi cả hai thông tư của Bộ Y tế Việt Nam năm 2012 và 2015 quy định danh mục phụ gia thực phẩm, acid benzoic đều có mặt và đều cho phép sử dụng trong sản phẩm quả dạng nghiền như tương ớt.


Hình ảnh sản phẩm Chin-su bị thu hồi ở Nhật - Ảnh: Osaka City

Theo một số chuyên gia, phía Nhật cấm thành phần acid benzoic trong tương ớt vì loại gia vị này chứa nhiều vitamin C, chất mà khi phối hợp với acid benzoic sẽ sinh ra một loại benzene có nguy cơ gây ung thư cao. Như vậy, phía Nhật cấm là có nguyên do rõ ràng và vì sức khỏe người tiêu dùng. Một chất tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe như vậy vì sao hãng Masan khi đưa vào làm chất bảo quản không cảnh báo người tiêu dùng, nhất là về liều lượng tối đa an toàn?
Có một giai đoạn, khi mà đất nước còn khó khăn ta từng phải nhập một số lương thực chất lượng thấp về sử dụng cho người. Nhưng nay đất nước đã thoát khỏi diện nước nghèo, vươn lên có thu nhập trung bình, người dân đang hướng tới sử dụng những sản phẩm chất lượng cao, kể cả hàng nhập khẩu, vì vậy các nhà sản xuất cần gạt bỏ tư duy sản xuất hàng cho người thu nhập thấp.


Liệu những chai nước chấm sản xuất công nghiệp "thơm ngon" có chứa acid benzoic?

Những tưởng Masan cũng thực hành sản xuất theo xu hướng chất lượng cao bởi vừa qua, khi xây dựng dự thảo tiêu chuẩn cho nước mắm cá, cơ quan chức năng đã mời cả chuyên gia của hãng này tham gia. Bộ tiêu chuẩn này đã đưa vào hạn chế chất Histamine (sinh ra khi ngâm chượp mắm, không có nguy cơ như acid benzoic) phải dưới 400ppm. Nhiều chuyên gia cho rằng đưa Histamine vào như dự thảo chỉ là gây khó cho người sản xuất nước mắm. Lượng nước mắm mỗi người dùng hằng ngày ít nên chất này chiếm tỉ lệ rất nhỏ, không gây hại cho sức khỏe nên không cần đưa vào tiêu chuẩn. Trong khi đó, những chất chẳng bao giờ có trong nước mắm cá truyền thống như phẩm màu, chất điều vị và đặc biệt là chất bảo quản lại được đưa vào danh mục tiêu chuẩn sản xuất! Liệu nước chấm công nghiệp khác của Masan có chất acid benzoic hay không? Nếu có thì rất cần minh bạch, cảnh báo cụ thể vì người dùng Việt có sở thích chế gia vị có vitamin C (như chanh, dấm…) cùng nước mắm.
Qua vụ tương ớt Chin-su bị Nhật Bản thu hồi nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng một số chất bỗng dưng “cần có” trong hàng hóa tiêu dùng như nước chấm, tương ớt chỉ là cách hợp thức hóa cho sản xuất loại hàng hóa giá rẻ, chất lượng thấp, tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe người tiêu dùng. Vậy thì đây đúng là hàng hóa chuẩn… nghèo!/.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày  11 tháng 4 năm 2019

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2019

Lệch chuẩn

Paul Joseph Goebbels - Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Quốc xã, cánh tay phải của trùm phát xít Adolf Hitler từng nói: “Nếu nói dối đủ lớn và cứ tiếp tục lặp đi lặp lại lời dối trá của mình, quần chúng rồi sẽ tin vào lời dối đó”. Nhờ vậy, nhà nước Đức Quốc xã đã thay đổi được tư tưởng, nhận thức của cả một dân tộc văn minh, từng sản sinh ra những nhà triết học, nhạc sĩ, khoa học danh tiếng, thành một đất nước cuồng vọng.
Theo cách tuyên truyền của Goebbels có thể hiểu nôm na, từ cái sai lệch, không có nhưng khi được bộ máy tuyên truyền nói rằng có, nắn chệch hướng khác dần khiến người ta tin tưởng đó là cái đúng, là chân lí.
Hiện tượng một số “giang hồ mạng” được một bộ phận giới trẻ tung hô rồi hâm mộ cũng có căn nguyên từ sự tuyên truyền lệch chuẩn.
Khá Bảnh (người vừa bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc) và Dương Thanh Tuyền (biệt danh “Thánh chửi”) cũng nảy sinh rồi gây nhiễm cộng đồng theo phương cách này.
Kết quả hình ảnh cho khá bảnh
Không ít người cổ súy sự lệch chuẩn

Ban đầu Dương Minh Tuyền chào cộng đồng mạng xã hội bằng những clip hài hước phê phán thói hư tật xấu của xã hội. Tuy có phần thô tục nhưng cũng khiến nhiều người tò mò thích thú. Nhiều clip của Dương Minh Tuyền nhanh chóng đạt hơn 100.000 like chỉ trong 1 ngày. Thế rồi để thu hút người xem, Tuyền biến tấu mình trở thành “Chí Phèo” thời hiện đại, đúng - sai đều chửi tất. Những ngôn từ chợ búa, sặc mùi giang hồ được thanh niên này tuôn hết lên mạng. 
Video đánh nhau bạo lực của Dương Minh Tuyền lọt top thịnh hành trên YouTube.

Với Khá Bảnh, sau hàng loạt video trên Facebook và Youtube chửi bậy, đập phá, dạy dỗ đàn em, thậm chí ngang nhiên vi phạm pháp luật như dàn hàng ngang trên đường cao tốc… mỗi video clip thu hút tới hơn 8 triệu lượt xem cùng hàng trăm bình luận. Phần nhiều trong số bình luận này cũng là những câu tung hô, chửi bậy, lời lẽ sặc mùi giang hồ. Rất có thể nhiều người hâm mộ không biết Khá Bảnh từng phạm tội đánh người và cố ý gây thương tích từ lúc chưa đủ 18 tuổi, bị đưa vào trại giáo dưỡng cải tạo 2 năm.
Sự cổ súy của bộ phận cộng đồng mạng có thị hiếu sai lệch góp phần thúc đẩy những “thánh chửi”, “giang hồ mạng” trên càng đi xa hơn, lan rộng phạm vi ảnh hưởng xấu trong một bộ phận giới trẻ.
Tuy mục tiêu của họ có thể chỉ muốn thể hiện cái tôi khác lạ hoặc để kiếm tiền nhưng hậu quả với xã hội thì vô cùng nguy hiểm. Một khi thế hệ trẻ bị tiêm nhiễm, đầu độc tư tưởng, bóp méo nhận thức thì dù trên môi trường ảo nhưng cái ác rồi sẽ được hiện thực hóa ngoài cuộc sống. 
Sự bùng nổ thông tin trên nền tảng Internet mang lại lợi ích vô cùng lớn cho nhân loại. Tuy nhiên đây cũng là công cụ lợi hại của những kẻ xấu, kẻ có tư tưởng cực đoan có thể phá hoại an ninh trật tự với mỗi quốc gia và toàn xã hội. Tuổi trẻ là tương lai của đất nước, nếu thế hệ này bị tiêm nhiễm những tư tưởng, quan niệm sai lệch thì nền văn hóa có nguy cơ phát triển lệch hướng và những chuẩn mực đạo đức truyền thống sẽ biến dạng, méo mó./.
 Đinh Hoàng
 Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 10 tháng 4 năm 2019

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

Giữ cho nền bóng đá sạch

Từ cuối năm 2018, khi HLV người Hàn Quốc Park Hang Seo đến với bóng đá Việt Nam, nền bóng đá nước nhà như vươn mình trỗi dậy sau những mơ màng, mộng mị.
Trận thắng đầu tiên với người Thái trên đất Thái do vị HLV này dẫn dắt những tưởng chỉ là một trong những trận cầu may rủi khác từng diễn ra với nhiều HLV cả nội lẫn ngoại.
Rồi sau đó là giải U23 châu Á 2018, ban đầu với những trận cầu khó khăn, chật vật, tuy thắng đấy nhưng người hâm mộ chưa thật yên tâm, tin tưởng.
Niềm tin, sự vui mừng của người hâm mộ cả nước dần được nâng lên khi các cầu thủ trẻ của chúng ta thể hiện lối chơi ngày một tự tin, bản lĩnh và đẹp cả về kĩ thuật cũng như phong cách. Niềm vui của người dân cả nước như được nối dài từ giải U23 châu Á đến giật cúp vàng AFF năm 2018 và gần đây tiếp tục “hạ gục” Thái Lan tại vòng loại, giành vé dự vòng chung kết U23 châu Á 2020…
Kết quả hình ảnh cho Đội tuyển VN vô địch Đông Nam
Bóng đá Việt nam bước lên bục vinh quang cùng một thứ bóng đá đẹp và… sạch!

Có được những thành tích vang dội trên trước hết phải ghi nhận cho HLV Park, một nhà cầm quân tài ba, người đã lựa chọn được những hạt vàng trong nền bóng đá nước nhà, thiết kế đội hình, rèn dũa được đội mạnh nhất để đi “mang chuông đi đánh nước người” đem về những trận cầu bách thắng. Tiếp đến, chúng ta cũng thấy được lứa cầu thủ có cả tài năng, bản lĩnh và phẩm chất trong sáng, hết mình vì màu cờ sắc áo cống hiến cho người hâm mộ những trận cầu đầy cảm xúc.
Ngoài những yếu tố trên, cũng cần thấy được rằng, đội tuyển và các trận cầu dưới sự dẫn dắt của ông Park đã trình diễn một thứ bóng đá đẹp và… sạch!
Đang lắng đọng men say chiến thắng sau những trận cầu thắng giòn giã tại vòng loại chung kết U23 châu Á 2020 thì bóng đá Việt Nam xuất hiện những “sự lạ” trên sân cỏ.
Đầu tiên, tại giải U19 Quốc gia 2019, khán giả vô cùng ngạc nhiên và thất vọng khi chứng kiến điều kì lạ trong trận đấu giữa đội U19 Phú Yên và U19 Hà Nội trên sân vận động Pleiku. Sau bàn thua dễ dàng từ lỗi của thủ thành ở những phút cuối, cứ tưởng đội U19 Phú Yên sẽ vùng lên để gỡ, tránh trận thua thì họ lại làm điều rất lạ: Các cầu thủ chuyền bóng qua lại trên phần sân nhà, như thể quyết giữ bằng được tỉ số thua 0-1!
Kết quả hình ảnh cho Đội tuyển Phú Yên quyết giữ thua 01 trước HN
Đối thủ ngạc nhiên trước lối đá của đội Phú Yên khi quyết giữ... thua!

Gần đây nhất, trong trận đội XSKT Cần Thơ gặp Bình Phước, trung vệ, đội trưởng Văn Quân của Cần Thơ đã đá thẳng bóng vào lưới đội nhà. Cuối cùng 2 đội hoà nhau 2-2 sau 90 phút và chủ nhà Bình Phước hạ Cần Thơ với tỉ số 7-8 trên chấm luân lưu… Tình huống đá phạt khó hiểu trên đang được xem xét, xử lí nhưng nó đã đánh mất niềm tin vào một trận cầu.
Có một thực tế là nạn cờ bạc luôn “kí sinh” thông qua hình thức cá độ bóng đá, đã và vẫn tồn tại cả ở Việt Nam cũng như đấu trường quốc tế.
Chỉ cần một trong các thành viên của cuộc chơi (gồm cầu thủ, trọng tài, HLV…) bị đồng tiền chi phối, họ tự đánh mất mình vì cái lợi nhỏ nhoi trước mắt thì nền bóng đá và người hâm mộ sẽ mất đi cái vô cùng lớn lao, đó là niềm vinh quang mà môn túc cầu mang lại.
Hãy cảnh giác để giữ gìn một nền bóng đá trong sạch, cao thượng./.
 Đinh Hoàng
 Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 09 tháng 4 năm 2019

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

 Minh bạch và nhân văn

Minh bạch và nhân văn liệu có mâu thuẫn với nhau?
Theo suy nghĩ cá nhân, tôi cho rằng hai phạm trù trên chẳng có gì mâu thuẫn mà trái lại sự minh bạch chính là nền tảng bảo đảm nhân văn. Tất nhiên, có những ngoại trừ khi bàn luận chuyện này, đó là vấn đề bí mật quốc gia hoặc nguy cơ mất an ninh, trật tự xã hội và những bí mật được pháp luật bảo hộ.
Những ngày qua dư luận đang quan tâm việc xử lí tiếp sau khi có kết quả thẩm định các bài thi THPT gian lận nâng điểm ở Sơn La. Thật ngỡ ngàng khi một thí sinh lẽ ra bị “trượt đầu nước” lại trở thành một người có điểm cao chót vót vì được cộng thêm 26,55 điểm!
Công bố kết quả thẩm định các bài thi gian lận chưa làm vừa lòng dư luận.

Cứ ngỡ mọi sự rõ ràng rồi thì dư luận sẽ biết những thí sinh “đỗ giả” đó là ai, ai là người chạy điểm, người giúp chạy được gì từ việc này. Tiếc rằng dư luận chỉ được “ăn” một nửa “chiếc bánh” sự thật và nghi ngờ về quyết tâm làm đến cùng vụ việc! Lí giải việc vì sao không công khai đầy đủ, đại diện cơ quan quản lí đưa ra quan điểm rằng nếu công khai danh tính các thí sinh đó sẽ “không nhân văn”, rằng các em còn cả tương lai phía trước và đây là chuyện của người lớn... Có lẽ, cơ quan chức năng coi các em học sinh được nâng điểm chỉ là “bị hại”, như trường hợp một số học sinh bị dâm ô, xâm hại hoặc bạo lực?
Ảnh minh họa.
Các em học sinh học hết cấp THPT đều đã ở ngưỡng cửa tuổi trưởng thành, có năng lực nhận thức đúng sai. Tôi không nghĩ em học sinh làm bài kém mà đạt gần 27 điểm (xuất sắc) lại không biết rằng mình được nâng điểm. Thực chất những em đó không phải thủ phạm nhưng cũng chẳng thể là “bị hại” khi hưởng lợi không chính đáng mà vẫn lặng im. Những người lớn khi làm điều sai trái chắc cũng biết sẽ có hệ quả với con em mình nếu bại lộ và không thể có ai chịu trách nhiệm thay. Họ cũng biết rằng, có những học sinh bằng thực lực và nỗ lực đã bị cướp đi cơ hội đến với giảng đường đại học. Đối xử nhân văn với điều sai trái, vậy ai đang đối xử nhân văn với các em bị tước mất cơ hội chân chính?
Trùng hợp dịp này bên Mỹ xa xôi cũng vừa phát lộ scandal chạy điểm vào các trường đại học danh tiếng. Xem ra hệ thống hành pháp của nước Mỹ không được “nhân văn” như ở xứ ta, họ công khai ngay danh tính cả người chạy điểm, kẻ giúp sức trục lợi được gì và các học sinh được phụ huynh gian lận “tuồn vào” trường đại học.
Sự thiếu minh bạch là nguồn cơn của mất niềm tin bởi trong bóng tối những điều khuất tất dễ diễn ra. Nhân văn với cá nhân có hành động vi phạm pháp luật, thiếu chuẩn mực đạo đức chính là sự bao che, dung túng. Khi đó sự phê phán của công luận khó có thể “ngấm” tới người có hành vi sai trái? Và biết đâu khi có điều kiện họ lại tiếp tục làm điều sai khác?
Hiện nay trong nhiều lĩnh vực, sự minh bạch là điều dư luận đòi hỏi song đang bị lần lữa bằng những lí do thiếu thuyết phục. Khi những điều sai trái được che đậy bên trong những mĩ từ thì khó có thể xây dựng được nhà nước pháp quyền và một xã hội văn minh!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày  02 tháng 4 năm 2019