Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

 Minh bạch và nhân văn

Minh bạch và nhân văn liệu có mâu thuẫn với nhau?
Theo suy nghĩ cá nhân, tôi cho rằng hai phạm trù trên chẳng có gì mâu thuẫn mà trái lại sự minh bạch chính là nền tảng bảo đảm nhân văn. Tất nhiên, có những ngoại trừ khi bàn luận chuyện này, đó là vấn đề bí mật quốc gia hoặc nguy cơ mất an ninh, trật tự xã hội và những bí mật được pháp luật bảo hộ.
Những ngày qua dư luận đang quan tâm việc xử lí tiếp sau khi có kết quả thẩm định các bài thi THPT gian lận nâng điểm ở Sơn La. Thật ngỡ ngàng khi một thí sinh lẽ ra bị “trượt đầu nước” lại trở thành một người có điểm cao chót vót vì được cộng thêm 26,55 điểm!
Công bố kết quả thẩm định các bài thi gian lận chưa làm vừa lòng dư luận.

Cứ ngỡ mọi sự rõ ràng rồi thì dư luận sẽ biết những thí sinh “đỗ giả” đó là ai, ai là người chạy điểm, người giúp chạy được gì từ việc này. Tiếc rằng dư luận chỉ được “ăn” một nửa “chiếc bánh” sự thật và nghi ngờ về quyết tâm làm đến cùng vụ việc! Lí giải việc vì sao không công khai đầy đủ, đại diện cơ quan quản lí đưa ra quan điểm rằng nếu công khai danh tính các thí sinh đó sẽ “không nhân văn”, rằng các em còn cả tương lai phía trước và đây là chuyện của người lớn... Có lẽ, cơ quan chức năng coi các em học sinh được nâng điểm chỉ là “bị hại”, như trường hợp một số học sinh bị dâm ô, xâm hại hoặc bạo lực?
Ảnh minh họa.
Các em học sinh học hết cấp THPT đều đã ở ngưỡng cửa tuổi trưởng thành, có năng lực nhận thức đúng sai. Tôi không nghĩ em học sinh làm bài kém mà đạt gần 27 điểm (xuất sắc) lại không biết rằng mình được nâng điểm. Thực chất những em đó không phải thủ phạm nhưng cũng chẳng thể là “bị hại” khi hưởng lợi không chính đáng mà vẫn lặng im. Những người lớn khi làm điều sai trái chắc cũng biết sẽ có hệ quả với con em mình nếu bại lộ và không thể có ai chịu trách nhiệm thay. Họ cũng biết rằng, có những học sinh bằng thực lực và nỗ lực đã bị cướp đi cơ hội đến với giảng đường đại học. Đối xử nhân văn với điều sai trái, vậy ai đang đối xử nhân văn với các em bị tước mất cơ hội chân chính?
Trùng hợp dịp này bên Mỹ xa xôi cũng vừa phát lộ scandal chạy điểm vào các trường đại học danh tiếng. Xem ra hệ thống hành pháp của nước Mỹ không được “nhân văn” như ở xứ ta, họ công khai ngay danh tính cả người chạy điểm, kẻ giúp sức trục lợi được gì và các học sinh được phụ huynh gian lận “tuồn vào” trường đại học.
Sự thiếu minh bạch là nguồn cơn của mất niềm tin bởi trong bóng tối những điều khuất tất dễ diễn ra. Nhân văn với cá nhân có hành động vi phạm pháp luật, thiếu chuẩn mực đạo đức chính là sự bao che, dung túng. Khi đó sự phê phán của công luận khó có thể “ngấm” tới người có hành vi sai trái? Và biết đâu khi có điều kiện họ lại tiếp tục làm điều sai khác?
Hiện nay trong nhiều lĩnh vực, sự minh bạch là điều dư luận đòi hỏi song đang bị lần lữa bằng những lí do thiếu thuyết phục. Khi những điều sai trái được che đậy bên trong những mĩ từ thì khó có thể xây dựng được nhà nước pháp quyền và một xã hội văn minh!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày  02 tháng 4 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét