Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

 Nỗ lực “truyền nối”

Quốc gia, dân tộc có truyền thống; gia đình cũng có truyền thống và gia phong - những nét văn hóa, phẩm giá tốt đẹp người ta luôn gắng truyền giữ và nâng lên.
Nhiều người đã biết đến gia đình cố giáo sư - nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân. Một gia đình có đến 8 người con đều là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, vừa tài năng về học vấn vừa có phẩm chất đạo đức, sống cống hiến và khiêm nhường được mọi người ngưỡng mộ. Giáo sư Nguyễn Lân đã xây dựng và truyền nối được một gia đình truyền thống Việt Nam mẫu mực.
Cụ Khổng Tử bên Trung Quốc xưa có câu khuyên kẻ dấn thân chốn quan trường cần “tu thân, tề gia, trị quốc”, ý rằng trước hết người ta phải tự tu rèn rồi xây dựng gia đình mình tốt thì mới khẳng định được năng lực, phẩm giá để “trị quốc”. Gia đình chính là tập thể nhỏ nhất, nếu ở đó mà không xây tạo được “một tổ chức” tốt thì khó mà làm được chuyện lớn hơn.

Tranh minh họa. Dân trí

Hiện nay không ít lãnh đạo, quan chức đang rất nỗ lực “truyền nối” để giữ quyền lực và lợi lộc chốn công quyền dù họ chẳng có gì đáng truyền nối.
Nếu đó là cán bộ tài năng, đức độ được dân tin tưởng thì việc họ có thể truyền nối cho con cháu theo gương mình là điều đáng mừng. Một số lãnh đạo, cố lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta cũng đã và đang thể hiện là tấm gương liêm khiết, không để con em, người thân núp bóng dựa dẫm mà cho tự thân vận động, đi lên bằng đôi chân của chính mình. Đó là sự giáo dục, truyền nối đúng đắn, chân chính.
Có những cán bộ mà người dân chẳng thấy ở họ năng lực gì vượt trội, thậm chí dưới mức trung bình nhưng con đường quan lộ lại thăng tiến “thần tốc”. Nhưng chính gia đình họ lại có điều bất ổn như con cái hư lười, học hành kém cỏi, người thân ỷ thế vêng vang... Dù tại gia họ không xây được phẩm giá, năng lực cho mỗi cá nhân nhưng lại tìm mọi cách cài cắm, “truyền nối” quyền lực cho con cái.
Hành động gian lận điểm thi của một số phụ huynh (trong đó có nhiều quan chức) ở mấy tỉnh miền núi phía Bắc có thể coi là nỗ lực “truyền nối” cho con em tới chốn công quyền. Chẳng biết họ “phụng sự” dân được gì song những đứa con lười, dốt là sự minh chứng cho thất bại trong “tề gia”. Thử hỏi đứa con mười mấy năm “mài đũng quần” trên ghế nhà trường chỉ mang về 1 điểm cho 3 môn thi lại “khoác áo” thủ khoa chuyên ngành hàng đầu (chỉ huy tham mưu) một trường sĩ quan quân đội có phải là thành công!? Đây thực sự là một nguy cơ trước khi có nguy cơ giặc ngoại xâm!

Tranh minh họa. Tuổi trẻ

Đường đến “chiếc ghế” quyền lực có thể rất dài và khó khăn với nhiều người nhưng lại quá dễ dàng, “hanh thông” với một số người. Chỉ một nhiệm kì của ông bố lãnh đạo là đủ thời gian xong chương trình đại học của một đứa con. Một nhiệm kì tiếp theo đứa con với tấm bằng đẹp (nhưng đầu rỗng tuếch) đã đủ thời gian ngồi lên “chiếc ghế” công quyền đang chờ sẵn.
Với đội ngũ cán bộ thừa lòng tham, thiếu năng lực, đạo đức đồng thời nắm trong tay quyền lực thì đó là khi nguy cơ với quốc gia phát tác!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 25 tháng 4 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét