Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

Công ích bệnh viện

Xem trên phim ảnh cảnh bệnh viện ở các nước tiên tiến ta thường thấy đó là nơi tĩnh lặng, sạch sẽ cùng những bóng áo trắng di chuyển nhẹ nhàng…  
Ngược lại ở hầu hết bệnh viện lớn của nước ta cảnh thường thấy là người ra vào tấp nập, chen chúc, đông hơn cả siêu thị. Có những bệnh viện lớn tuyến cuối ở Hà Nội cao điểm mỗi giường bệnh phải gánh 3 bệnh nhân. Đi theo mỗi bệnh nhân tối thiểu có 1 người nhà chăm sóc suốt ngày đêm.

Cảnh chờ khám tại một bệnh viện

Về nguyên tắc, khi một người bệnh nhập viện điều trị nội trú thì mọi việc từ điều trị tới chăm sóc đều do bệnh viện đảm nhiệm vì tất cả các yếu tố đó đều liên quan, chi phối tới chuyên môn và chất lượng chữa trị. Tuy nhiên, do sự lo lắng của người nhà hoặc thiếu tin tưởng vào bệnh viện, mà cũng do bệnh viện cũng không thể kham nổi nên đa số bệnh nhân đều có người nhà ở kèm. Việc người nhà sống trong buồng bệnh là không được phép nhưng các bệnh viện đều xuê xoa, chỉ “nghiêm theo giờ”. Tôi từng có người nhà điều trị tại một bệnh viện công tại Hà Nội, thấy việc người nhà chăm sóc bệnh nhân như thể nghĩa vụ. Đến giờ cấp thuốc buổi sáng bộ phận bảo vệ cũng lên buồng bệnh để “xua” người nhà ra, nhưng khi bác sĩ đến thăm khám lại gọi “người nhà đâu rồi!” Và, người nhà như “điều dưỡng viên” có trách nhiệm kể về thực trạng bệnh nhân trong đêm cho bác sĩ.

Nhiều bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.

Cách đây hơn chục năm tôi đưa người thân tới điều trị (phẫu thuật) tại một bệnh viện tư tại phố Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội) và cảm nhận, đây chính là mô hình bệnh viện văn minh, hiện đại. Người nhà sau khi giao bệnh nhân cho bệnh viện sẽ có một y tá dẫn đi các phòng khám và cuối cùng đưa về phòng điều trị (trường hợp cần nội trú). Từng giường bệnh có nút bấm, bệnh nhân khi cần gì bấm vào sẽ nhanh chóng được phục vụ, kể cả suất ăn tại chỗ. Hết kì điều trị, bệnh viện thông báo để gia đình đến thanh toán và đón người thân xuất viện. Tuy giá dịch vụ có cao hơn bệnh viện công nhưng chấp nhận được vì ngoài chi phí danh mục điều trị không có khoản nào chi “ngoài điều trị”. Trong khi đó, tại không ít bệnh viện công tuy giá dịch vụ có thấp hơn nhưng tính cả những khoản chi phí khác (như bồi dưỡng kíp mổ…) thì cũng chẳng kém viện tư mà gia đình vẫn phải chăm nuôi.
Những năm qua, cơ quan quản lí liên tục có những điều chỉnh gia tăng danh mục và giá dịch vụ khám chữa bệnh theo phương châm tính đúng, tính đủ để các bệnh viện cân đối, nâng cao chất lượng điều trị và cải thiện đời sống y, bác sĩ. Nhưng xem ra vẫn chưa đạt yêu cầu nên việc chăm sóc bệnh nhân chưa tròn khâu, chưa tạo tạo được niềm tin của người bệnh và thân nhân họ.
Mới đây có thông tin người nhà các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) khi ở nuôi đã phải đóng cho bệnh viện mỗi ngày 30.000 đồng gây xôn xao dư luận. Song thực ra, hầu hết bệnh viện đều có khoản này, có bệnh viện thu tới vài trăm nghìn đồng.
Chuyện người nhà hằng ngày thường trực chăm sóc người thân hoặc phải đóng thêm một khoản tiền như trên không khác gì việc công ích! Thực trạng này nếu không được cải tiến, khắc phục thì hệ thống bệnh viên công của ta mãi chỉ như của một quốc gia lạc hậu./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày  18 tháng 4 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét