Nồi canh và váng bọt
Ai làm nội trợ hẳn biết khi mua xương về hầm, nấu
canh thường thấy váng bọt nổi lên khá nhiều. Người cẩn thận sẽ vớt dần cho
hết thứ váng đó đi vì đó là thứ bẩn độc. Lúc đó nhìn nồi nước canh sẽ trong
veo, hấp dẫn và… ngon!
Thực ra những váng bọt đó chỉ là bề nổi hình thức.
Hiện nay việc chăn nuôi gia cầm phần lớn sử dụng thức ăn công nghiệp. Thực
phẩm sản xuất công nghiệp dùng cho con người mà còn bị cho vào hóa chất, phẩm
màu thì thức ăn chăn nuôi nhiễm hóa chất, kháng sinh… là điều khó tránh.
Việc vớt bỏ những váng bẩn trong nồi canh chỉ là để
“khuất mắt cho qua”, cái độc hại đã tan hòa trong nước, nếu cẩn thận chỉ có
đổ đi, mua nồi xương thịt khác được chăn nuôi sạch trong tự nhiên.
Phụ huynh Trường Mầm non Thanh Khương bức xúc cho rằng con mình ăn phải thịt lợn bẩn, gà nát tại trường
Chợt nghĩ đến vụ hàng nghìn gia đình học sinh mẫu
giáo ở Thuận Thành, Bắc Ninh ùn ùn đổ về bệnh viện tại Hà Nội xét nghiệm vì
nghi nhiễm kí sinh trùng từ thức ăn. Có sự đó bởi họ đã phát hiện thịt lợn
nổi nhiều hạt gạo trắng được nhập về bếp ăn của Trường mầm non Thanh Khương.
Phụ huynh bức xúc phản ánh và đề nghị nhà trường có biện pháp chấn chỉnh.
Tiếc rằng sau đó phụ huynh lại tiếp tục phát hiện thịt gà bị mủn nhũn đưa vào
bếp ăn của trường này. Được biết đơn vị cung ứng thực phẩm này còn cung cấp
cho nhiều trường khác trong huyện. Việc người dân tự đưa con em đi xét nghiệm
bởi họ đã mất niềm tin. Sự việc đã gây một “cơn bão dư luận” và bức xúc trong
phụ huynh học sinh không chỉ ở Thuận Thành.
Phụ huynh ở Thuận Thành ăn đợi nằm chờ ở bệnh viện để
xét nghiệm cho con. Ảnh: TPO
Nhưng rồi thì sao? Vị giám đốc bệnh viện trung ương
phát biểu trong một cuộc họp thông tin về vụ việc đã tươi cười chia sẻ, ý
rằng việc nhiễm kí sinh trùng (sán lợn) này là rất bình thường, không có gì
nguy hiểm, điều trị ít ngày sẽ khỏi. Một lãnh đạo bệnh viện khác thì nói tỉ
lệ nhiễm kí sinh trùng của các cháu là trung bình trong cộng đồng dân cư
(không biết tỉ lệ này căn cứ vào đâu và có khảo sát cụ thể chưa). Tiếp đến,
lãnh đạo địa phương trấn an và hứa toàn bộ chi phí xét nghiệm cho các cháu sẽ
do tỉnh chi trả. Rồi nữa, bệnh viện tổ chức về từng trường (có lẽ là 19
trường trong huyện) để lấy máu xét nghiệm, các gia đình không cần tự đi làm… Tất
cả những bức xúc dường như được giải tỏa nhanh nhanh như “vớt váng nồi canh”.
Dư luận tựa một quả bóng xì hơi...
Chuyến Tham quan, học tập kinh nghiệm tại Thái
Lan năm 2018 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Thành có cả bà Hương
(ngoài cùng bên trái) là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính
Hương Thành - đơn vị cung cấp thực phẩm cho 19 trường mầm non. Ảnh Báo GDVN
Tờ báo điện tử nọ vừa có bài (và cả hình ảnh) phản
ánh: Chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm tại Thái Lan năm 2018 của Phòng
Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Thành có mặt bà Giám đốc công ty Hương Thành
(đơn vị cung cấp thực phẩm cho nhiều trường trong huyện). Có lẽ bà này cũng
đi học tập kinh nghiệm cung cấp thực phẩm cho mô hình bếp mẫu giáo? Nếu không
phải thế thì chắc giữa cơ quan quản lí với bà chủ doanh nghiệp này phải có
mối thâm tình lắm lắm!
Dù vậy, sau vụ thịt nhiễm sán, công ty Hương Thành
khó mà được tiếp tục cung ứng thực phẩm.
Nhưng rồi cũng phải có một công ty Hương Nhài, Hương
Mơ nào đó cung cấp thực phẩm chứ?…
Thật xót xa và đáng lo cho các cháu mẫu giáo, tí
tuổi mà đã bị loài kí sinh bòn rút sức khỏe!./.
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi
ngày 28 tháng 3 năm 2019
|
Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét