Bảo
trì khi nào?
Câu chuyện tranh chấp quản lí quỹ bảo trì
chung cư đang “bùng nhùng” tại rất nhiều dự án nhà ở trong mấy năm qua, kể cả
một số chung cư được coi là cao cấp.
“Ôm rơm nhặm bụng” nhưng “ôm tiền” có vẻ
nó mang lại sự “ấm áp” nên nhiều người rất muốn “ôm giữ” trong đó có các chủ
đầu tư dự án nhà chung cư tại đô thị. Với tỉ lệ 2% phí tính từ giá trị căn hộ
người mua nhà phải nộp vào quỹ bảo trì dự án nhà thì đây là số tiền không
nhỏ. Với dự án nhà bình dân, giá chỉ 1,5 tỉ đồng thì mỗi khách hàng cũng phải
nộp chừng 30 triệu đồng. Với những chung cư cao cấp, giá trị căn hộ từ 3-4
tỉ, thậm chí 10-15 tỉ đồng thì số tiền nộp vào quỹ này là rất lớn. Chính vì
vậy hầu hết các chủ đầu tư dự án đều muốn thu ngay quỹ này nhưng khi có ban
quản lí chung cư thì việc bàn giao tiền quỹ lại vô cùng khó khăn!
Nhiều chung cư tại Hà Nội, TP HCM xảy ra tranh
chấp.
Công việc bảo trì nhà chung cư chỉ bắt
đầu thực hiện khi nhà chung cư đi vào vận hành, có ban quản lí với các thành
phần cụ thể. Với chất lượng công trình nhà chung cư hiện nay, nhiều hạng mục
nhà có thể 5-10 năm sau mới cần tới quỹ bảo trì. Những việc cần làm sớm khi
vận hành nhà chung cư ngoài phí dịch vụ thu của dân cư thì phần chi bảo trì
phần sở hữu chung chiếm tỉ lệ nhỏ so với số thu 2% của quỹ này. Việc thu ngay
cả “đống tiền” quỹ bảo trì rồi “để đấy” là không cần thiết. Việc để cho chủ
đầu tư dự án “thu hộ” quỹ bảo trì khi bán căn hộ rất dễ dẫn tới hệ lụy chiếm
dụng phần vốn này và đến khi có ban quản lí nhiều dự án hàng năm sau vẫn chưa
“đòi” được tiền quỹ để bảo trì. Cách làm này chẳng khác nào “thả gà ra để
đuổi”!
Quỹ bảo trì và diện tích sử dụng chung thường xảy ra tranh chấp tại các khu chung cư.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, thống kê sơ
bộ cả nước có khoảng 3.000 tòa chung cư nhưng tính đến hết quý II/2018
có 108 dự án xảy ra tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân với chủ đầu tư trong đó
có nhiều tranh chấp về quỹ bảo trì.
Để hạn chế tình trạng trên, tại sao Bộ
chủ quản không nghiên cứu đề xuất sửa quy định pháp luật theo hướng khác. Ví
như chuyển việc thu quỹ bảo trì cho chính ban quản lí tòa nhà và mức thu có
thể chia nhỏ theo thời gian 5 năm hoặc 10 năm (mỗi năm từ khi cư dân đến cư
trú đóng từ 0,2-0,4%)?
Luật Nhà ở ra đời đã được 5 năm. Với sự
phát triển nhanh của quá trình đô thị hóa đang bộc lộ những bất cập trong
quản lí dự án nhà chung cư cần được điều chỉnh luật pháp cho phù hợp thực
tiễn. Nếu chưa có luật riêng về nhà chung cư thì cũng cần nghiên cứu sửa đổi
những bất cập tại Luật Nhà ở trong đó có việc thu, quản lí, sử dụng quỹ bảo
trì./.
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và
Báo điện tử Ngày mới online ngày 13 tháng
3 năm 2019
|
Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét