Thứ Tư, 13 tháng 3, 2019

 Bởi không quản được?

Trong cuộc sống không ít người trong chúng ta sơ sểnh để mất, thậm chí bị kẻ gian đánh cắp mất chiếc ví.
Có thể hiện nay không nhiều người để lượng tiền lớn trong ví, thế nhưng rất có thể tới đây bạn sẽ mất hàng chục triệu đồng nếu chẳng may bị mất chiếc ví dù trong đó không có tiền. Bởi trong chiếc ví thường có cả một số giấy tờ quan trọng, nhất là chiếc bằng lái xe…
Ngày 6/3, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất "tất cả người mất bằng lái xe phải thi lại" với lí do nhằm tránh tình trạng lợi dụng để xin thêm bằng thứ 2, thứ 3 hoặc người bị giữ bằng do vi phạm, bỏ bằng cũ, khai gian dối để xin cấp mới...

Quản lí GPLX giữa các bộ chưa có liên thông nên gặp nhiều lúng túng.

Ai cũng biết, hành trình thi lấy chiếc bằng lái xe tốn kém thời gian, công sức và cả tiền bạc. Mục đích của việc thi cấp bằng nhằm bảo đảm người được cấp có đủ kĩ năng tay nghề, nắm được luật lệ khi sử dụng phương tiện giao thông trên đường. Với người mất bằng lái vì lí do khách quan như kể trên hoặc gặp thiên tai, hỏa hoạn… thì họ đâu có mất đi nhận thức luật lệ hay năng lực sử dụng phương tiện? Việc thi lại là hoàn toàn vô dụng, không cần thiết, gây lãng phí cho cá nhân và cả nguồn lực của xã hội.
Một vài cán bộ công quyền hiện nay vẫn tồn tại tư duy “không quản được thì cấm” và thói quen “chuyển phần khó sang cho người dân”. Việc bắt buộc thi để cấp lại bằng lái xe khi bị mất là cách làm gây khó cho dân.
Được biết, cách đây hơn chục năm hệ thống y tế nước Bỉ đã thực hiện sổ y bạ điện tử, dữ liệu người bệnh được cập nhật, liên thông trong toàn hệ thống giúp người dân, cơ quan bảo hiểm và các bệnh viện vừa tiện dụng vừa tiết kiệm rất nhiều về chi phí khám chữa bệnh.
Hiện nay, Việt Nam ta cũng bắt đầu tiến trình xây dựng chính phủ điện tử nhằm bắt kịp sự phát triển trong cuộc cách mạng 4.0. Để tiến trình này được nhanh chóng, hiệu quả thì từ cơ sở đến các bộ, ngành phải tiếp cận phương pháp quản lí hiện đại ngay tại cơ quan, đơn vị mình chứ đâu phải chờ Chính phủ hoàn thiện thể chế, hạ tầng kĩ thuật? Ví như câu chuyện quản lí chiếc bằng lái xe kể trên, lẽ nào việc quản để khắc phục tình trạng gian dối xin cấp bằng thứ 2 trở lên lại khó đến vượt tầm tay? Chỉ cần cơ quan chức năng có phần mềm lưu trữ thông tin cấp bằng, quản lí số bằng bị thu giữ do vi phạm pháp luật liên thông với nhau (giữa các Bộ) thì sao phải buộc người từng có bằng đi thi lại? Những trường hợp vi phạm buộc phải thi lại đã có Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của chính Bộ Giao thông Vận tải đã quy định rất cụ thể tại Khoản 14, Điều 33 và các nội dung về xác minh, cấp lại bằng, trách nhiệm của cơ quan chức năng ra sao tại các Điều 34, 35 Thông tư này…
Nếu thực hiện như đề xuất trên thì không những đẩy cái khó cho người dân mà chính Bộ chủ quản cũng mất công xây dựng lại thông tư thay thế Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày  13 tháng 3 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét