Thứ Tư, 6 tháng 3, 2019

Tiền “ẩn nấp”

Người ta thường nhắc nhau rằng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Nay có thể thêm câu là “đồng tiền ẩn nấp là đồng tiền khôn”!
Đã từng xảy ra một số vụ trộm đột nhập nhà lãnh đạo rồi mới phát lộ ra chủ nhân rất giàu có (vì trước đó nhìn cách sống giản dị, ai cũng nghĩ người đó thu nhập trung bình). Gần đây, khi xảy ra vụ cướp tại trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây thì nhiều người mới biết rằng số tiền thu hằng ngày tại các trạm thu phí BOT rất lớn.

Trạm BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ luôn có mật độ giao thông cao

Câu chuyện doanh thu tại trạm BOT từng xảy ra lùm xùm, mâu thuẫn trong nội bộ chủ đầu tư tại dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ làm phát lộ chênh lệch số tiền thu mỗi ngày 582 triệu đồng khiến dư luận khi đó bất ngờ. Tưởng sau vụ này cơ quan quản lí sẽ có giải pháp quản lí chặt chẽ doanh thu tại các trạm BOT. Thế nhưng sự việc xảy ra tại trạm thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây khiến nhiều người nhận ra việc quản lí dường như chưa có sự thay đổi, thậm chí có thể bị buông lỏng. Nhiều ý kiến tính toán, trong 1 ca (8 giờ), trạm thu phí này thu được hơn 2 tỉ đồng, vậy với 3 ca/ngày, cao tốc có thể thu được số tiền lên đến 6-8 tỉ đồng (vì thời điểm sau 30 tết, các loại phương tiện đóng phí cao như xe tải, xe container rất ít). Nhưng một vị lãnh đạo doanh nghiệp BOT lại thanh minh rằng số tiền đó là tồn đọng của cả mấy ngày!
Mọi người đều biết doanh thu dự toán trong phương án tài chính khi nhà đầu tư xây dựng lên là cơ sở định giá vé, thời gian thu phí mỗi dự án BOT. Doanh thu được thẩm định bởi cơ quan quản lí Nhà nước và cần điều chỉnh phù hợp thực tiễn vì phương tiện giao thông luôn biến động theo chiều hướng tăng. Qua những cuộc kiểm toán dự án BOT của Kiểm toán Nhà nước thời gian qua cho thấy, hầu hết các dự án đều bị điều chỉnh giảm thời gian thu phí vì nhiều chi phí xây dựng bị “vống” lên. Sự thiếu minh bạch từ lúc xây dựng đến cả khi khai thác vận hành đường BOT khiến Nhà nước, doanh nghiệp và người dân chịu “thiệt đơn, thiệt kép”.

Trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây

Một trong những giải pháp nhằm minh bạch hóa việc khai thác, vận hành đường BOT là lắp đặt thiết bị thu phí không dừng tại trạm thu phí đang bị “khất lần” vì nhiều lí do, nhất là yếu tố kĩ thuật được chủ đầu tư và cả cơ quan quản lí nhấn mạnh. Cuộc cách mạng 4.0 được nhiều người nhắc tới như câu cửa miệng nhưng giải pháp thu phí không dừng dường như vẫn đang ở giai đoạn “không có chấm”! “Không có chấm” phải chăng là sự “vô tình” đang mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư BOT? Chỉ tại một trạm thu phí mà mức doanh thu tới mấy tỉ đồng mỗi ngày, thử hỏi hàng chục trạm thu phí trên cả nước, số tiền rất dễ che khuất này là bao nhiêu?
Rõ ràng những đồng tiền biết cách “ẩn nấp” là đồng tiền… “rất khôn”!
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 06 tháng 3 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét