Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019

Thả trẻ vào rừng

Cuộc cách mạng thông tin bước vào giai đoạn bùng nổ như đang tan hòa thực tại với ảo, ảo với thực tại.
Không gian mạng có thể ví như một “cánh rừng” toàn cầu. Cánh rừng đó ban đầu khá nguyên sơ, ít cám dỗ và hiểm họa. Thế rồi trong rừng xuất hiện ngày càng nhiều cư dân (tốt có, xấu có) và cả những con thú săn mồi hoang dã.

Kết quả hình ảnh cho trẻ nghiện games
Trước đây, nhiều người đã biết hội chứng lẫn lộn thực - ảo với một số người nghiện games do dành quá nhiều thời gian sống trong môi trường trò chơi trên máy tính. Nay thì hội chứng đó đã có mặt ở nhiều hình thức khác nhau trong không gian mạng, kể cả những chương trình giải trí có uy tín nhất định như YouTube.
Vừa qua tại Anh đã xảy ra câu chuyện về cô bé 7 tuổi Callie Astill. Từ bé ngoan hiền, Callie thường xuyên có những biểu hiện lạ như đờ đẫn, không dám đi vệ sinh một mình, la hét, đòi rời trường về nhà, thậm chí tự đập đầu vào tường. Sau gia đình mới được em kể là hoảng sợ vì quái vật Momo xuất hiện trong các video trên YouTube Kids - kênh mà nhiều phụ huynh nghĩ là an toàn với các con. Một nạn nhân nữa là cậu bé Harry Giblin, 5 tuổi  (cũng ở Anh), rơi vào hoảng loạn sau khi hình ảnh Momo đột ngột nhảy lên trong video Peppa Pig. Hơn 24 giờ tiếp theo, cậu bé dù rất sợ hãi vẫn không dám tiết lộ nguyên nhân vì video đe dọa sẽ giết cả gia đình em nếu kể về Momo cho người khác…
Quái vật Momo xuất hiện trên YouTube Kids

Với những đứa trẻ, lời đe dọa của Momo thực sự đáng sợ. Các em không dám làm trái ý nó vì sợ quái vật sẽ giết người thân. Nhiều em buộc phải tiếp tục xem các video và càng thêm hoảng loạn. Với trò chơi tham gia thử thách Momo, một số đứa trẻ ở Argentina, Ấn Độ, Pháp, Bỉ và Philippines đã tự sát…
Đó là một vài ví dụ về hệ quả việc để trẻ em tự do giải trí trên môi trường mạng.
Hiện nay vì tính tiện dụng, nhiều bà mẹ trẻ thích dùng chiếc smartphone làm công cụ để giỗ dành trẻ nhỏ, cho xem phim như thứ “mồi” để dụ chúng chịu ăn. Ít người nghĩ rằng đây là bước đầu tiên tạo hứng thú cho trẻ chập chững bước vào “khu rừng hoang dại” mà bản thân họ cũng không thể biết trong đó sẽ có những gì. Vốn tính hiếu kì, trẻ nhỏ sẽ nhanh chóng làm chủ một công cụ giao tiếp hiện đại. Khi đã thông thạo và sở hữu chiếc điện thoại, máy tính… xem như trẻ đã ngoài tầm kiểm soát của người lớn, dễ dàng mất hút trong khu rừng thông tin bát nháo và nguy hiểm.

Trẻ em dùng điện thoại sớm có thể gây nhiều tác hại.

Mấy năm trước từng xuất hiện trào lưu trên mạng xã hội tẩy chay tiêm vaxin khiến nhiều người tin theo. Hôm nay, nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam ta đang phải vất vả chống đỡ một dịch bệnh từng bị loại khỏi từ lâu, đó là bệnh sởi… Đây là hệ quả của trào lưu phản khoa học nói trên.
Vậy là cả với người trưởng thành, có kiến thức và kĩ năng sống nhưng vẫn có thể bị u mê, lạc lối trong khu rừng thông tin. Vậy thì việc “thả trẻ vào rừng” vô tình đẩy các em đối mặt hiểm họa, hậu quả khôn lường là điều rất khó tránh khỏi./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 07 tháng 3 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét