Thứ Ba, 19 tháng 3, 2019

Liệu có cái “lồng pháp luật”?

Trong không ít những cuộc lễ kỉ niệm, hội nghị, lễ hội, dự khán thường phải nghe lời giới thiệu tràng giang đại hải họ tên, chức vụ các vị đại biểu đáng kính. Dù vậy nhưng cũng nhiều ban tổ chức lễ, hội phải nghe lời phàn nàn, chê trách rằng đã giới thiệu thiếu người này, sót người kia. Lẽ thường là vậy, càng kể ra nhiều vị thì chắc chắn sẽ thiếu những vị nào đó.
Chuyện tương tự như trên nay còn xảy ra cả với việc biên soạn văn bản pháp luật.
Vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ra một Thông tư Ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu được phép lưu hành tại Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 11/2/2019 và sẽ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Trong danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam gồm 18 loại: Ngô, thóc, lúa mì, gluten, đậu tương, khô dầu, sắn, hạt các loại, thức ăn thô (cỏ khô, cỏ tươi các loại, rơm, vỏ trấu các loại), phụ phẩm của ngành sản xuất cồn ethylic từ hạt cốc, mía, củ các loại (khoai tây, khoai lang, khoai môn, khoai sọ), các loại bã, thức ăn có nguồn gốc từ thuỷ sản, thức ăn có nguồn gốc từ động vật trên cạn, sữa và sản phẩm từ sữa, dầu cá, dầu - mỡ. Hết!
Lợn chờ thức ăn công nghiệp quy chuẩn. Ảnh minh họa.

Như vậy có thể hiểu, với những loại thức ăn chăn nuôi nằm ngoài danh mục trên sẽ bị cấm sử lưu hành tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi thông dụng, vốn được sử dụng phổ biến ở các vùng thôn quê bao đời nay để tiết kiệm chi phí như bèo tây, thân cây chuối, nhiều loại rau (rau muống, rau lang, su hào, cà chua, cà rốt)… sẽ không được phép lưu hành!
Điều 33 Hiến pháp 2013 khẳng định người dân có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Hiểu nôm na là những gì mà pháp luật không cấm thì người dân được làm. Cách làm để ra bản thông tư trên có vẻ đi ngược với tinh thần Hiến pháp: Cái gì pháp luật cho phép người dân, doanh nghiệp mới được làm!


Cuộc sống rất sinh động và luôn biến chuyển muôn hình vạn trạng. Người làm luật luôn muốn tạo được những chiếc “lồng thép” nhằm giữ cho quyền quản lí của mình vững chắc, dễ dàng. Tuy nhiên, khó có thể gom hết thực tiễn cuộc sống vào trong một chiếc lồng nhỏ bé, cứng nhắc. Chỉ có quyền lực mới cần được đưa vào “lồng thép” thể chế để tránh lạm quyền, còn pháp luật phải bám sát, vừa quản lí, vừa tạo điều kiện cho thực tiễn phát triển lành mạnh trong sự công bằng./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 19 tháng 3 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét