Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

 Cửa phật ăn mày

Trong tiềm thức nhiều người cao tuổi, hình ảnh những người ăn mày xưa thường rách rưới, gầy gò, bên mình luôn có bị gậy và chiếc nón rách. Họ thường ngồi đầu đường xó chợ, nơi đông người qua lại, ngửa chiếc nón ra cùng với mấy câu cửa miệng “lạy ông đi qua, lạy bà đi lại, làm ơn làm phúc cho tôi xin miếng cơm, vài xu bạc lẻ…”.
Những người ăn mày đúng là phận “bần cùng bất đắc dĩ” chẳng ai muốn làm, chỉ vì hoàn cảnh khốn quẫn.

Còn câu “ăn mày cửa phật” thì có tích kể rằng một ông lão ăn mày theo đoàn người đi lễ, đến cửa phật gặp vị tăng đã cầu xin đức Phật ban phát sự công bằng và mong được bằng với những người giàu sang đang lễ cầu tại đây. Vị tăng nói đại ý rằng họ cũng chỉ là những kẻ ăn mày mà thôi, ông cứ thử lại gần nghe xem họ cầu xin thì biết. Làm theo lời, ông lão ăn mày tới gần những người đó nghe và nhận ra không chỉ mình, tất cả những người tưởng giàu sang phú quý nhưng cũng thiếu đủ thứ phải cầu xin, kể cả sức khỏe, hạnh phúc…
Ngày nay, đến bất kì di tích đền chùa miếu mạo nào cũng bắt gặp hình ảnh những chiếc hòm công đức. Nơi càng nhiều khách vãng lai thì hòm công đức cũng như “đông đúc” theo. Tại mỗi nơi có bát hương không thể thiếu chiếc hòm công đức đứng bên cạnh.


Hòm công đức san sát tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội

Xét về bản chất, chiếc hòm công đức cũng chẳng khác gì chiếc bị cói hay tấm nón rách của lão ăn mày kể trên - tất cả đều để đựng những thứ bố thí từ khách vãng lai. Và vì vậy nơi cửa phật nay không chỉ có những kẻ đến ăn mày, chính nhà phật cũng đang đẩy mạnh việc “ăn mày”!
Chiếc hòm công đức tuy phận “ăn mày” nhưng có thể mang lại cho các chùa nhiều và có thể là rất nhiều tiền. Nhưng sao tại chốn thanh tịnh, từng mong thoát tẩy mọi tham, sân, si lại luôn cần nhiều tiền như thế? Nếu có cần chăm sóc, trùng tu, chỉnh trang thì cũng “năm thì mười họa” đâu phải việc thường xuyên? 


Chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh) cổ kính, thanh tịnh, tuyệt nhiên không có hòm công đức.

Những năm qua tại nhiều đền chùa, di tích lịch sử từng xảy ra những lùm xùm việc thu chi tiền công đức bởi thiếu vắng hệ thống quản lí theo pháp luật nguồn tiền không nhỏ này. Không ít những ngôi chùa mà sư trụ trì sở hữu xe sang, cởi tấm áo cà sa ra là khó phân biệt nhà sư hay đại gia. Không biết nguồn tiền nhiều có làm cho di tích thêm đẹp, thêm danh tiếng hay không nhưng nguy cơ đồng tiền sẽ tha hóa nhân cách con người thì ở đâu cũng có.
Đã đến lúc cơ quan quản lí văn hóa, tôn giáo và giáo hội phật giáo cần nghiêm túc nhìn nhận việc này, ngồi lại để cùng nhau tìm ra giải pháp duy trì hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại các chùa chiền, di tích bảo đảm lành mạnh, đúng tôn chỉ mục đích.
         Nếu cứ để thực trạng này, chiếc hòm công đức sẽ làm xấu xí những nơi tôn nghiêm và rất có thể cửa phật trở thành chốn ăn mày có tổ chức!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 26 tháng 9 năm 2019

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

Khi niềm tin chưa đủ

Không biết có nói quá nếu cho rằng giáo dục là mối quan tâm hàng đầu của xã hội ngày nay. Bởi nhà nào chẳng có con trẻ sẽ, đã và đang đi trên con đường mênh mang, xa tắp của học vấn, là hi vọng của tương lai.
Một thời xa vắng khi đất nước còn muôn vàn khó khăn nhưng niềm tin vào nền giáo dục nói chung, vào ngành giáo dục nói riêng như sự tất yếu, không mấy khi bàn cãi. Nay thì giáo dục luôn luôn xuất hiện những chuyện khiến dư luận bất an và niềm tin dần bị xói mòn.
Năm trước một loạt địa phương miền núi phía Bắc phát lộ gian lận thi cử từ chính những người vận hành kì thi khiến dư luận rúng động. Lẽ ra việc điều tra, xử lí tiến hành rốt ráo, nghiêm minh, xử lí đúng người đúng tội sẽ phần nào lấy lại chút niềm tin. Thế nhưng vụ việc cứ như “trồi lên rồi lại tụt xuống”, mỗi nơi hành xử một tầm mức khác nhau, thậm chí có lúc như chìm đi khiến nhiều người thêm mất đi niềm tin rằng vụ việc sẽ được trị tận gốc, làm rõ bản chất sự hối lộ, mua bán điểm. Nếu chính học sinh cũng mất niềm tin vào những kì thi thì vô cùng nguy hại! 


Tài liệu Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. 

Cũng liên quan đến chuyện tiêu cực kì thi năm trước, gần đây Bộ GD&ĐT ra Quyết định số 245/QĐ-BGDĐT về việc thành lập hội đồng kỉ luật công chức và Thông báo số 878/TB-BGDĐT về việc xem xét xử lí kỉ luật với 13 công chức của Bộ có trách nhiệm trong việc xảy ra gian lận thi THPT quốc gia năm trước. Thế nhưng chỉ hai tuần sau, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã hủy bỏ quyết định và thông báo chính mình ban hành nêu trên khiến dư luận ngạc nhiên. Phải chăng vì gần nửa trong số 13 công chức có trách nhiệm trên là thanh tra giáo dục nên đủ lí lẽ “bẻ lại” được cấp trên? Những “bùng nhùng” nội bộ này đã tiếp tục “hạ điểm” tín nhiệm vào một cơ quan cao nhất vận hành nền giáo dục nước nhà.
Gần đây nhất, việc Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa loại Sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại khiến dư luận thêm một lần ngỡ ngàng. Thì ra bộ sách có hành trình hơn 40 năm được gần triệu học sinh ở 48 tỉnh thành sử dụng, được nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá cao nay lại bị cả 15/15 thành viên hội đồng xếp vào loại “không đạt” với hàng tá nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ! Bộ sách này từng bị loại ra vào năm 2000 rồi “phải” trở lại vào 2006 khi nạn “ngồi nhầm lớp” diễn ra phổ biến. Lần loại ra thứ 2 của bộ sách này liệu có “ngày tái hồi”?  


Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang có lúc như chìm xuống khiến dư luận nghi ngờ

Những năm qua, ngoài việc nội dung chương trình giáo dục được coi là quá tải với học sinh thì sách giáo khoa cũng là một gánh nặng với phụ huynh, khi mà năm nào cũng phải mua mới, không thể dùng lại vì sách liên tục chỉnh sửa. Liệu có ai dám khẳng định những bộ sách được Hội đồng quốc gia thẩm định duyệt đạt vừa qua sẽ giữ được sức sống hàng chục năm như sách của GS Hồ Ngọc Đại, hay rồi lại sớm phải chỉnh sửa, in lại? Dư luận đã có ý kiến rằng cần “thẩm định” lại Hội đồng thẩm định và nghi ngại thành phần hội đồng “có người” của Nhà xuất bản giáo dục!
Khi mà niềm tin chưa đủ thì sức thuyết phục của những quyết sách sẽ vô cùng khó khăn!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 24 tháng 9 năm 2019

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

 Án phạt dành cho ai?

Ban kỉ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã đề nghị ra án “treo sân” 2 trận với Ban tổ chức sân Hàng Đẫy sau sự cố pháo sáng ở vòng 22 vào tối 11/9.
Nhưng đâu phải ai cũng biết Ban tổ chức là những ai? Treo sân thì họ chịu thiệt thòi những gì?


Hình ảnh cổ động viên đốt pháo sáng trong trận bóng tối 11/9

Sau sự cố trên, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần thể thao Hà Nội T&T Nguyễn Quốc Hội đã nói trước báo giới: “Tôi là người trong Ban quản lí sân và đại diện T&T xin gửi lời xin lỗi tới những người hâm mộ chân chính…”. Một lời xin lỗi được đưa ra không quá khó khăn.
Hệ quả của án phạt là các cầu thủ CLB Hà Nội, một đội đang dẫn đầu ứng cử chức vô địch với phong cách đá đẹp phải thi đấu trên sân không có khán giả ở vòng 23 gặp Viettel tối 15/9 và vòng 25 gặp Quảng Nam (6/10).
Với mỗi cầu thủ khi ra sân lẽ ra chỉ cần tập trung trí lực cho việc thi đấu. Cảm hứng thi đấu thăng hoa hay không có phần quan trọng của sự động viên đến từ khán giả trên khán đài. Đá bóng trên một sân vắng người xem thì cầu thủ tìm đâu ra cảm hứng và động lực? Vậy, án phạt này trước tiên đã “bổ” xuống đầu cầu thủ đội nhà một cách bất công. Họ như phải chịu trách nhiệm trước một vài cổ động viên xấu xí. Và như vậy, cầu thủ bóng đá ra sân đã gánh thêm trọng trách khác, đó là an ninh trên khán đài!
Với các cổ động viên chân chính và mọi khán giả (cả trên sân và xem truyền hình, nếu trận cầu tường thuật trực tiếp) có thể coi họ cũng chịu án phạt trên! Với những sự cố an ninh trong sân, lẽ ra khán giả phải là người được nhận lời xin lỗi và bồi thường thế nào đó từ những người có trách nhiệm tổ chức giải đấu.
Những thành công gần 2 năm qua của bóng đá nước nhà đến từ quá trình đào tạo, phát triển bóng đá trẻ của các câu lạc bộ, sự hậu thuẫn của các mạnh thường quân, nỗ lực của các huấn luyện viên, đặc biệt là HLV Hàn Quốc Park Han Sơ. Ngoài ra theo một số nhận định, thành công còn có một lí do, đó là bởi Liên đoàn bóng đá VFF đã… “không làm gì cả”!
Những tưởng hàng loạt vụ đốt pháo sáng của CĐV Hải Phòng năm trước sẽ được VFF nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của mình, sớm tìm ra giải pháp hiệu quả và quyết tâm chấm dứt. Họ có thể “không làm gì”, như can thiệp vào nhân sự, chuyên môn… nhưng sự an toàn của cả giải đấu và từng trận cầu, trách nhiệm cao nhất phải thuộc về VFF. Nhưng, cũng như những lần khác, “quả cầu” bên ngoài sân cỏ mang tên trách nhiệm đang được những người có trách nhiệm chuyền qua lại cho nhau.


Hình ảnh nữ cổ động viên bị trọng thương vì pháo sáng trên sân vận động Hàng Đẫy tối 11/9 vừa qua.

Người Trung Quốc xưa có câu “chưa thấy quan tài, chưa rơi lệ”. Vụ việc xảy ra trên sân Hàng Đẫy vừa qua hoàn toàn có thể dẫn tới một án mạng nếu quả pháo đó trúng đầu, mặt hoặc chỗ hiểm của người nào đó.
Đã đến lúc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có động thái mạnh mẽ với Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Nếu không có mức án phạt, xử lí nghiêm túc người có trách nhiệm trước những bất an trong các trận giao đấu bóng đá thì sự cố pháo sáng rồi sẽ “đến hẹn” lại có!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 19 tháng 9 năm 2019

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2019

 Lượng hóa công - tội?

Có công thì thưởng, có tội phải phạt, đó là chân lí được mọi thể chế thực thi từ bao đời nay.
Tuy nhiên, quan điểm lấy công trong quá khứ để “tẩy nhạt” tội lỗi hiện tại là điều không được thừa nhận của đa số người, nhất là những tội nghiêm trọng.
Đại tá quân nhu thời kháng chiến chống Pháp Trần Dụ Châu ắt cũng công trạng “đầy mình”, có vậy mới được phong hàm đại tá và giao trọng trách quản kho lương phục vụ quân sĩ. Song những cái công ấy không thể tẩy nhẹ cái tội ăn cắp của công cho cuộc sống vương giả, phè phỡn trong khi quân sĩ ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm. Sự phung phí, trục lợi đó chính là tội ác. Vì vậy sau đêm trắng suy nghĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin ân xá giảm tội của Trần Dụ Châu.


Người ta khó có thể lượng hóa công và tội. Với người quyền cao chức trọng lại càng khó hơn bởi chính cái quyền chức đó là thành tố được tạo bởi những công lao, thành tích. Khi Nhà nước phong bổ chức vụ cho một cán bộ cũng chính là phần thưởng trao cho bởi anh ta đã có công. Đây là sự sòng phẳng giữa cá nhân và Nhà nước, không còn “nợ nần” để “khấu trừ” cho những thứ khác về sau. Vậy với cương vị cao đó anh lại lợi dụng để tư lợi lớn thì không thể lấy cái công quá khứ để giảm nhẹ cho cái tội về sau và thực ra cần trị nặng hơn.
Thường người ta hay đưa chuyện giảm nhẹ tội cho những người có công lao nhất định, đang giữ chức vụ, quyền hạn cao. Tuy nhiên người ta lại hay quên đi tình tiết tăng nặng đối với những người này. Người có chức vụ, quyền hạn cao thường là những tấm gương có sức ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội. Khi tấm gương lớn đó vẩn mờ sẽ gây tác hại rất lớn, có thể thiệt hại còn nhiều gấp bội những vật chất, tiền của, tài sản của nhà nước mà họ làm thất thoát hoặc tư lợi. Ví dụ trường hợp một ủy viên bộ chính trị bị khởi tố, uy tín của Đảng bị tổn hại, niềm tin của Nhân dân vào Đảng giảm sút, thiệt hại đó liệu có thể đong đếm? Một Ủy viên trung ương Đảng, bộ trưởng từng rao giảng về đạo đức, “dạy dỗ” thuộc cấp bằng những ngôn từ cận ngưỡng “chợ búa” lại nhận hối lộ hàng tỉ đồng rồi làm thất thoát hàng nghìn tỉ đồng thì niềm tin cuả người dân vào đội ngũ công quyền có rạn vỡ? Sức “lan tỏa” sự phá hoại niềm tin từ những tấm gương xấu đó khác gì những quả bom? Đây cần được coi là những tình tiết tăng nặng.


Bị can Nguyễn Bắc Son (trái) và Trương Minh Tuấn từng nhận hối lộ hàng tỉ đồng từ doanh nghiệp. Ảnh Bộ Công an 

Tình tiết giảm nhẹ chỉ nên áp dụng cho những hành vi hiện tại, ví như thành khẩn khai báo, nhận tội, hỗ trợ đắc lực cho lượng phá án, khắc phục phần lớn thiệt hại vật chất…
Chúng ta đang phấn đấu cho một xã hội công bằng, cái cần công bằng, bình đẳng quan trọng nhất, đó là trước pháp luật.
Trong tiến trình phát triển của xã hội và công cuộc kiến thiết đất nước, từ người lãnh đạo cao nhất cho đến một nhân viên lao công đều có công với tiến trình đó.
Nếu cứ tìm cách giảm nhẹ tội cho những người từng quyền cao, chức trọng bằng công trạng dĩ vãng thì người dân thường mãi mãi yếu thế và bình đẳng trước pháp luật chỉ là câu khẩu hiệu vui tai./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 12 tháng 9 năm 2019

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019


Cách ứng phó nguy cơ thảm họa  

Xưa có chuyện, lão phú ông thấy anh hầu có tính hấp tấp, nhiều khi bẩm báo vụ việc chẳng đến đầu đến đũa, khiến chủ phát bực, liền yêu cầu từ nay mọi chuyện khi bẩm thưa đều phải ngọn ngành, có đầu có đuôi.
Hôm ấy thấy phú ông đang ngồi thì gấu áo the bén lửa từ từ cháy. Anh hầu thủng thẳng kể câu chuyện trồng dâu nuôi tằm, xe tơ, dệt vải, may đo và cuối cùng ông chủ mua về chiếc áo the, nay ông đang mặc, chiếc áo của ông đã bén lửa và đang cháy...
Việc ứng phó của chính quyền với vụ cháy kho hàng của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) vừa qua, khiến tôi liên tưởng đến chuyện tiếu lâm trên. Có lẽ UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) đã quá hấp tấp, không theo quy trình, báo cáo đầu đuôi nên đã bị phê bình khi khuyến cáo người dân phòng ngừa?

Đám cháy lớn, độc hại, UBND phường cảnh báo, chỉ dẫn dân phòng ngừa nên suýt bị kỉ luật!
Chuyện là, khi kho chứa hàng rộng cả nghìn mét vuông phát cháy, nhiều người dân đã cảm nhận bầu không khí khác thường, gây khó chịu. Khi đó UBND phường Hạ Đình đã nhanh chóng ban hành văn bản khuyến cáo, chỉ dẫn người dân cách phòng ngừa. Trong hai mục khuyến cáo gồm mục 1 về vệ sinh cá nhân, có 7 nội dung như đeo khẩu trang, rửa mắt, mũi, súc miệng, ăn uống bảo đảm vệ sinh, sơ tán trẻ em người già ra khỏi khu vực ảnh hưởng…; mục 2 về vệ sinh môi trường gồm hướng dẫn thay giặt quần áo nhiễm khói bụi, vệ sinh nhà cửa vật dụng… nói chung là rất cần thiết với người dân quanh khu hỏa hoạn của cơ sở sản xuất công nghiệp độc hại. Chỉ có nội dung cuối cùng (thứ 4 của mục 2) yêu cầu “tiêu hủy rau, trái cây tự trồng trong bán kính 500m…” là không cần thiết và có thể xem là ngoài thẩm quyền.


Văn bản của UBND phường Hại Đình, quận Thanh Xuân bị thu hồi

Cách xử lí của UBND phường Hạ Đình bị coi là vượt thẩm quyền và đã bị kiểm điểm, văn bản bị thu hồi. Có lẽ theo quy trình thì phường phải báo cáo quận, quận báo cáo thành phố rồi thành phố đề nghị ngành chức năng (y tế, môi trường) xuống thẩm định xem có đúng là ô nhiễm đến mức nguy hiểm đến sức khỏe hay không để có hành động tiếp theo! Tóm lại, dù gì thì câu chuyện cũng phải “có đầu có đuôi” như chuyện cháy áo của lão phú ông!
Và đúng như vậy, sau 8 ngày kể từ khi vụ hỏa hoạn xảy ra, tại buổi họp báo Chính phủ chiều 4/9, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức xác nhận quy mô và mức độ ô nhiễm chất độc hại ra môi trường (ước tính nguồn thủy ngân có thể phát tán ra sau vụ cháy là hơn 15 đến trên 27 kg). Thông tin này giờ chỉ có tác dụng nhìn nhận rõ thực trạng để có giải pháp khắc phục hậu quả, làm sạch môi trường, còn với người dân chịu ảnh hưởng, nó không còn mấy ý nghĩa!
Vậy hãy nhìn lại những khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình và đặt câu hỏi, nó có kịp thời và thiết thực với người dân hay không? Tin rằng những ai đã nghe và làm theo khuyến cáo đó đã bớt đi phần nào sự lo ngại cho sức khỏe của mình cùng gia đình.
Đằng sau cách xử sự vô trách nhiệm, khó hiểu của quận Thanh Xuân là cái gì? Nên chăng, các cấp, ngành “bên trên” chịu “hạ cố” xuống Hạ Đình để cùng phường kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc cho cách ứng xử với một nguy cơ thảm họa môi trường!?
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi và ngaymoionline.com.vn 
ngày 10 tháng 9 năm 2019

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019

Ứng xử hay nhân phẩm?

Hai khái niệm này khi xét về hành vi của con người có những điểm giống nhau nhưng cũng có điểm khác nhau căn bản. Phép ứng xử và tư cách đạo đức của đội ngũ công bộc luôn là điều được xã hội quan tâm, nhìn nhận và đánh giá.
Trước những biểu hiện yếu kém, bất cập về văn hóa ứng xử trong môi trường công vụ, cuối năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành Đề án về văn hóa công vụ với mục tiêu là “nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…”. Đích cuối cùng nhằm xây dựng được hình ảnh đẹp, nâng cao uy tín và sự đồng cảm của Nhân dân với đội ngũ công chức, viên chức trong thừa hành công vụ và cả trong các quan hệ xã hội.


Trong thực tiễn ta có thể bắt gặp những cách ứng xử, hành vi chưa chuẩn mực của một số cán bộ, công chức, viên chức như thiếu niềm nở, không nhiệt tình, vô cảm… khi tiếp xúc với người dân. Tuy nhiên, trong những người có biểu hiện như vậy chưa hẳn họ là người không tốt, thậm chí có người năng lực chuyên môn cao, sống nghiêm túc, trung thực, có kỉ luật… nhưng do môi trường công tác đơn điệu, áp lực xử lí công việc hoặc những khách quan tức thời chi phối nên nhiều khi họ chưa thật quan tâm đến hành vi ứng xử của mình với người khác. Những trường hợp như thế ta có thể coi là văn hóa ứng xử chưa tốt, cần góp ý để họ điều chỉnh, sửa đổi.
Vụ việc nữ đại úy công an chửi bới, mạt sát nhân viên hàng không, chống đối lực lượng an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua được một số người cho đây là biểu hiện văn hóa ứng xử kém của một công chức. Tuy nhiên thực tiễn diễn ra không hẳn đây là hành vi ứng xử mà là biểu hiện của nhân phẩm, của đạo đức. Chỉ vì chút lợi ích riêng không được đáp ứng mà nỡ chửi bới người khác, rủa mong họ “không lấy được chồng, lấy chồng thì con cái tàn tật…” thì đó là một tâm địa đáng sợ chứ không chỉ là hành vi chửi tục. Lời nói đã toát ra tâm địa của người này với những mong muốn rất tồi tệ cho người khác, đến cả con cái, gia đình họ. Với người dân thường mà chửi rủa như thế đã là không thể chấp nhận, huống hồ đây lại là một sĩ quan công an, người có trách nhiệm giữ gìn trật tự xã hội, thường xuyên có quan hệ, tiếp xúc với người dân. Ngoài việc chửi rủa, nữ hành khách này còn có dấu hiệu của tội vu cáo nếu cơ quan điều tra xác định lực lượng an ninh không đánh người.


Nữ đại úy công an có hành vi xấu nơi công cộng khiến dư luận phẫn nộ

Văn hóa ứng xử kém thì cần được phê phán và xử lí nghiêm túc để cán bộ, công chức nhìn nhận, sửa đổi.
Nếu nhân phẩm, đạo đức của cán bộ, công chức có vấn đề thì cơ quan quản lí cần xem xét lại quy trình tuyển dụng, đánh giá bổ nhiệm, quá trình quản lí giáo dục và phải làm trong sạch đội ngũ. Một người đạo đức không chuẩn mực thì khó có thể đảm nhận và hoàn thành được nhiệm vụ, nên cân nhắc khi sử dụng trong cơ quan trọng yếu./.  
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 6 tháng 9 năm 2019

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2019

 Năm học không… bọc vở

Sau những thống kê số lượng vở cần bọc tại trường mình, trên cả nước trong mỗi kì bước vào năm học mới, vào tháng 5 vừa qua một số học sinh khối 5 của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đã kêu gọi không dùng túi nilon để bọc vở. Thấy lời kêu gọi và đề xuất của các học sinh ý nghĩa và đúng đắn, nhà trường đã quyết định thực hiện việc này với tất cả các khối toàn trường từ năm học 2019- 2020. Sáng kiến nhỏ này đã và đang lan tỏa trong tất cả các khối học sinh phổ thông trong cả nước.


Truyền thống bọc vở viết và sách giáo khoa có lẽ đã bắt nguồn từ hơn nửa thế kỉ trước với mục đích giữ gìn sách vở sạch sẽ, bền lâu. Cách đây mấy chục năm, thế hệ của những người nay đã lên tuổi ông bà hầu hết dùng chung cuốn sách giáo khoa qua nhiều năm học, đến khi cuốn sách đã nhàu nát mới đành bỏ đi. Khi đó bọc sách vở thường dùng những tờ họa báo màu sắc, học sinh lớp sau nhận lại sách cũ của anh chị, sẽ bọc thay bằng một bìa mới. Chính vì vậy việc bọc sách vở cẩn thận là việc làm cần thiết và hiệu quả.
Những năm gần đây, vở và sách giáo khoa ngày càng được in ấn, trang trí bìa đẹp, các trang ruột cũng được dùng loại giấy tốt. Cùng với sự phát triển đồ nhựa, túi bóng (nilon) dần được thay thế cho những tờ họa báo, giấy màu để bọc và nay gần như trở thành vật duy nhất dùng bọc những cuốn sách, vở học sinh.
Sáng kiến không bọc vở bằng túi nilon rõ ràng đã khơi dậy ý thức và trào lưu sống xanh để bảo vệ môi trường sống trong lớp trẻ, là điều nhắc nhở đến các thế hệ khác, đến người tiêu dùng và sản xuất. Khi cả xã hội, cả nền sản xuất có ý thức tự giác trong giữ gìn môi trường, tự điều chỉnh hành vi sẽ mang lại hiệu quả vô cùng to lớn.


Nhưng, từ sáng kiến ban đầu của các em học sinh tiểu học, tại sao chúng ta không tiến thêm một bước: Không cần bọc vở trong năm học mới!
Có mấy lí do cho đề xuất trên: Thứ nhất, vở và sách nay hầu hết đã được các nhà in, nhà xuất bản đóng sẵn, bìa dày, được họa sĩ trang trí đẹp, nếu ta dùng chất liệu khác như họa báo, giấy… bọc vào vô hình chung đã phủ nhận cái bìa đẹp đó (vì khi bọc kín không nhìn thấy gì nữa). Thứ hai, nay hầu hết học sinh được phụ huynh mua sách mới vào mỗi kì khai giảng năm học, không mấy em dùng lại sách cũ và đa số sách cũng đều được nhà xuất bản chỉnh sửa, in lại sau mỗi năm học. Thứ ba, theo kế hoạch, từ năm học sau sẽ thực hiện lộ trình thay thế toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông mới trong đó có sách giáo khoa, bắt đầu là sách giáo khoa lớp 1 (năm học 2020-2021).
Từ những lí do trên, việc bọc cẩn thận cuốn sách, quyển vở để dùng bền lâu là điều không còn nhiều ý nghĩa.
Chính vì vậy, thay vì vận động các em không dùng túi nilon bọc vở, ta chỉ cần giáo dục các em về ý thức giữ gìn cuốn vở sạch đẹp như nó vốn như vậy./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 4 tháng 9 năm 2019