Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019

Ứng xử hay nhân phẩm?

Hai khái niệm này khi xét về hành vi của con người có những điểm giống nhau nhưng cũng có điểm khác nhau căn bản. Phép ứng xử và tư cách đạo đức của đội ngũ công bộc luôn là điều được xã hội quan tâm, nhìn nhận và đánh giá.
Trước những biểu hiện yếu kém, bất cập về văn hóa ứng xử trong môi trường công vụ, cuối năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành Đề án về văn hóa công vụ với mục tiêu là “nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…”. Đích cuối cùng nhằm xây dựng được hình ảnh đẹp, nâng cao uy tín và sự đồng cảm của Nhân dân với đội ngũ công chức, viên chức trong thừa hành công vụ và cả trong các quan hệ xã hội.


Trong thực tiễn ta có thể bắt gặp những cách ứng xử, hành vi chưa chuẩn mực của một số cán bộ, công chức, viên chức như thiếu niềm nở, không nhiệt tình, vô cảm… khi tiếp xúc với người dân. Tuy nhiên, trong những người có biểu hiện như vậy chưa hẳn họ là người không tốt, thậm chí có người năng lực chuyên môn cao, sống nghiêm túc, trung thực, có kỉ luật… nhưng do môi trường công tác đơn điệu, áp lực xử lí công việc hoặc những khách quan tức thời chi phối nên nhiều khi họ chưa thật quan tâm đến hành vi ứng xử của mình với người khác. Những trường hợp như thế ta có thể coi là văn hóa ứng xử chưa tốt, cần góp ý để họ điều chỉnh, sửa đổi.
Vụ việc nữ đại úy công an chửi bới, mạt sát nhân viên hàng không, chống đối lực lượng an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua được một số người cho đây là biểu hiện văn hóa ứng xử kém của một công chức. Tuy nhiên thực tiễn diễn ra không hẳn đây là hành vi ứng xử mà là biểu hiện của nhân phẩm, của đạo đức. Chỉ vì chút lợi ích riêng không được đáp ứng mà nỡ chửi bới người khác, rủa mong họ “không lấy được chồng, lấy chồng thì con cái tàn tật…” thì đó là một tâm địa đáng sợ chứ không chỉ là hành vi chửi tục. Lời nói đã toát ra tâm địa của người này với những mong muốn rất tồi tệ cho người khác, đến cả con cái, gia đình họ. Với người dân thường mà chửi rủa như thế đã là không thể chấp nhận, huống hồ đây lại là một sĩ quan công an, người có trách nhiệm giữ gìn trật tự xã hội, thường xuyên có quan hệ, tiếp xúc với người dân. Ngoài việc chửi rủa, nữ hành khách này còn có dấu hiệu của tội vu cáo nếu cơ quan điều tra xác định lực lượng an ninh không đánh người.


Nữ đại úy công an có hành vi xấu nơi công cộng khiến dư luận phẫn nộ

Văn hóa ứng xử kém thì cần được phê phán và xử lí nghiêm túc để cán bộ, công chức nhìn nhận, sửa đổi.
Nếu nhân phẩm, đạo đức của cán bộ, công chức có vấn đề thì cơ quan quản lí cần xem xét lại quy trình tuyển dụng, đánh giá bổ nhiệm, quá trình quản lí giáo dục và phải làm trong sạch đội ngũ. Một người đạo đức không chuẩn mực thì khó có thể đảm nhận và hoàn thành được nhiệm vụ, nên cân nhắc khi sử dụng trong cơ quan trọng yếu./.  
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 6 tháng 9 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét