Lượng hóa công - tội?
Có công
thì thưởng, có tội phải phạt, đó là chân lí được mọi thể chế thực thi từ bao
đời nay.
Tuy nhiên, quan điểm lấy công trong quá khứ để “tẩy nhạt” tội lỗi
hiện tại là điều không được thừa nhận của đa số người, nhất là những tội
nghiêm trọng.
Đại tá quân nhu thời kháng chiến chống Pháp Trần Dụ Châu ắt cũng
công trạng “đầy mình”, có vậy mới được phong hàm đại tá và giao trọng trách
quản kho lương phục vụ quân sĩ. Song những cái công ấy không thể tẩy nhẹ cái
tội ăn cắp của công cho cuộc sống vương giả, phè phỡn trong khi quân sĩ ăn
chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm. Sự phung phí, trục lợi đó chính là tội ác. Vì vậy
sau đêm trắng suy nghĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin ân xá giảm tội
của Trần Dụ Châu.
Người ta khó có thể lượng hóa công và tội. Với người quyền cao
chức trọng lại càng khó hơn bởi chính cái quyền chức đó là thành tố được tạo
bởi những công lao, thành tích. Khi Nhà nước phong bổ chức vụ cho một cán bộ
cũng chính là phần thưởng trao cho bởi anh ta đã có công. Đây là sự sòng
phẳng giữa cá nhân và Nhà nước, không còn “nợ nần” để “khấu trừ” cho những
thứ khác về sau. Vậy với cương vị cao đó anh lại lợi dụng để tư lợi lớn thì
không thể lấy cái công quá khứ để giảm nhẹ cho cái tội về sau và thực ra cần
trị nặng hơn.
Thường người ta hay đưa chuyện giảm nhẹ tội cho những người có
công lao nhất định, đang giữ chức vụ, quyền hạn cao. Tuy nhiên người ta lại
hay quên đi tình tiết tăng nặng đối với những người này. Người có chức vụ,
quyền hạn cao thường là những tấm gương có sức ảnh hưởng lớn tới đời sống xã
hội. Khi tấm gương lớn đó vẩn mờ sẽ gây tác hại rất lớn, có thể thiệt hại còn
nhiều gấp bội những vật chất, tiền của, tài sản của nhà nước mà họ làm thất
thoát hoặc tư lợi. Ví dụ trường hợp một ủy viên bộ chính trị bị khởi tố, uy
tín của Đảng bị tổn hại, niềm tin của Nhân dân vào Đảng giảm sút, thiệt hại
đó liệu có thể đong đếm? Một Ủy viên trung ương Đảng, bộ trưởng từng rao
giảng về đạo đức, “dạy dỗ” thuộc cấp bằng những ngôn từ cận ngưỡng “chợ búa”
lại nhận hối lộ hàng tỉ đồng rồi làm thất thoát hàng nghìn tỉ đồng thì niềm
tin cuả người dân vào đội ngũ công quyền có rạn vỡ? Sức “lan tỏa” sự phá hoại
niềm tin từ những tấm gương xấu đó khác gì những quả bom? Đây cần được coi là
những tình tiết tăng nặng.
Bị can Nguyễn Bắc Son
(trái) và Trương Minh Tuấn từng nhận hối lộ hàng tỉ đồng từ
doanh nghiệp. Ảnh Bộ Công an
Tình tiết giảm nhẹ chỉ nên áp dụng cho những hành vi hiện tại, ví
như thành khẩn khai báo, nhận tội, hỗ trợ đắc lực cho lượng phá án, khắc phục
phần lớn thiệt hại vật chất…
Chúng ta đang phấn đấu cho một xã hội công bằng, cái cần công
bằng, bình đẳng quan trọng nhất, đó là trước pháp luật.
Trong tiến trình phát triển của xã hội và công cuộc kiến thiết
đất nước, từ người lãnh đạo cao nhất cho đến một nhân viên lao công đều có
công với tiến trình đó.
Nếu cứ tìm cách giảm nhẹ tội cho những người từng quyền cao, chức
trọng bằng công trạng dĩ vãng thì người dân thường mãi mãi yếu thế và bình
đẳng trước pháp luật chỉ là câu khẩu hiệu vui tai./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi ngày 12 tháng 9 năm 2019
|
Thứ Năm, 12 tháng 9, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét