Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

Điểm mù thông tin

 

 Đợi AI và trách nhiệm của ai

Liên tục thời gian gần đây xuất hiện nhiều nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến theo một kịch bản rất… cũ. Đó là chiêu trò gọi điện nhân danh các cơ quan công quyền đe dọa vi phạm mà nạn nhân không có, hướng dẫn cập nhật thông tin cá nhân trên VneID của Bộ Công an, trên VssID về BHXH, mời gọi đầu tư chứng khoán, vàng online… từ đó dẫn dụ nạn nhân là theo hướng dẫn rồi lừa đảo. Đa số các nạn nhân đều bị lừa số tiền từ hàng chục triệu đến nhiều tỉ đồng. Số tiền bị lừa đảo trên không gian mạng chỉ riêng năm 2023 đã lên tới 10 nghìn tỉ đồng. Ngay tại Hà Nội gần đây có người bị lừa mất 24 tỉ đồng vì bị lừa đầu tư vàng online…

Nếu ai thường xuyên cập nhật thông tin về các thủ đoạn lừa đảo trên (đã được cả báo chí, các trang mạng xã hội lien tục chia sẻ rộng rãi) thì chắc chắn nhận ngay ra khi gặp những tình huống gọi điện lừa đảo. Tuy nhiên có không ít người vẫn chưa nắm được thông tin cảnh báo, trong đó người cao tuổi, người thiếu thông tin luôn là “con mồi” tiềm tàng của bọn lừa đảo công nghệ tinh vi.

Hiện Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đang phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng phần mềm chống lừa đảo cho người dân để đưa lên app dùng chung. Bên cạnh việc cung cấp công cụ hỗ trợ người dân phát hiện các dấu hiệu lừa đảo trên không gian mạng dựa vào ứng dụng công nghệ AI, phần mềm này sẽ giúp người dân nhận diện tội phạm lừa đảo, góp phần nâng cao nhận thức và kĩ năng an toàn, an ninh mạng khi sử dụng điện thoại. Dự kiến, phần mềm sớm được đưa lên các chợ ứng dụng để người dân có thể tải về cài trên các thiết bị công nghệ. Với việc tích hợp dữ liệu về phòng chống tội phạm lừa đảo của các bộ, ngành có liên quan trong đó có Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước, ứng dụng sẽ thông tin đến người dùng những kiến thức giúp nhận diện các hình thức lừa đảo, các nguy cơ bị lừa đảo, tấn công trực tuyến trên không gian mạng.

Tuy nhiên, khi đã có những ứng dụng thông minh này thì sẽ vẫn còn những người tiếp tục bị lừa đảo vì một nguyên nhân chung là không có thói quen cập nhật thông tin kể cả nhiều người trẻ. Không ít người mỗi ngày dùng nhiều giờ đồng hồ song chỉ chơi games, xem video giải trí trên Youbube, Tiktok, Facebook… mà không hề theo dõi, cập nhật thông tin khác, nhất là về tình hình thời sự, chính trị, an ninh trật tự, cho nên có thể coi họ vẫn đang ở trong “điểm mù” thông tin. 

Để xóa “điểm mù” thông tin, ngoài sự tự thân vận động của cá nhân ra rất cần sự tham gia tuyên truyền bằng nhiều kênh, nhiều hình thức của các cơ quan chức năng, đoàn thể và đặc biệt là người thân để phủ kín các đối tượng. Trong mỗi gia đình nếu con cháu có nhận thức tốt các vấn đề về an ninh trật tự luôn chia sẻ, nhắc nhở các thành viên khác thì sẽ hình thành được ý thức cảnh giác của mọi người, không dễ gì kẻ xấu có thể tấn công và lừa đảo./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  26/6/2024

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2024

Kinh doanh vi phạm bình đẳng giới, xúc phạm phụ nữ

 

Gương một chiều và bình đẳng giới

Đầu tháng 6 cộng đồng mạng xôn xao về một quán cafe hẹn hò tại phường Bến Thành, Quận 1 (TP Hồ Chí Minh) khi bị bóc phốt chiêu trò xấu đối với chị em phái nữ đến đây. Đó là quán sử dụng loại kính một chiều ngăn hai phòng, bên nữ nhìn vào chỉ như đang soi gương nhưng phía nam hoàn toàn nhìn thấy bên nữ. Kì lạ hơn, ghế bên nam còn được bố trí thấp và tầm nhìn đặt đúng vào phần thân dưới các bạn nữ ngồi đối diện. Chỉ cần bạn nữ thoải mái, tự nhiên hành động hớ hênh một chút (nhất là khi mặc váy) là sẽ bị bên nam nhìn thấy “vùng nhạy cảm”.

Cách hành xử với khách như vậy thực sự là coi thường phụ nữ, chẳng khác nào xem họ như một món hàng giải trí để đàn ông lựa chọn trong khi quán mang danh “hẹn hò” (để nam nữ đến tìm hiểu nghiêm túc tiến tới yêu đương và hôn nhân).

Sự việc này làm nóng dư luận, đa số phản đối cách kinh doanh của quán này và chính quyền đã phải vào cuộc kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động.


Phường Bến Thành, quận 1 đã kiểm tra xử phạt hành chính đối với quán Mina Dating Cafe.

Điều bất ngờ là chủ quán Mina Dating Cafe kinh doanh cà phê hẹn hò trên chỉ bị phạt hành chính hơn 18 triệu đồng với các lỗi chẳng liên quan gì tới hành vi phận biệt giới, xúc phạm phụ nữ mà lẽ ra phải được căn cứ vào Luật Bình đẳng giới. Cụ thể UBND Quận 1 xử phạt chủ quán số tiền 3,5 triệu đồng về hành vi vi phạm giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên; xử phạt chủ quán số tiền 12,5 triệu đồng về hành vi vi phạm kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; phạt hành chính số tiền 2,25 triệu đồng về hành vi không tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định! Vậy nên sau này quán vẫn có thể tiếp tục kinh doanh hẹn hò với các phòng hẹn nam nữ với những chiếc gương kì dị kia, cốt là không vi phạm những lỗi đã bị xử phạt!?

Từ năm 2006 Quốc hội đã ban hành Luật Bình đẳng giới (Luật số 73/2006/QH 11) với mục tiêu xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Trong các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới đã quy định “Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới”. Còn các hành vi bị nghiêm cấm cũng yêu cầu “cấm phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức”. Hành vi bố trí hai phòng nam nữ của quán cà phê hẹn hò không có cách giải thích nào khác là phân biệt đối xử về giới với hình thức xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.

Rất tiếc, bộ luật tuy đã được ban hành gần 20 năm song đến nay vẫn còn thiếu các văn bản dưới luật để cụ thể hóa, lấp đi những khoảng trống, đưa pháp luật vào cuộc sống./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  25/6/2024

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

"Cánh đồng vàng" bị bỏ hoang

 

 Thâm canh… vàng

Từ thâm canh thường được nói về việc nhà nông tăng cường canh tác không đất đai nhàn rỗi. Thâm canh tăng vụ, tăng năng suất để đất đai mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho người sử dụng và lợi ích cho xã hội.

Luật Đất đai  khẳng định “Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống,  địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các công tình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng”. Chính vì là loại tư liệu sản xuất đặc biệt nên người sở hữu, chủ sử dụng đều phải đóng thuế dù có hay không khai thác mang lại nguồn lợi từ đất. Sản phẩm từ sử dụng đất chịu các sắc thuế riêng như nhà đất, sử dụng đất nông nghiệp, tiền lệ phí sử dụng đất, các loại phí thuê đất và mặt nước; khi mua bán thì chịu thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất v.v.

Hàng trăm tấn vàng đang nằm bất động trong két của người dân 

Cùng với đất đai, vàng cũng là một loại vật chất đặc biệt luôn có giá trị cao vượt trội. Ngoài dùng làm nguyên liệu chế tác trang sức ra thì vàng được đúc thỏi, dập miếng để tích trữ song chỉ mang tính giá trị, không có giá trị sử dụng. Dưới chế độ bản vị vàng, tổ chức phát hành tiền mặt cam kết sẵn sàng nhận lại tiền mặt và trả vàng nếu được yêu cầu, vàng lúc này như một giá trị bảo lãnh cho đồng tiền. Với chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế, hiện vàng thỏi, vàng miếng không được sử dụng trong giao dịch dân sự. Vì phòng sự mất giá của đồng tiền, nhiều người dân có tâm lí trữ vàng đang tiềm ẩn những hệ lụy. Đa số người dân tích trữ, đầu tư vàng không có tính chuyên nghiệp nên thường thua thiệt, phía hưởng lợi thường đến với doanh nghiệp kinh doanh vàng khi biên độ mua bán, giá cả do họ quyết định. Hệ lụy khác là một nguồn lực rất lớn không được khai thác mang lại lợi ích cho xã hội. Hàng trăm tấn vàng trong dân hiện nay có thể ví như những cánh đồng phì nhiêu không đưa vào “thâm canh”, đang bị bỏ hoang!

Hiện các tài sản lớn như bất động sản, chứng khoán khi giao dịch đều chịu thuế chuyển nhượng trong khi vàng miếng đang được giao dịch (cũng là một sự đầu tư) song lại không chịu thuế chuyển nhượng, đây là sự bất cập, bất bình đẳng trong kinh doanh. Nhiều chuyên gia kinh tế đã đề xuất cần có mức thuế chuyển nhượng trong giao dịch vàng miếng tương tự bất động sản, chứng khoán. Bên cạnh đó cần tính đến loại thuế với cá nhân tích trữ vàng miếng tương tự như thuế của người sở hữu đất. Đối với hệ thống ngân hàng, Nhà nước cần nghiên cứu cho phép các ngân hàng thương mại được giao dịch vàng tài khoản và mở dịch vụ giữ hộ vàng của tổ chức, cá nhân với mức phí hợp lí để khuyến khích người dân đưa vàng vào nền kinh tế./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  18/6/2024

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2024

Những quỹ không ổn

 

Quỹ tồn tại cần đạt mục tiêu

Gây quỹ là một hoạt động quan trọng đối với bất kì tổ chức hay doanh nghiệp nào. Hoạt động này giúp huy động tài chính để hỗ trợ cho một mục tiêu hay sứ mệnh cụ thể của tổ chức, doanh nghiệp. Nếu không hoàn thành mục tiêu, sứ mệnh của mình thì không còn lí do để quỹ tồn tại.

Sau đại dịch COVID-19, theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã quan tâm hỗ trợ ngành du lịch phục hồi bằng chính sách tài khóa tiền tệ, bố trí 300 tỉ đồng cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch (theo Nghị quyết số 43/2022/QH15). Tuy nhiên, đến nay số kinh phí này vẫn nằm trong tài khoản ngân hàng và tiền lãi được dùng chi cho hoạt động thường xuyên và bộ máy hành chính quản lí quỹ. Do vậy mục tiêu hỗ trợ ngành du lịch phục hồi phát triển sau hai năm vẫn chưa đạt được, hàng trăm tỉ đồng đang nằm “bất động”!


                                    Du lịch đã phục hồi mà chưa kịp dùng quỹ

Thế nhưng giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng lại cho rằng 300 tỉ đồng này không phải quỹ để hỗ trợ phát triển du lịch, mà theo Luật Du lịch, số tiền này gọi là vốn điều lệ!? Vốn này phải được bảo tồn bằng cách gửi ngân hàng, phần lãi được dùng làm chi phí cho tổ chức bộ máy quản lí quỹ! Nói một cách dễ hiểu là 300 tỉ đồng chỉ là vốn điều lệ (nhưng không rõ của doanh nghiệp nào?) chỉ cần được bảo tồn và nuôi bộ máy quản lí quỹ. Bộ trưởng cũng không cho biết đã có “doanh nghiệp quỹ” này được thành lập hay chưa và làm thế nào để có tiền hỗ trợ phát triển du lịch khi không dung 300 tỉ đó? Phải chăng giữa Nghị quyết của Quốc hội và Luật Du lịch đang có “độ vênh” nên chính sách chưa thể đi vào cuộc sống?

Còn một loại quỹ nữa cũng đang rất bất ổn, đó là Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cách đây 15 năm, ngày 09/01/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 04/2009/QĐ-TTg về việc trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, trong đó quy định “Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương căn cứ vào diễn biến giá cả thế giới và trong nước, quy định mức trích cụ thể trong từng thời điểm cho phù hợp…”. Trong những giai đoạn giá xăng dầu biến động mạnh, thiếu nguồn cung, Quỹ này đã góp phần giúp bình ổn thị trường xăng dầu trong nước. Tuy nhiên những năm gần đây giá xăng dầu thế giới không còn những biến động quá lớn, đồng thời Việt Nam đã có hai nhà máy lọc dầu nên nguồn cung được bảo đảm. Hiện nay giá xăng dầu được điều chỉnh lên xuống theo giá thế giới nên vai trò của Quỹ không còn nhiều tác dụng, thậm chí khi giá thế giới giảm sâu hoặc tăng lên thì vẫn trích lập quỹ khiến giá xăng không giảm như kì vọng của người tiêu dùng. Mặt khác, việc để doanh nghiệp quản lí Quỹ (là nguồn tiền của người tiêu dùng) đã bị lợi dụng. Một số doanh nghiệp vi phạm sử dụng Quỹ bình ổn đã bị xử lí hình sự. Không chỉ ý kiến từ các chuyên gia, nhà kinh tế, chính các doanh nghiệp xăng dầu cũng đang muốn bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Như vậy, từ một quỹ nhằm bình ổn thị trường lại đang bộc lộ bất ổn.

Khi mà hai loại quỹ trên đây đang không đạt mục tiêu đề ra, liệu còn lí do gì để nó tồn tại?/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  14/6/2024  

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2024

Doanh nghiệp Việt tự hại nhau

 

Bỏ thầu cao, chào thầu thấp

Còn nhớ cách đây mấy năm, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc ông lớn Tân Hoàng Minh đã trúng thầu lô đất tại TP Hồ Chí Minh lên tới hơn 2,4 tỉ đồng/m2. Thế rồi sau đó doanh nghiệp chấp nhận bỏ tiền cọc, lần khân không nộp tiền trúng đấu giá với cái giá đất cao “trên mây”. Dù bỏ cọc nhưng với phi vụ trúng đấu giá đất cao chót vót đó đã tạo hiệu ứng khiến giá đất khu vực tăng theo, một số doanh nghiệp bất động sản hưởng lợi không nhỏ. Nay người ta đã hiểu, về bản chất đây là hành vi lũng đoạn thị trường, tạo giá ảo để trục lợi. Với phong cách làm ăn chụp giật, doanh nghiệp lớn này còn vi phạm nghiêm trọng trong mua bán trái phiếu và đã bị bóc trần, chủ doanh nghiệp vào vòng lao lí.

Có một câu chuyện cũng đang khiến dư luận ngạc nhiên lẫn lo ngại, đó là việc chào thầu thấp với sản phẩm gạo Việt trên thị trường quốc tế.

Những năm qua gạo Việt lên ngôi cả về chất lượng và giá trị trong đó có một thương hiệu “soán ngôi vương” là ST25. Nhiều sản phẩm gạo của ta cao hơn của nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Thái Lan - nước luôn có sản phẩm gạo giá cao hàng đầu. Cả lượng và giá đều tăng cao khiến người nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp Việt hưởng thành quả khả quan.


Gạo Việt Nam ngày càng khẳng định chất lượng trên trường quốc tế

Vậy nhưng, sau khi lập đỉnh 663 USD/tấn vào ngày cuối năm ngoái, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta quay đầu giảm. Vừa qua, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia công bố giá chào thầu 300.000 tấn gạo loại 5% tấm vụ mùa 2023-2024, các doanh nghiệp Việt Nam gây bất ngờ khi có mức giá chào thầu thấp nhất so với doanh nghiệp quốc tế khác. Doanh nghiệp Việt Nam chào thầu mức giá thấp nhất là 564,5 USD/tấn, trong khi giá cao nhất là 658,5 USD/tấn đến từ các doanh nghiệp Thái Lan. Còn giá chào thầu của doanh nghiệp Myanmar và Pakistan cũng lần lượt là 621,5 USD/tấn và 633 USD/tấn.

Người ta thường nói “của rẻ là của ôi” song trong trường hợp này, gạo Việt đâu có ôi!? Gạo Việt đang ngày càng tạo được uy tín cả trên các thị trường uy tín, “khó tính” như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, việc chào thầu “đại hạ giá” như vậy chẳng khác nào tự quảng cáo rằng hàng gạo Việt Nam có chất lượng thấp hoặc được sản xuất với chi phí rẻ! Chỉ một loại gạo bị đánh tụt giá như vậy chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng và cái nhìn nghi ngại của thế giới về chất lượng các loại gạo khác đến từ Việt Nam.

Chỉ cần vài doanh nghiệp chào bán giá thấp sẽ kéo tụt toàn bộ mức giá nền của cả ngành lúa gạo Việt. Các nhà nhập khẩu thế giới thường lấy giá đó làm giá tham chiếu, các doanh nghiệp Việt khác rất khó để chào bán giá gạo cao hơn. Hệ quả thiệt hại trong tương lai với nhà nông và doanh nghiệp xuất khẩu gạo là nhãn tiền.

Từ vụ “phá giá” này, các cơ quan quản lí như Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu), Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần sớm vào cuộc làm việc với doanh nghiệp để xác minh rõ vấn đề. Nếu thực sự có cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần được thanh tra và xử lí nghiêm minh./. 

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  13/6/2024

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2024

Một chuyện bình thường bị lợi dụng

 

Hết đất cho “ăn theo”

Trong bài thơ Thế tục của Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu “Thớt có tanh tao ruồi đỗ  đến/Gang không mật mỡ kiến bò chi!” ý nói về một thói xấu ở đời, khi thấy có mối lời, miếng béo bở hoặc điều gì đó có thể lợi dụng, nhiều kẻ tham lam thường bâu đến tìm kiếm lợi lộc cho mình.

Trong nhiều ngay qua có một câu chuyện đã gây “sốt” trên các trang mạng và sự quan tâm của cả chính quyền, đó là “hiện tượng” ông Thích Minh Tuệ.


Đoàn người đi theo ông Thích Minh Tuệ tại địa phận Thừa Thiên Huế

Ông Thích Minh Tuệ (tên thật là Lê Anh Tú) từ chỗ là một người bộ hành thầm lặng từ năm 2017 đã trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội, qua hình ảnh một khất sĩ đầu trần chân đất, mặc tấm y chắp vá từ nhiều mảnh vải cũ, tay ôm ruột nồi cơm điện đi khất thực dọc theo các tuyến đường từ Nam ra Bắc. Được biết ông đang tự tu theo hạnh đầu đà -  một trong những phương pháp tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não, có từ thời Đức Phật tại thế. Chính ông Tú cũng không tự nhận mình là một vị sư, không phải là “thầy” và không có “đệ tử”, ông chỉ bộ hành để “tập học” theo lời dạy của Đức Phật, vừa là để “rèn luyện sức khỏe” mà thôi.

Có lẽ sự việc bắt đầu được chú ý khi một vài trang mạng đưa lên hình ảnh của ông Minh Tuệ cùng với những tán dương, bình luận như một hiện tượng “chân tu” đức hạnh, triết lí tiêu biểu hiện “đang thiếu” trong giới tu hành. Thế rồi có cả những người học vị cao, am hiểu đạo phật cũng đăng đàn phân tích nâng tầm tư tưởng, triết lí từ “hiện tượng” này. Kẻ đồng thuận, người phản đối khiến “cuộc chiến” tranh luận làm nóng các trang mạng như YouTube, TikTok, Facebook… Từ nóng trên mạng dần chuyển thành “nóng” những cung đường ông Minh Tuệ đi qua, người hiếu kì, kẻ tranh thủ khai thác hình ảnh, sản xuất thông tin đều bám theo, vây quanh nhà tu hành khiến giao thông ách tắc, trật tự ngày một hỗn độn. Từ chỗ tu hành đơn độc, ông Minh Tuệ có thêm những “đồ đệ” theo tu cùng hàng chục “thiện nguyện viên” dẹp đường, căng dây bảo vệ đến mức công an, cảnh sát giao thông phải vào cuộc giữ gìn trật tự, điều hành giao thông. Rồi dư luận cũng nhận ra trong cái đám đông đang phình ra ấy phần lớn là các YouTuber, TikToker… trên tay là điện thoại, camera đang cố tường thuật trực tiếp sự kiện. Khi đã có người kiệt sức thiệt mạng, có người phải cấp cứu là tiền đề của sự mất kiểm soát…

Khi hình ảnh “sư Minh Tuệ” xôn xao trên mạng cũng là lúc bùng nổ một làn sóng truyền thông của các thế lực thù địch chống đối nhằm vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các nhà tu hành Phật giáo và tín đồ chân chính. Không ít bài đăng, video clip được cắt, ghép, dựng, đăng tải những thông tin phiến diện, tiêu cực nhằm chỉ trích, phỉ báng, làm xói mòn niềm tin, chia rẽ cộng đồng phật tử, hạ uy tín Phật giáo.

Nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề và ý kiến tham gia của cơ quan chức năng về quyền, nghĩa vụ của công dân, ngày 3/6 ông Lê Anh Tú đã tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.

 Vậy là không còn “đất” cho những kẻ ăn theo với những động cơ khác nhau, trả lại sự bình yên cho những cung đường và trật tự, an toàn xã hội./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  06/6/2024

Anh Quýt công quyền

 

Quýt làm, cam chịu!

Dân gian có câu phương ngôn “quýt làm, cam chịu” hàm ý người này làm sai nhưng người kia phải chịu hậu quả. Cứ ngỡ chuyện đó chỉ có ở thời xa xưa bởi nay với hệ thống luật pháp đầy đủ bảo đảm sự công bằng, ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên nay vẫn tồn tại khá nhiều trường hợp “anh Quýt” công quyền làm sai khiến người dân cam chịu hậu quả.

Ví dụ vụ việc năm 2008 có 246 hộ dân đã được UBND xã Hồng Minh xét duyệt mua đất giãn dân, được thông báo là theo chính sách đất giãn dân của huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây lúc bấy giờ. Sau khi thu mỗi hộ gần 24 triệu đồng theo giá đất phê duyệt và nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước, xã tiến hành cắm mốc giới thực địa và giao đất cho dân.

Vậy nhưng mới đây, khi thu hồi đất cho dự án đường trục phía Nam đi qua địa phận huyện, trong 36 hộ mua đất giãn dân nằm trong danh sách bị thu hồi đất chỉ có 21 hộ được đền bù với giá đất ở, còn 15 hộ được thông báo là đền bù… 0 đồng! Được biết lí do là số hộ này nằm trong diện được giao đất trái thẩm quyền.



Cũng tại Hà Nội, khi giải phóng mặt bằng cho đường vành đai 4 qua xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai đã phát lộ việc chính quyền làm sai, tự ý đưa đất của dân (sử dụng ổn định từ những năm 1960) vào diện UBND xã quản lí (tức là đất công), nay không được bồi thường v.v.

Giao đất, cho thuê hay thu hồi đất là việc của chính quyền, người dân chỉ biết thực hiện theo chính sách thông qua triển khai của chính quyền cơ sở và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Rõ ràng người dân không sai phạm, chủ thể sai phạm luật pháp là chính quyền. Cả về lí và tình tại hai vụ việc trên chính quyền các cấp hiện tại phải tìm giải pháp khắc phục, trả lại sự công bằng cho người dân.

Trong trường hợp tại xã Hồng Minh, pháp luật đã có quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 18 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, theo đó việc cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp được giao đất không đúng thẩm quyền từ ngày 01/7/2004 đến trước ngày 01/7/2014 theo quy định tại Điều 23 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP được thực hiện: Làm rõ và xử lí trách nhiệm đối với người giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể và cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật…”.

Không rõ Hà Nội đã xử lí trách nhiệm đối với người giao đất không đúng thẩm quyền hay chưa. Việc “quýt làm cam chịu” là sự bất công và xói mòn niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo, điều hành của chính quyền./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 05/6/2024

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

Ý chí chủ quan

 

 Chính sách xuất phát từ ý chí

Mọi chính sách được ban hành trước tiên phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, sau đó mới tới ý chí chủ quan nhằm giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra. Nếu chỉ xuất phát từ quyết tâm của người lãnh đạo, quản lí, bỏ qua thực tiễn khách quan để đưa ra giải pháp sẽ không thể phát huy hiệu quả, thậm chí còn tác dụng ngược.

Ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hiện nay xuất phát từ nguyên nhân phát triển đô thị quá nóng nhiều thập kỉ cùng với những quy hoạch chưa động bộ về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Mới đây, tại kì họp thứ 7 Quốc họp khóa XV đang diễn ra, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị cân nhắc phí giao thông nội đô, áp dụng với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định. Bà cho rằng việc này một mặt sẽ hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị. Còn tại TP Hồ Chí Minh, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 cũng có quy định thu phí xe vào giờ cao điểm; số lượng chỗ đỗ xe hạn chế dưới 50% quy chuẩn kết hợp quản lí thu phí đỗ xe theo giờ…


        Thu phí thì dân vẫn phải dùng phương tiện cá nhân vì không có lựa chon khác

Giải pháp tương tự ý kiến của đại biểu Nguyễn Phương Thủy hay đồ án điều chỉnh quy hoạch TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần được một số địa phương đưa ra song tất cả đều chưa tạo được đồng thuận vì bộc lộ sự bất khả thi. Phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, xe máy tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhiều năm qua tăng nhanh, mật độ tham gia giao thông quá lớn là một thực trạng khách quan. Giao thông đô thị như một hệ thống mạch máu bảo đảm cho sức sống và phát triển. Các phương tiện giao thông như những công cụ chuyên chở, là động lực để “mạch máu” không ngừng vận động. Khi ta hạn chế một loại công cụ vận chuyển nào đó thì “dòng máu” sẽ cần các công cụ khác để chuyển tải. Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trước tiên cần có hệ thống giao thông công cộng đủ năng lực thay thế.

Được biết tỉ lệ đảm nhiệm của vận tải hành khách công cộng toàn thành phố Hà Nội vào năm 2023 mới chỉ đạt 19,5%. Năm 2024 đặt mục tiêu tỉ lệ này đạt từ 22-25%. TP Hồ Chí Minh cũng phấn đấu giai đoạn 2022-2030 mới đạt tỉ lệ 25%.

Chính sách “đánh” vào kinh tế thông qua thu phí cao liệu có khiến nhiều người từ bỏ phương tiện cá nhân? Và nếu từ bỏ thì họ sử dụng phương tiện gì khi mà giao thông công cộng chưa thể đáp ứng? Hệ quả tất yếu là sẽ chẳng hạn chế được phương tiện khi người tham gia giao thông không có sự lựa chọn khác thay thế. Kết quả, Nhà nước có thể thu được một lượng ngân sách từ phí còn người dân thì chỉ chấp nhận mất thêm tiền phí vì không thể từ bỏ sử dụng phương tiện riêng.

Không chỉ lãnh đạo, cơ quan quản lí mà hầu hết người dân tại các đô thị lớn đều mong vấn đề ùn tắc giao thông được giải quyết. Tuy nhiên cần dựa trên cách nhìn nhận, đánh giá khoa học, toàn diện để có giải pháp đồng bộ chứ không chỉ từ ý chí chủ quan, áp đặt./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  04/6/2024