Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

"Cánh đồng vàng" bị bỏ hoang

 

 Thâm canh… vàng

Từ thâm canh thường được nói về việc nhà nông tăng cường canh tác không đất đai nhàn rỗi. Thâm canh tăng vụ, tăng năng suất để đất đai mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho người sử dụng và lợi ích cho xã hội.

Luật Đất đai  khẳng định “Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống,  địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các công tình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng”. Chính vì là loại tư liệu sản xuất đặc biệt nên người sở hữu, chủ sử dụng đều phải đóng thuế dù có hay không khai thác mang lại nguồn lợi từ đất. Sản phẩm từ sử dụng đất chịu các sắc thuế riêng như nhà đất, sử dụng đất nông nghiệp, tiền lệ phí sử dụng đất, các loại phí thuê đất và mặt nước; khi mua bán thì chịu thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất v.v.

Hàng trăm tấn vàng đang nằm bất động trong két của người dân 

Cùng với đất đai, vàng cũng là một loại vật chất đặc biệt luôn có giá trị cao vượt trội. Ngoài dùng làm nguyên liệu chế tác trang sức ra thì vàng được đúc thỏi, dập miếng để tích trữ song chỉ mang tính giá trị, không có giá trị sử dụng. Dưới chế độ bản vị vàng, tổ chức phát hành tiền mặt cam kết sẵn sàng nhận lại tiền mặt và trả vàng nếu được yêu cầu, vàng lúc này như một giá trị bảo lãnh cho đồng tiền. Với chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế, hiện vàng thỏi, vàng miếng không được sử dụng trong giao dịch dân sự. Vì phòng sự mất giá của đồng tiền, nhiều người dân có tâm lí trữ vàng đang tiềm ẩn những hệ lụy. Đa số người dân tích trữ, đầu tư vàng không có tính chuyên nghiệp nên thường thua thiệt, phía hưởng lợi thường đến với doanh nghiệp kinh doanh vàng khi biên độ mua bán, giá cả do họ quyết định. Hệ lụy khác là một nguồn lực rất lớn không được khai thác mang lại lợi ích cho xã hội. Hàng trăm tấn vàng trong dân hiện nay có thể ví như những cánh đồng phì nhiêu không đưa vào “thâm canh”, đang bị bỏ hoang!

Hiện các tài sản lớn như bất động sản, chứng khoán khi giao dịch đều chịu thuế chuyển nhượng trong khi vàng miếng đang được giao dịch (cũng là một sự đầu tư) song lại không chịu thuế chuyển nhượng, đây là sự bất cập, bất bình đẳng trong kinh doanh. Nhiều chuyên gia kinh tế đã đề xuất cần có mức thuế chuyển nhượng trong giao dịch vàng miếng tương tự bất động sản, chứng khoán. Bên cạnh đó cần tính đến loại thuế với cá nhân tích trữ vàng miếng tương tự như thuế của người sở hữu đất. Đối với hệ thống ngân hàng, Nhà nước cần nghiên cứu cho phép các ngân hàng thương mại được giao dịch vàng tài khoản và mở dịch vụ giữ hộ vàng của tổ chức, cá nhân với mức phí hợp lí để khuyến khích người dân đưa vàng vào nền kinh tế./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  18/6/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét