Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

Điểm mù thông tin

 

 Đợi AI và trách nhiệm của ai

Liên tục thời gian gần đây xuất hiện nhiều nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến theo một kịch bản rất… cũ. Đó là chiêu trò gọi điện nhân danh các cơ quan công quyền đe dọa vi phạm mà nạn nhân không có, hướng dẫn cập nhật thông tin cá nhân trên VneID của Bộ Công an, trên VssID về BHXH, mời gọi đầu tư chứng khoán, vàng online… từ đó dẫn dụ nạn nhân là theo hướng dẫn rồi lừa đảo. Đa số các nạn nhân đều bị lừa số tiền từ hàng chục triệu đến nhiều tỉ đồng. Số tiền bị lừa đảo trên không gian mạng chỉ riêng năm 2023 đã lên tới 10 nghìn tỉ đồng. Ngay tại Hà Nội gần đây có người bị lừa mất 24 tỉ đồng vì bị lừa đầu tư vàng online…

Nếu ai thường xuyên cập nhật thông tin về các thủ đoạn lừa đảo trên (đã được cả báo chí, các trang mạng xã hội lien tục chia sẻ rộng rãi) thì chắc chắn nhận ngay ra khi gặp những tình huống gọi điện lừa đảo. Tuy nhiên có không ít người vẫn chưa nắm được thông tin cảnh báo, trong đó người cao tuổi, người thiếu thông tin luôn là “con mồi” tiềm tàng của bọn lừa đảo công nghệ tinh vi.

Hiện Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đang phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng phần mềm chống lừa đảo cho người dân để đưa lên app dùng chung. Bên cạnh việc cung cấp công cụ hỗ trợ người dân phát hiện các dấu hiệu lừa đảo trên không gian mạng dựa vào ứng dụng công nghệ AI, phần mềm này sẽ giúp người dân nhận diện tội phạm lừa đảo, góp phần nâng cao nhận thức và kĩ năng an toàn, an ninh mạng khi sử dụng điện thoại. Dự kiến, phần mềm sớm được đưa lên các chợ ứng dụng để người dân có thể tải về cài trên các thiết bị công nghệ. Với việc tích hợp dữ liệu về phòng chống tội phạm lừa đảo của các bộ, ngành có liên quan trong đó có Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước, ứng dụng sẽ thông tin đến người dùng những kiến thức giúp nhận diện các hình thức lừa đảo, các nguy cơ bị lừa đảo, tấn công trực tuyến trên không gian mạng.

Tuy nhiên, khi đã có những ứng dụng thông minh này thì sẽ vẫn còn những người tiếp tục bị lừa đảo vì một nguyên nhân chung là không có thói quen cập nhật thông tin kể cả nhiều người trẻ. Không ít người mỗi ngày dùng nhiều giờ đồng hồ song chỉ chơi games, xem video giải trí trên Youbube, Tiktok, Facebook… mà không hề theo dõi, cập nhật thông tin khác, nhất là về tình hình thời sự, chính trị, an ninh trật tự, cho nên có thể coi họ vẫn đang ở trong “điểm mù” thông tin. 

Để xóa “điểm mù” thông tin, ngoài sự tự thân vận động của cá nhân ra rất cần sự tham gia tuyên truyền bằng nhiều kênh, nhiều hình thức của các cơ quan chức năng, đoàn thể và đặc biệt là người thân để phủ kín các đối tượng. Trong mỗi gia đình nếu con cháu có nhận thức tốt các vấn đề về an ninh trật tự luôn chia sẻ, nhắc nhở các thành viên khác thì sẽ hình thành được ý thức cảnh giác của mọi người, không dễ gì kẻ xấu có thể tấn công và lừa đảo./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  26/6/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét