Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2024

Những quỹ không ổn

 

Quỹ tồn tại cần đạt mục tiêu

Gây quỹ là một hoạt động quan trọng đối với bất kì tổ chức hay doanh nghiệp nào. Hoạt động này giúp huy động tài chính để hỗ trợ cho một mục tiêu hay sứ mệnh cụ thể của tổ chức, doanh nghiệp. Nếu không hoàn thành mục tiêu, sứ mệnh của mình thì không còn lí do để quỹ tồn tại.

Sau đại dịch COVID-19, theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã quan tâm hỗ trợ ngành du lịch phục hồi bằng chính sách tài khóa tiền tệ, bố trí 300 tỉ đồng cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch (theo Nghị quyết số 43/2022/QH15). Tuy nhiên, đến nay số kinh phí này vẫn nằm trong tài khoản ngân hàng và tiền lãi được dùng chi cho hoạt động thường xuyên và bộ máy hành chính quản lí quỹ. Do vậy mục tiêu hỗ trợ ngành du lịch phục hồi phát triển sau hai năm vẫn chưa đạt được, hàng trăm tỉ đồng đang nằm “bất động”!


                                    Du lịch đã phục hồi mà chưa kịp dùng quỹ

Thế nhưng giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng lại cho rằng 300 tỉ đồng này không phải quỹ để hỗ trợ phát triển du lịch, mà theo Luật Du lịch, số tiền này gọi là vốn điều lệ!? Vốn này phải được bảo tồn bằng cách gửi ngân hàng, phần lãi được dùng làm chi phí cho tổ chức bộ máy quản lí quỹ! Nói một cách dễ hiểu là 300 tỉ đồng chỉ là vốn điều lệ (nhưng không rõ của doanh nghiệp nào?) chỉ cần được bảo tồn và nuôi bộ máy quản lí quỹ. Bộ trưởng cũng không cho biết đã có “doanh nghiệp quỹ” này được thành lập hay chưa và làm thế nào để có tiền hỗ trợ phát triển du lịch khi không dung 300 tỉ đó? Phải chăng giữa Nghị quyết của Quốc hội và Luật Du lịch đang có “độ vênh” nên chính sách chưa thể đi vào cuộc sống?

Còn một loại quỹ nữa cũng đang rất bất ổn, đó là Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cách đây 15 năm, ngày 09/01/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 04/2009/QĐ-TTg về việc trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, trong đó quy định “Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương căn cứ vào diễn biến giá cả thế giới và trong nước, quy định mức trích cụ thể trong từng thời điểm cho phù hợp…”. Trong những giai đoạn giá xăng dầu biến động mạnh, thiếu nguồn cung, Quỹ này đã góp phần giúp bình ổn thị trường xăng dầu trong nước. Tuy nhiên những năm gần đây giá xăng dầu thế giới không còn những biến động quá lớn, đồng thời Việt Nam đã có hai nhà máy lọc dầu nên nguồn cung được bảo đảm. Hiện nay giá xăng dầu được điều chỉnh lên xuống theo giá thế giới nên vai trò của Quỹ không còn nhiều tác dụng, thậm chí khi giá thế giới giảm sâu hoặc tăng lên thì vẫn trích lập quỹ khiến giá xăng không giảm như kì vọng của người tiêu dùng. Mặt khác, việc để doanh nghiệp quản lí Quỹ (là nguồn tiền của người tiêu dùng) đã bị lợi dụng. Một số doanh nghiệp vi phạm sử dụng Quỹ bình ổn đã bị xử lí hình sự. Không chỉ ý kiến từ các chuyên gia, nhà kinh tế, chính các doanh nghiệp xăng dầu cũng đang muốn bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Như vậy, từ một quỹ nhằm bình ổn thị trường lại đang bộc lộ bất ổn.

Khi mà hai loại quỹ trên đây đang không đạt mục tiêu đề ra, liệu còn lí do gì để nó tồn tại?/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  14/6/2024  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét